Về tính đặc thù của luật, Đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết: sau khi nghiên cứu dự án luật, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý, mặc dù đây là dự án luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề, nhiều điểm mới, nhưng đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, bài bản, kỹ thuật trình bày đúng theo quy định Nghị quyết 351 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Dương Minh Tuấn cho rằng, nội dung của dự thảo luật cũng được bổ sung, chỉnh lý cụ thể, rõ ràng để dễ nhận diện hơn về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với nhiều chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, đất đai, thủ tục hành chính. Do vậy, đã đáp ứng được tiêu chí vượt trội, đột phá của dự án với mục đích là thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng và uy tín.
Về chính quyền đặc khu và môi trường đầu tư, theo Đại biểu Dương Minh Tuấn, qua nghiên cứu các ngành nghề ưu tiên với nhiều chính sách ưu đãi mang tính vượt trội cho thấy chủ trương kêu gọi đầu tư rất rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm, tạo giá trị thương mại cao đối với từng đặc khu cụ thể.
“Thiết nghĩ, chính sách ưu đãi chưa phải là yếu tố mang tính quyết định mà môi trường đầu tư thông thoáng, thiết kế bộ máy hoạt động có chất lượng, hiệu quả, thủ tục hành chính nhanh gọn, đảm bảo tính cạnh tranh mới là quan trọng hơn” – Đại biểu Dương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Dương Minh Tuấn cũng đồng tình với phương án chính quyền đặc khu chỉ có một văn phòng giúp việc chung cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Đại biểu Dương Minh Tuấn cũng cho biết, qua tiếp xúc, nhiều nhà đầu tư mong muốn khi đã có đặc khu hành chính kinh tế rồi, với những ngành nghề ưu đãi cụ thể thì từ khi tìm hiểu dự án, làm thủ tục thực hiện dự án đến khi triển khai xây dựng dự án, nhà đầu tư không phải đi làm thủ tục ở nhiều nơi, nhiều cấp mà chỉ liên hệ một nơi, đó là chính quyền đặc khu.
Đối với nội dung về ngành nghề ưu tiên phát triển ở đặc khu. Khoản 4 Điều 16 quy định: "Các dự án đầu tư quy định tại Phụ lục 1, 2, 3 của luật này thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ cam kết nhưng không quá 5 năm kể từ khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư"... Đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị chỉnh sửa theo hướng quy định: "Các dự án phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ cam kết nhưng không quá 5 năm kể từ khi nhà đầu tư được bàn giao mặt bằng, trừ trường hợp việc chậm bàn giao mặt bằng do lỗi của nhà đầu tư".
Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nghiên cứu Điều 17 dự thảo luật và các Phụ lục về danh mục ngành nghề ưu tiên đầu tư và 131 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo đó các ngành nghề sản xuất con dấu, kinh doanh công cụ hỗ trợ và ngành nghề dịch vụ in khi đăng ký kinh doanh không phải có yêu cầu về điều kiện kinh doanh... theo ông Dương Minh Tuấn, dù với ưu đãi như thế nào những ngành nghề nêu trên cũng nên có điều kiện để nhà nước kiểm soát khi sản xuất kinh doanh. “Do vậy, xin đề nghị Quốc hội xem xét nếu được bổ sung các ngành nghề liên quan đến an ninh, an toàn nêu trên vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện” - Đại biểu Dương Minh Tuấn nói.
Đối với nội dung về hiệu lực thi hành, ông Dương Minh Tuấn phát biểu: Việc ban hành một chính sách, có thể sẽ thành công bước đầu, thành công lâu dài và có thể sẽ chưa thành công trong thời gian ngắn.
Đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết, qua nghiên cứu 85 điều khoản luật với nhiều phụ lục liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung, từ kinh nghiệm thành công của một số đặc khu kinh tế trên thế giới, hy vọng sự ra đời của 3 đặc khu hành chính - kinh tế nước ta sẽ là nơi làm những điều mà nơi khác chưa làm với mục đích là mang lại lợi ích cho đất nước.
“Mỗi đặc khu khai thác những lợi thế riêng, mang lại những thành công không nhỏ sau khi đi vào hoạt động với cơ chế chính sách đặc thù, môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, sự tác động của đặc khu sẽ mang lại sự cộng hưởng của nhiều nhà đầu tư uy tín sẽ là bệ đỡ tăng trưởng để dòng tiền đầu tư vào đặc khu ngày càng tăng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế đất nước” - Đại biểu Dương Minh Tuấn nói.