Đẩy nhanh tiến độ xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng

08/01/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 8/1, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã đi thị sát và kiểm tra dự án xử lý chất độc dioxin, các khu đất sau khi xử lý dioxin xong đã bàn giao cho sân bay Đà Nẵng.

Cùng đi có các đồng chí: Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TN&MT, Bộ Giao thông - Vận tải, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ tư lệnh Quân khu 5, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng…

Đại tướng Ngô Xuân lịch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Hồng Hà, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương kiểm tra thực tế Dự án Xử lý chất độc đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương kiểm tra thực tế Dự án Xử lý chất độc đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng.

Báo cáo về kết quả xử lý ô nhiễm đi-ô-xin giai đoạn 1 tại sân bay Đà Nẵng, Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Trưởng ban Quản lý Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng cho biết: Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng là Dự án Hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Quân chủng Phòng không - Không quân làm chủ Dự án.

Dự án bắt đầu khởi công vào ngày 17-6-2011. Đến nay, Dự án đã hoàn thành phần lớn khối lượng công việc, đặc biệt là xử lý nhiệt trong mố (IPTD). Giai đoạn 1 đã hoàn thành xử lý nhiệt 45.000 m3 đất nhiễm dioxin đạt mục tiêu của dự án dưới 150 ppt TEQ. Đất sau xử lý đã bàn giao cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam và áp dụng phương pháp trộn phụ gia cải thiện cơ tính sử dụng để hoàn thổ tại sân đỗ mở rộng và đường lăn E7; đào xúc tổng cộng 150.000 m3 đất và bùn nhiễm dioxin, 45.000 m3đã hoàn thành xử lý, 45.000 m3đang được xử lý và với kinh nhiệm rút ra từ Giai đoạn 1 chắc chắc sẽ xử lý thành công (Dự kiến tháng 7/2017); giải phóng được khoảng 19 ha đất, ao hồ, trong đó 5,97 ha đã được bàn giao cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam xây dựng công trình sân đỗ mở rộng và đường lăn E7 phục vụ hội nghị APEC năm 2017. Dự tính trong tháng 1 năm 2017, sẽ tiếp tục bàn giao diện tích đất để mở rộng sân bay, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Trần Hồng Hà nghe các đơn vị báo cáo kết quả Xử lý chất độc đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Trần Hồng Hà nghe các đơn vị báo cáo kết quả Xử lý chất độc đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, ngày 1/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 651/2012/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động Quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020". 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong việc triển khai mô hình quy mô lớn về xử lý dioxin. Bộ trưởng cho biết: Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng việc xử lý dioxin hiện nay thực sự cấp bách không chỉ là vấn đề môi trường mà còn mang tính nhân đạo, phát triển kinh tế, chính trị xã hội của đất nước.

“Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Đẵng” là mô hình rất lớn về xử lý dioxin, chất thải nguy hại, đòi hỏi phải có công nghệ, trình độ cao, có sự hỗ trợ rất lớn của các tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt Bộ Quốc phòng hết sức khẩn trương triển khai được nhiều công việc hiệu quả về xử lý môi trường ô nhiễm dioxin.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất một số vấn đề như:  Hiện nay công nghệ xử lý dioxin rất nhiều, nhưng xử lý quy mô lớn như ở Việt Nam thì đây là nơi diễn ra thử nghiệm có quy mô lớn và có tính chất nghiêm trọng. Chính vì vậy bên cạnh việc đưa công nghệ nước ngoài vào, khi triển khai mô hình  có quy mô lớn thì rất cần phải có các cơ quan độc lập để xem xét lại toàn bộ kết quả xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng để đánh giá dựa vào chỉ tiêu kỹ thuật, an toàn về môi trường, hiệu quả kinh tế; đồng thời xem xem thẩm định lại đánh giá, giám sát về môi trường.

“Mặc dù quy chuẩn kỹ thuật rất nghiêm, nhưng rõ ràng ngay cả lực lượng tham gia xử lý cũng cần phải theo dõi giám sát về môi trường xung quanh, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe các cán bộ chiến sĩ tham gia thực hiện. Do vậy đòi hỏi lực lượng có chuyên môn để đáp ứng yêu cầu, vì dioxin chúng ta không cảm giác ngay được, mà tích lũy lâu dài nên rất nguy hiểm” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà lo lắng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, Bộ TN&MT sẵn sàng hỗ trợ Bộ Quốc phòng trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường dioxin, bằng sử dụng nguồn kinh phí trong nước, nguồn lực cơ quan nghiên cứu chuyên môn trong nước và quốc tế để tiến hành nghiệm thu, đánh giá công nghệ này có thích hợp hay không.

“Vì chúng tôi được biết, không chỉ ở Đà Nẵng, hiện nay Bộ Quốc phòng cũng đang có kế hoạch xử lý ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Phù Cát (Bình Định) còn có khối lượng xử lý lớn hơn rất nhiều. Ở nước ta ngoài 03 địa điểm này, chúng ta còn nhiều khu vực khác cần phải xử lý ô nhiễm như gần đây mới phát hiện ra khu vực A So, A Lưới (Thừa Thiên - Huế); Sa Thầy, Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum)...” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nghe các đơn vị báo cáo về tiến độ xử lý chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nghe các đơn vị báo cáo về tiến độ xử lý chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định: Bộ TN&MT đánh giá cao mô hình công nghệ cho đến việc xây dựng lực lượng chính quy hiện đại đáp ứng được yêu cầu; quy trình về thẩm định độc lập, giám sát môi trường… cần phải có sự tổng kết đánh giá và kết quả cũng như về hiệu quả kinh tế. Đất nước ta nghèo rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, để giải quyết vấn đề hậu quả chất độc này bên cạnh sự hỗ trợ của quốc tế cần phải là nỗ lực của chính chúng ta. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết nắm bắt, làm chủ công nghệ.

Việt Nam cũng cần có cơ chế huy động, đánh giá, khoanh vùng, kiểm soát , cô lập các điểm ô nhiễm. Hiện nay thông tin về các vùng A So, A Lưới (Thừa Thiên – Huế); Biên Hòa (Đồng Nai)... cần phải sớm công bố công khai, đưa vào điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, khu dân cư. Đây là tài liệu đặc biệt quan trọng giúp chúng ta cô lập để vùng ô nhiễm này không lan rộng nữa; giúp cho địa phương chủ động đưa vào điều chỉnh quy hoạch, không bố trí dân cư vào khu vực này để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân quanh vùng. Đồng thời tăng cường kêu gọi đầu tư hợp tác của các tổ chức quốc tế…

“Với vai trò Ban chỉ đạo 33, Bộ TN&MT đã kiến nghị Chính phủ đây là nhiệm vụ ưu tiên cấp cách hiện nay. Sắp tới Bộ TN&MT cùng Bộ Quốc phòng ưu tiên kêu gọi các dự án ODA đầu tư về xử lý ô nhiễm môi trường dioxin. Tuy nhiên dioxin mãi là vấn đề quan trọng. Làm rõ nhiệm vụ này để đầu tư chính quy, y học, kinh tế. Bộ đã báo cáo Chính phủ để phân công Phó Thủ tướng làm Chủ nhiệm Ủy ban nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài ra còn phải quan tâm chế độ chính sách cho quân nhân, bệnh tật, nghiên cứu tác động của dioxin… ” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm.

Đại tưởng, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch kết luận buổi kiểm tra.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch kết luận buổi kiểm tra.

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng – Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt, vượt qua khó khăn của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Để đẩy nhanh tiến độ công tác khắc phục, xử lý triệt để chất độc hóa học/đi-ô-xin tồn lưu sau chiến tranh, Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chỉ thị, quyết định của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng liên quan đến công tác này;

Tổ chức thực hiện tốt giai đoạn 2 của Dự án Xử lý chất độc đi-ô-xin tại sân bay Đà Nẵng, làm tốt công tác lập và thực hiện dự án xử lý triệt để ở Sân bay Biên Hòa, Sân bay Phù Cát; tăng cường công tác tuyên truyền, hợp tác, vận động tài trợ quốc tế và nguồn lực trong nước để hỗ trợ về vốn và công nghệ; đẩy mạnh việc giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế cho quân nhân và nạn nhân chất độc da cam; nâng cao năng lực nghiên cứu, quan trắc môi trường, làm chủ công nghệ để trở thành lực lượng chủ chốt trong xử lý chất độc sau chiến tranh…

Đất bị nhiễm dioxin đang được xử lý
Đất bị nhiễm dioxin đang được xử lý

Đề cập những đóng góp quan trọng của Bộ Quốc phòng trong triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc dioxin ở Việt Nam trong thời gian qua, ông Nguyễn Thế Đồng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 của Chính phủ cho biết: Với chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo 33, qua theo dõi, phối hợp công tác với Bộ Quốc phòng, chúng tôi hết sức phấn khởi trước những kết quả đạt được của Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh thời gian qua.

Trong giai đoạn 2010-2015, kế thừa các số liệu điều tra khảo sát đã có trước đây, kết hợp nghiên cứu các thông tin liên quan được phía Mỹ giải mật, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với  Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số cơ sở nghiên cứu, một số tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tiến hành điều tra làm rõ hiện trạng ô nhiễm dioxin tại 1 số vùng bị phun rải, điểm tập kết chất độc hóa học trước đây, tập trung vào các khu vực ô nhiễm nặng như sân bay Đà Nẵng, Biên Hoà, Phù Cát và khu vực lân cận. Đến nay, đã xác định được phạm vi và khối lượng đất, trầm tích nhiễm dioxin trên ngưỡng cho phép theo QCVN45:2012/BTNMT tại sân bay Đà Nẵng là 148.000m3, sân bay Phù Cát là 7.500m3, sân bay Biên Hòa từ 450-500.000m3.

Các kết quả nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch tẩy độc ô nhiễm trong thời gian tới. Bên cạnh công tác điều tra khảo sát hiện trạng ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tiến hành nghiên cứu các công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin, tham gia nghiên cứu và điều trị bệnh /tật cho nạn nhân CĐHH; Phương pháp giải hấp nhiệt do các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng phối hợp với USAID thử nghiệm và ứng dụng thành công trong xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng được coi là phương pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Bài & ảnh: Việt Hùng - Lan Anh - Tiến Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO