Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại Hội nghị |
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương: Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do kể ca song phương và nhiều bên, trong đó có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như hiệp định CTTP. Trong năm 2020, Việt Nam đã cùng 4 nước khác ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, gọi tắt là RCEP; ngay sau đó là hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Bắc Ailen, Vương quốc Anh.
Nhờ tham gia hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng mạnh qua từng năm. Theo đó, năm 2001, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt hơn 30 tỷ USD thì năm 2007 (khi Việt Nam gia nhập WTO) đã là 100 tỷ USD; năm 2011 đạt 200 tỷ USD; năm 2019 đạt 517 tỷ USD; năm 2021 dự kiến đạt 600 tỷ. Về xuất khẩu của nước ta đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên 280 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến năm 2021 đạt 300 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, khi tham gia các hiệp định tự do, hàng hóa nhập khẩu cũng vào nước ta nhiều hơn và cạnh tranh khá quyết liệt với hàng hóa trong nước. Vì những lợi ích cơ bản của hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam chấp nhận và sẵn sàng cạnh tranh sòng phòng, bình đẳng. Và phòng vệ thương mại chính là một trong những công cụ giúp ta thực hiện điều đó.
Theo đó, phòng vệ thương mại là một trong những công cụ nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuát trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế quan. Phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp: Tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Ông Phan Xuân Thùy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo đó, nếu như giai đoạn 2005-2010, mới có 25 vụ việc thì trong giai đoạn 2011-2015 là 52; giai đoạn trước 2016 đến tháng 9/2021 là 109.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện các chính sách pháp luật về phòng vệ thương mại. Trong đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyền truyền nâng cao nhận thức về lĩnh vực này cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường.
“Thời gian tới, để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về biện pháp phòng vệ thương mại thì vai trò của cơ quan báo chí là rất quan trọng. Báo chí là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, là kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách pháp luật nói chung và lĩnh vực phòng vệ thương mại nói riêng” - Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến phòng vệ thương mại nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về phòng vệ thương mại, qua đó bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như hiện nay.