Đẩy mạnh truyền thông về BĐKH để giảm nhẹ và thích ứng

23/07/2016 00:00

(TN&MT) – Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới chưa triển khai chiến lược truyền thông hoặc chưa nhận ra, làm rõ vai trò của truyền thông xã hội trong việc truyền thông về BĐKH. Theo GS. Matthew Hibberb – Chuyên gia hàng đầu thế giới về truyền thông và BĐKH (Đại học Stirling,Vương quốc Anh), cần nâng cao công tác truyền thông xã hội về BĐKH để giảm nhẹ tác động và thích ứng với BĐKH.

Khó khăn và thách thức

Việt Nam là một trong trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH trên thế giới. Những thỏa thuận, hiệp định toàn cầu như Hiệp định Paris năm 2015 hay Nghị định thư Kyoto rất quan trọng. Tuy nhiên, quan trọng không kém là cần nâng cao hơn nữa công tác giáo dục truyền thông, nhận thức cho công dân toàn cầu để họ thay đổi lối sống và thúc đẩy những thói quen sống bền vững hơn. 

Theo PGS.TS Đinh Văn Hường – Đại học Quốc gia Hà Nội, nghiên cứu bước đầu cho thấy truyền thông Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc truyền thông về BĐKH. Vấn đề lớn nhất chính là nhận thức của người dân đối với BĐKH chưa đầy đủ, đúng đắn về tầm ảnh hưởng của nó; những nỗ lực của các ban ngành, địa phương cũng chưa đúng tầm so với sức tác động của BĐKH.

GS. Matthew Hibberb – Chuyên gia hàng đầu thế giới về truyền thông và BĐKH (Đại học Stirling,Vương quốc Anh)
GS. Matthew Hibberb – Chuyên gia hàng đầu thế giới về truyền thông và BĐKH (Đại học Stirling,Vương quốc Anh)

Bên cạnh đó, các thông tin về BĐKH trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay vẫn là thông tin một chiều. Chẳng hạn, truyền thông đưa rất nhiều thông tin về thách thức mà BĐKH gây ra nhưng không hề có một chút thông tin về thời cơ mà BĐKH mang lại. Điều này gây mất cân đối thông tin ảnh hưởng đến dư luận và tạo tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân.

Mặt khác, thông tin trên truyền thông hầu như là mô tả sự vật sự kiện  như xâm nhập mặn, hạn hán, BĐKH bất thường…mà chưa đưa ra giải pháp cụ thể để hướng dẫn người dân thích ứng và ứng phó với bối cảnh đó. Truyền thông chưa đưa nhiều giải pháp về thích ứng BĐKH mặc dù các nhà khoa học đã đưa ra nhiều sự nghiên cứu hiệu quả. Trong khi đó, chất lượng tác phẩm cũng chưa hấp dẫn, sinh động, đa chiều nên thiếu sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Tập trung vào giới trẻ

Rõ ràng, BĐKH ngày càng trở thành vấn đề trọng tâm trong các nghiên cứu, có rất nhiều vấn đề liên quan mà các chính phủ phải hợp tác lẫn nhau để thúc đẩy công tác truyền thông BĐKH. GS.Matthew Hibberb cho biết, ông cùng các cộng sự đã và đang tiến hành một nghiên cứu trong thời gian 3 năm ở Ấn Độ, Hoa Kỳ và Việt Nam với chủ đề “Truyền thông về BĐKH: Giảm nhẹ và thích ứng”; trong đó tập trung vào giới thanh niên.

Nghiên cứu tập trung vào vai trò của thanh niên trong việc ứng phó với bđkh; những chiến dịch của người trẻ chống BĐKH. GS.Matthew Hibberb lý giải lý do lựa chọn thanh niên bởi có rất ít nghiên cứu vào thanh niên về thích ứng với BĐKH. Thông qua nghiên cứu này, ông muốn làm cuộc thử nghiệm xem ở lứa tuổi đó, giới trẻ có thể thay đổi thói quen để thích ứng với BĐKH hay không?

GS.Matthew Hibberb cho rằng, giảm nhẹ BĐKH nhằm chỉ những nỗ lực nhằm cắt giảm, ngăn ngừa khí thải nhà kính; ngoài ra có thể chỉ việc sử dụng những công nghệ mới, năng lượng tái tạo được, những thay đổi trong thói quen quản lý và hành vi tiêu dùng của con người, nhất là việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.  Họ đã tìm được những đối tác nghiên cứu ở ở Anh, Ấn Độ, Việt Nam…

“Quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội”
“Quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội”

Đã có nhiều chiến dịch được tổ chức như Chiến dịch giờ trái đất, tổ chức Hòa bình xanh, phòng công thương của thanh niên Ấn độ… đều rất quan tâm tới giới thanh niên, đặc biệt là những thanh niên có động lực, tâm huyết và hiểu biết về BĐKH. Tuy nhiên, những chiến dịch này đang thiếu các chiến dịch nối tiếp; chưa có đủ những nghiên cứu, đánh giá sau khi tiến hành chiến dịch; đang có những nhận định hơi sai và thiên lệch về ngôn luận; số người tham gia vào các chiến dịch, sáng kiến nói trên chưa đủ và cần tăng cường số lượng đó.

Theo GS.Matthew Hibberb, bên cạnh những tín hiệu tích cực và đáng hy vọng trong giới thanh niên, quá trình nghiên cứu nhận thấy sự mất hy vọng, lưỡng lự trong một thành phần giới trẻ.  Điển hình ở Ấn Độ, thanh niên phải chịu một vấn đề đó là nghèo đói; có một số người đã nói “Tôi được gì từ việc chống lại BĐKH, Nó có thay đổi tình hình tài chính của tôi không?”. Vì  vậy, cần phải khuyến khích sự phân phối tài nguyên một cách bình đẳng trên thế giới để khuyến khích những người trẻ trên toàn cầu cùng tham gia vào công cuộc chống BĐKH.

Ngoài ra, trong bối cảnh BĐKH hiện nay ngoài việc giảm nhẹ các nước cần thích ứng với BĐKH. Công cuộc ứng phó liên quan đến việc bảo vệ cộng đồng và tăng cường sự chống chịu của nền kinh tế, nó cũng liên quan đến việc ứng phó với những sự kiện thời tiết cực đoan như bão, lũ… Nghiên cứu đã tập trung vào nhiều ví dụ mà ở đó chính phủ và các chính quyền địa phương rất quan tâm tới truyền thông hay truyền tải thông tin đến các công dân về những sự kiện thời tiết cực đoan, đặc biệt nhấn mạnh vào tầm quan trọng của truyền thông xã hội trong việc truyền thông về BĐKH thông qua việc gây quỹ, giảm nhẹ các tác động…

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh truyền thông về BĐKH để giảm nhẹ và thích ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO