Thảo luận về Dự án Luật Trồng trọt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần làm rõ mối quan hệ nội hàm giữa Luật này với Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, vì khi đề cập đến các vấn đề như giống, canh tác, khai thác, kinh doanh… trong dự án Luật Trồng trọt trình bày chưa sâu. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị ban soạn thảo bổ sung làm rõ và rộng hơn các nội dung này.
Theo Bộ trưởng, có những vấn đề mà chúng ta đang rất kỳ vọng đó là trong nông nghiệp có nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… vậy làm sao để Luật Trồng trọt sau khi ban hành chúng ta có thể hình dung các nội dung như: Thế nào là nông nghiệp hữu cơ; Nếu là nông nghiệp hữu cơ thì giống ra sao, giống bản địa như thế nào? Quá trình canh tác chúng ta thực hiện phân bón như thế nào? Phòng trống dịch bệnh, địch hại theo phương pháp hữu cơ ra sao... “Tôi cho rằng, nếu được chúng ta cố gắng thiết kế một chương để nói về nông nghiệp hữu cơ” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Lý giải điều này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng hiện nay trên các phương tiện truyền thông đã nhiều lần đề cập đến nông nghiệp hữu cơ nhưng không phải người dân nào cũng hình dung được nông nghiệp hữu cơ là gì. Nhiều người đang chưa hiểu rõ khái niệm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch ra sao.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng khi nói đến nông nghiệp hữu cơ thì sẽ liên quan đến vấn đề xuất khẩu xuất xứ hàng hóa. Vậy thì chúng ta cần làm rõ xem chất lượng của đất và nước phục vụ nông nghiệp hữu cơ ra sao, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như thế nào. “Khi nói đến nông nghiệp hữu cơ mà sử dụng đất và nước bị ô nhiễm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón vô cơ… thì có tạo được nông nghiệp hữu cơ không” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặt vấn đề.
Ngoài ra trong quá trình canh tác nông nghiệp hữu cơ cần bảo vệ được chất lượng tài nguyên đất đai bao gồm: dinh dưỡng, chống sói mòn cho đất… trong dự thảo Luật có nêu nhưng Bộ trưởng cho rằng vẫn cần làm rõ hơn để làm sao khi canh tác đảm bảo tính bền vững hơn đối với một nguồn tài nguyên rất quan trọng đó là đất đai.
Một vấn đề nữa mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đó là nông nghiệp có vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Dẫn chứng con số ở Việt Nam khoảng 30% đến 40% phát thải khí nhà kính là từ nông nghiệp. Vì vậy để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái.
Theo Bộ trưởng, chúng ta có 3 vùng kinh tế sinh thái: nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Và như vậy, chúng ta cần có tính toán định hướng về giống, về kỹ thuật canh tác để sản phẩm nông nghiệp có thể phù hợp với từng hệ sinh thái và cũng là thích ứng với biến đổi khí hậu.
Còn đối với việc giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phương pháp canh tác lúa hiện nay phát sinh khí mê tan, một trong những loại khí nhà kính nguy hiểm vì vậy ở góc độ nào đó cần có những định hướng rất rõ rang về vấn đề này để có thể giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai.
“Cuối cùng rõ ràng trong trồng trọt, giống là hết sức quan trọng. Và như ý kiến của một số đại biểu phát biểu trước tôi, chúng ta cần xem lại các thỏa thuận Quốc tế. Cần xem xét với các quốc gia có nền nông nghiệp tương đồng để chúng ta sớm có các thỏa thuận lẫn nhau dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn để có thể có các loại giống tốt phục vụ trồng trọt… Đồng thời bên cạnh vai trò của Nhà nước cần có các thỏa thuận song phương, đa phương để có các sản phẩm nông nghiệp mang tính chiến lược, đặc hữu quốc gia trong nông nghiệp” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập đến một số nội dung bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.