ĐBQH kiến nghị Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL

Tống Minh| 30/10/2019 16:39

(TN&MT) - ​​​​​​​Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 30/10, đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) kiến nghị Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Ban điều phối để thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 120 nhằm phát huy, khai thác tối đa vị thế của đồng bằng sông Cửu Long

Đại biểu Lưu Thành Công. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Lưu Thành Công cho biết, Cử tri đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hết sức hoan nghênh Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 120 ngày 7/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, người dân đã từng bước thích ứng với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong sản xuất và đời sống, nhưng họ vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức ngày càng nặng nề hơn về hậu quả của biến đổi khí hậu như an ninh, nguồn nước hiện nay bị đe dọa nghiêm trọng.

Nước biển dâng xâm nhập mặn, các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông làm cho nhiều con sông bị thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, gia tăng nghiêm trọng tình trạng sụt lún, sạt lở, nguồn lợi thủy sản năng suất, sản lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi bị giảm mạnh, đe dọa đến sinh kế và đời sống của hàng chục triệu người dân đồng bằng mà nội lực của các tỷnh ở đồng bằng sông Cửu Long thì không thể nào giải quyết được.

Đại biểu Công cho rằng, cần phải có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Việc phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long là một yêu cầu cấp bách hiện nay không chỉ cho vùng mà vì lợi ích chung của cả nước, của tiểu vùng sông Mekong và của cả cộng đồng quốc tế. Nhưng trong thực tế thì Nghị quyết 120 này đi vào cuộc sống còn chậm…

“Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ, ngành trung ương kết hợp với địa phương sớm có một Chương trình hành động tổng thể để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ” - Đại biểu Lưu Thành Công nói.

Theo ông Lưu Thành Công, từ những cơ sở đó, cần kiện toàn lại việc quy hoạch phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long theo Luật Quy hoạch năm 2017, làm căn cứ cho địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển địa phương mình trên tổng thể chung hài hòa với sự phát triển của cả vùng, xác định rõ sản phẩm chủ lực phù hợp với cấu tạo địa hình của từng nơi giải quyết dứt điểm các vấn đề còn chồng chéo, mâu thuẫn mang tính chất chung liên ngành, liên vùng, liên tỷnh.

“Cử tri đề nghị Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Ban điều phối để thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 120 và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo liên kết phát triển vùng nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, phát huy, khai thác tối đa vị thế của đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình phát triển kinh tế chung của cả nước” - đại biểu Lưu Thành Công nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) phát biểu tại Hội trường sáng 30/10. Ảnh: Quốc Khánh

Cũng đề cập đến việc triển khai Nghị quyết 120, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) đề xuất cần đánh giá sát hơn về nội dung này để các giải pháp đề ra phù hợp, nhằm đưa Nghị quyết 120 thật sự đi vào cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, vấn đề đang nổi lên ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đó là giải pháp trong khai thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước ngọt.

Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, tình hình bất thường về nguồn nước trong thời gian qua cùng với tác động của biến đổi khí hậu cho thấy có rủi ro tiềm ẩn đối với sự phát triển bền vững của vùng, điều này có thể tác động lớn đến sự phát triển và đảm bảo an ninh lương thực của vùng và quốc gia. Nếu trước đây, vấn đề làm đê bao chống lũ phục vụ sản xuất có vẻ phù hợp, giúp hạn chế tác động của lũ đến sản xuất, đời sống người dân thì nay có thể không còn hợp lý nữa, thậm chí gây tác động tiêu cực trong sản xuất, gây ngập ở các địa phương hạ nguồn như thành phố Cần Thơ, sạt lở cả 2 bờ dòng sông, lở cả đầu vàm cho đến trong ngọn các kênh rạch.

“Tôi đề nghị Chính phủ giao cho bộ, ngành chuyên môn xây dựng chương trình nghiên cứu sâu và đầy đủ để đánh giá toàn diện về thực trạng giải pháp quản lý khai thác cũng như các giải pháp thích ứng khả năng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện có nhiều tác động đến nguồn nước ngọt và biến đổi khí hậu” – đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, cần suy nghĩ nghiêm túc việc xây dựng Luật Đồng bằng để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và phát triển các đồng bằng, như đồng bằng sông Hồng và sông đồng bằng Cửu Long hoặc chí ít cũng cần có Ủy ban quốc gia về đồng bằng để thực hiện vai trò điều phối, quản lý tổng thể và khai thác tài nguyên các vùng đồng bằng cả nước…

“Việc này chúng ta có thể tìm hiểu thêm về Luật Đồng bằng và hoạt động cao ủy đồng bằng của Hà Lan, nơi mà các hoạt động quản lý đồng bằng đang có nhiều kinh nghiệm và hiệu quả cao…” - đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH kiến nghị Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO