Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nguồn nước

16/11/2016 00:00

(TN&MT) - Kiến thức khoa học và đổi mới công nghệ có thể giúp cho việc ra quyết định trong quản trị tài nguyên nước nhằm tăng cường công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước. Việc áp dụng dụng công nghệ trong quản trị nguồn nước ở Việt Nam đang được các nhà quản lý quan tâm triển khai trên thực tế.

Ô nhiễm nguồn nước:SOS!

Theo đánh giá của các chuyên gia về tài nguyên nước, Việt Nam đang đứng trước trước thực tế là quốc gia thiếu nước.

Nếu xét trong mùa khô và tính cả dung tích trữ của các hồ chứa trên lưu vực thì hiện có 6 trong số 16 lưu vực sông được xếp loại “căng thẳng trung bình” (trong vùng từ 20 đến 40%) và 4 lưu vực sông khác được xếp loại ở “mức căng thẳng cao”.

Theo báo cáo thực trạng nguồn nước Việt Nam, mỗi năm nước ta sử dụng khoảng 80,6 tỉ m3 nước trong đó gần 82% tổng lượng nước mặt trên toàn quốc được sử dụng cho tưới, 11% cho nuôi trồng thủy sản, 5% cho công nghiệp và 3% cho đô thị. Hiện nay, do khai thác nước không hợp lý, không theo quy hoạch nên nguồn nước đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng, lẫn chất lượng. Theo số liệu quan trắc mực nước dưới đất tại các trạm quan trắc quốc gia cho thấy xu thế mực trong các tầng chứa nước đang có xu hướng suy giảm liên tục ở khu vực trên cả nước như đồng bằng Bắc Bộ (tốc độ suy giảm trong tầng chứa nước qpở khu vực Thái Bình khoảng 0,26m/năm, khu vực Nam Định khoảng 0,61m/năm, khu vực Hải Dương khoảng 0,36m/năm, khu vực Hà Nội khoảng 0,35m/năm); đồng bằng Nam Bộ tốc độ suy giảm mực nước dưới đất trung bình trong tầng qp3 khoảng 0,18m/năm; tầng qp2-3 khoảng 0,3m/năm; tầng qp1 khoảng 0,27m/năm; tầng n22 khoảng 0,4m/năm; tầng n21 khoảng 0,37m/năm…

Chất lượng nước mặt ở phần thượng lưu tại hầu hết các sông nói chung vẫn tốt, trừ một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ. Tuy nhiên, ở vùng hạ lưu các sông lớn, nhất là khi dòng sông chảy qua các khu công nghiệp, đô thị lớn thì chất lượng nước đã bị suy giảm. Hiện nay, các hồ và kênh mương ở các khu vực đô thị đang trở thành các nơi chứa và dẫn nước thải. Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố lớn, các khu dân cư tập trung là rất nặng. Nước ở một số sông bị ô nhiễm với mức độ cao, kéo dài và có xu hướng ngày càng tăng đã làm ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nguồn nước sông để cấp nước sinh hoạt ở nhiều địa phương. Đối với nguồn nước dưới đất thì hiện tượng ô nhiễm, xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước do hoạt động khai thác nguồn nước qua mức, không đúng quy trình kỹ thuật nguồn nước,…

Công nghệ viễn thám: Phương pháp tối ưu quản lý nguồn nước hiệu quả

Trước thực tế trên, các nhà quản lý tài nguyên nước đã tính đến phương án phải áp dụng khoa học, công nghệ trong quản trị tài nguyên nước.

Ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên nước
Ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên nước

Cụ thể, trong quan trắc, giám sát tài nguyên nước: công nghệ quan trắc, giám sát tự động và truyền số liệu kỹ thuật số từ các trạm quan trắc về trung tâm quản lý dữ liệu; công nghệ viễn thám giám sát hoạt động khai thác sử dụng, giám sát xả nước thải vào nguồn nước, giám sát lũ lụt. Theo ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), với công nghệ này, việc quan trắc giám sát ở những vùng sâu, vùng xa, kể cả ở ngoài biên giới cũng dễ dàng thực hiện, và nhanh chóng có thông tin, số liệu, hình ảnh để phục vụ việc ra quyết định trong quản lý nguồn nước. Ứng dụng công nghệ phân tích ảnh viễn thám được sử dụng thông qua các tài liệu ảnh viễn thám chụp với độ phân giải cao, tỷ lệ lớn có thể cho phép phân tích giám sát biến đổi chất lượng nước, số lượng nước mặt và thậm chí cả nước dưới đất.

Bên cạnh đó, phương pháp ứng dụng công nghệ thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu cũng rất phát triển và đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam trong việc xác định cao toạ độ (sử dụng GPS đa hệ), xác định toạ độ bằng thiết bị GPS cầm tay phục vụ công tác điều tra tài nguyên nước.

Các nhà quản lý cũng đưa ra mô hình ứng dụng công nghệ sử dụng nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt) để tăng hiệu quả sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp: Một trong những giải pháp được đưa ra là áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước (học hỏi từ Israel) tại các vườn cây công nghiệp, ăn quả, hoa,… và nghiên cứu chế tạo thành công các loại vòi và bộ lọc nước phục vụ cho tưới tiết kiệm. Đây là công cụ giúp định lượng, quản lý tốt và kiểm soát được tổng lượng nước dùng. Điều này cho phép trong tương lai cải tiến được chính sách thủy lợi phí là điều quyết định cho việc tăng hiệu quả sử dụng nước. Khi khối lượng nước được sử dụng tối ưu thì các tác động xấu đến môi trường có liên quan sẽ được giảm thiểu.

Hiện nay, trên thế giới đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhằm quản trị tài nguyên nước hiệu quả. Trong đó, có giải pháp về kỹ thuật và giải pháp về quản lý. Thực chất, việc đưa ra quyết định, phương hướng, chiến lược trong quản trị tài nguyên nước đều phải được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập được.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ về bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước; các giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất; các giải pháp sử dụng kết hợp nước mặt và nước dưới đất; các giải pháp ứng dụng công nghệ sạch trong xử lý nước thải, nước bị ô nhiễm; xây dựng và hoàn thiện mô hình quản lý tổng hợp lưu vực sông.

Vẫn theo ông Nguyễn Minh Khuyến, cần tăng cường ứng dụng các thiết bị quan trắc, giám sát số lượng và chất lượng nước như quan trắc các yếu tố thủy văn và khí tượng (mực nước, lưu lượng, mưa, bốc hơi, nhiệt độ…) trên các sông. Các dữ liệu này cần được quan trắc liên tục và số liệu được truyền về trạm trung tâm để xử lý, phân tích. Giám sát chất lượng nước có thể dựa trên việc thu, lấy mẫu tự động, phân tích và cho kết quả và tăng cường ứng dụng thu thập dữ liệu qua vệ tinh hiện bởi có độ chính xác cao. Tuy nhiên giải pháp này với chi phí cao, ngân sách hạn chế nên cần phải cân nhắc, xem xét.

“Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, công nghệ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy chuẩn để tái sử dụng; công nghệ xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt; công nghệ thu gom nước mua, bổ sung nhân tạo nước dưới đất, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra” – ông Nguyễn Minh Khuyến đề xuất.

Minh Trang

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO