ĐBQH nêu 4 đề nghị nhằm phát huy nội lực phát triển KT-XH vùng cao biên giới

Hải Ngọc (lược ghi)| 31/10/2019 07:58

(TN&MT) - Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) nêu 4 đề nghị giúp đồng bào vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

ĐBQH Nguyễn Ngọc Hải (Đoàn tỉnh Hà Giang). Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hải, đối với các tỉnh vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tỷ lệ giảm nghèo năm 2019 đã vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, theo đại biểu, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình chia cắt mạnh, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu trầm trọng về mùa khô, kết cấu cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tình trạng hộ nghèo và cận nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số miền núi, nhất là tình trạng nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đã và đang là một trong những thách thức lớn. Vấn đề tái nghèo và nguy cơ tái nghèo luôn thường trực diễn ra ở các vùng này.

Để giúp đồng bào vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc... đại biểu Nguyễn Ngọc Hải nêu 4 kiến nghị của cử tri các tỉnh miền núi biên giới nói chung và cử tri Hà Giang nói riêng đề nghị với Quốc hội.

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, tạo mối liên kết vùng và bền vững như Quốc lộ 279, Quốc lộ 34 nhằm thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế từng vùng, thế mạnh của kinh tế biên mậu với nước bạn.

Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm đầu tư đường cao tốc kết nối các tỉnh với đường cao tốc chính trong vùng. Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp với tỉnh Yên Bái đề xuất dự án đầu tư tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Giang và đã được Bộ Giao thông vận tải quyết định cho lập dự án khả thi, với mong muốn giảm nhanh khoảng cách kết nối Hà Giang gần với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ sớm rà soát, ưu tiên bố trí đủ vốn cho việc xây dựng đường tuần tra biên giới, có xem xét đến vùng đặc biệt khó khăn, vùng trọng điểm, đặc biệt là vùng biên giới với Trung Quốc, góp phần giữ vững đường biên giới, mốc giới, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội.

Qua đó, trước mắt tạo được công ăn việc làm cho đồng bào nghèo, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, giảm dần sự so sánh đầu tư giữa hai bên đường biên. Một đường biên giới vững mạnh cần ổn định nhất là từng bước nâng cao đời sống của người dân.

Thứ ba, rà soát bom mìn và quy tập hài cốt liệt sĩ là trách nhiệm, tâm tư, tình cảm của đồng bào với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, là nguyện vọng của đông đảo cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ trên khắp mọi miền của đất nước cần sớm được đáp ứng.

Cử tri đề nghị Chính phủ sớm bố trí kinh phí để rà, phá bom mìn, vật liệu nổ để quy tập mộ liệt sĩ và giải phóng đất canh tác để bà con đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, cư dân dọc biên giới có thêm đất sản xuất tại chỗ, giảm dần và tiến tới xóa bỏ thực trạng cư dân biên giới tự phát sang bên kia biên giới làm thuê do thiếu đất sản xuất, nhưng về quyền lợi và lợi ích hợp pháp chưa được bảo hộ.

Thứ tư, về giải quyết nước sạch, cử tri, đồng bào Hà Giang là nơi đặc biệt khó khăn khi mà mùa khô đến nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, chăn nuôi đều trên lưng người dân hàng km. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục sớm rà soát, đầu tư cho đồng bào xây dựng hồ treo chứa nước sinh hoạt với quy mô vừa và nhỏ.

“Hiện nay, theo quy hoạch thì tỉnh Hà Giang cần khoảng 300 hồ đối với cao nguyên đá vùng cao để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, bám trụ, giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc” - Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH nêu 4 đề nghị nhằm phát huy nội lực phát triển KT-XH vùng cao biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO