ĐBQH Dương Minh Tuấn: Tinh giản biên chế không có nghĩa là tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải giảm

31/10/2017 00:00

(TN&MT) - Phát biểu thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, ĐBQH Dương Minh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: Tinh giản biên chế không có nghĩa là tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải giảm

Cơ bản tán thành Báo cáo của Chính phủ, báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết của Quốc hội đó là dưới sự quyết tâm của hệ thống chính trị, công tác kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, Đại biểu Dương Mình Tuấn cho rằng báo cáo cơ bản đáp ứng đảm bảo tương đối đầy đủ chức năng quản lý nhà nước, tạo sự chuyển biến trong tổ chức và hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Dương Minh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: Tinh giản biên chế không có nghĩa là tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải giảm. Ảnh: Quốc Khánh
Đại biểu Dương Minh Tuấn - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: Tinh giản biên chế không có nghĩa là tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải giảm. Ảnh: Quốc Khánh

Để thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa mới ban hành, ông Dương Minh Tuấn đề cập đến 4 đạo luật: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Giáo dục. Cụ thể:

Thứ nhất, vướng mắc, bất cập đối với Luật Giáo dục, theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành thì mỗi xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Thực tế một số trung tâm hoạt động khá tốt, tuy nhiên rất nhiều trung tâm hoạt động rời rạc, kém hiệu quả còn mang tính hình thức…

Ông Dương Minh Tuấn cho rằng, để hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng tốt hơn, thiết thực hơn, đề nghị quy định những nơi có điều kiện đi lại dễ dàng, địa bàn nhỏ, gọn có thể thành lập trung tâm học tập cộng đồng liên xã, phường, thị trấn và mục đích hoạt động của trung tâm vì cộng đồng, do vậy nên để cộng đồng dân cư tự quản theo quy chế nhà nước không can thiệp sâu.

Thứ hai, vướng mắc đối với Luật Ngân sách nhà nước, hiện nay ở nhiều địa phương rất nhiều người làm việc ở cấp xã xin nghỉ việc do thu nhập quá thấp không đủ trang trải cuộc sống, nhiều nơi muốn sử dụng nguồn kinh phí địa phương, trình HĐND hỗ trợ tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, phân tích theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 163 hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, ồn Dương Minh Tuấn cho biết: Những nội dung có tính chất tiền công, tiền lương thì địa phương trước khi thông qua phải xin ý kiến bộ, ngành trung ương. Khi xin ý kiến bộ, ngành sẽ trả lời là thực hiện theo quy định, mà theo quy định thì Hội đồng nhân dân không thể quyết cho hỗ trợ.

Thứ ba, vướng mắc, bất cập liên quan đến Luật Cán bộ, công chức. Trong thời gian qua một số cán bộ, công chức có vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ nhưng không thể xử lý kỷ luật về chính quyền, chỉ ban hành văn bản phê bình vì hết thời hiệu xử lý kỷ luật.

Đại biểu Dương Minh Tuấn dẫn theo khoản 1 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và khoản 1 Điều 35 Luật Viên chức năm 2010 "thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm". Đề nghị sửa thành "thời hiệu xử lý kỷ luật kể từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm".

Thứ tư, về những vướng mắc trong thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định "Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định của Chính phủ".

Tuy nhiên, Nghị định 41 quy định "căn cứ vào đề nghị của UBND tỉnh và ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, HĐND  tỉnh phê duyệt tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập".

Điều này theo Đại biểu Dương Minh Tuấn, đồng nghĩa trước khi HĐND thẩm định thông qua số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thì 63 tỉnh thành phải ra Hà Nội để đối chiếu chỉ tiêu với Bộ Nội vụ rồi quay về trình Hội đồng nhân dân thông qua. Điều này làm hoạt động của HĐND trở nên hình thức. Đề nghị khi đã phân cấp cho HĐND thì để cho HĐND thẩm định.

Đại biểu cho rằng, nếu thẩm định sai, ra nghị quyết không đúng thì bộ tuýt còi, còn tuýt còi không nghe thì báo cáo Chính phủ để ngừng thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Như vậy, hàng năm 63 tỉnh không phải mất công ra Hà Nội và bảo đảm quyền lực thiết thực của HĐND.

“Tinh giản biên chế không có nghĩa là tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải giảm. Đề nghị xem xét không giảm biên chế đối với một số ngành đặc thù như bác sĩ, giáo viên... Việc xác định vị trí việc làm đề nghị không tính theo kiểu bình quân mà tính toán trên cơ sở dân số đơn vị hành chính, diện tích, vùng kinh tế trọng điểm và các yếu tố đặc thù khác” - Đại biểu Dương Minh Tuấn nói.

Việt Hùng(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Dương Minh Tuấn: Tinh giản biên chế không có nghĩa là tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO