Đẩy mạnh thực hiện giám sát và phản biện xã hội

04/08/2017 00:00

(TN&MT) - Hội nghị "Bàn giải pháp tiếp tục thực có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát...

 

(TN&MT) - Hội nghị “Bàn giải pháp tiếp tục thực có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, được Ban Dân vận Trung ương tổ chức chiều 3/8/2017, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Phu Êban đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ 12 tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị

Tại Hội nghị đã có các tham luận của UBTƯMTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên được trình bày. Các tham luận đã nêu lên những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Quyết định 217, 218 ở các địa phương, đó là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cấp cơ sở chưa thật sự sâu sắc; lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội còn lúng túng; kiểm tra giám sát chủ yếu là theo chương trình, kế hoạch, chưa có giám sát đột xuất, chưa phát huy được các hoạt động phản biện xã hội; đặc biệt là chưa giám sát được người đứng đầu, cán bộ chủ chốt…

Các đại biểu đề xuất: Để công tác giám sát, phản biện đạt hiệu quả trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội các địa phương cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Đẩy mạnh thực hiện đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đồng thời thực hiện kiểm tra hậu giám sát đối các vấn đề đã được nêu ra.

Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã thông qua tham luận “Đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên”. Từ năm 2014 đến nay, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng, ký kết 10 Chương trình phối hợp về giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam sẽ ký kết 2 Chương trình phối hợp giám sát về Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng (khóa XI) về đổi mới giáo dục và đào tạo; Chương trình phối hợp giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc thực hiện các chương trình giám sát giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, hỗ trợ tích cực và có hiệu quả của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần thiết thực vào việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Về vấn đề giám sát cán bộ, đảng viên Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam tổ chức nhiều đợt khảo sát, kiểm tra, giám sát tại các địa phương để nắm tình hình và kịp thời chỉ đạo phù hợp thực tế địa phương, thường xuyên có văn bản đôn đốc, định hướng, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện. Nhất là khi Chính phủ và UBTƯMTTQ Việt Nam ký kết Nghị quyết số 05/2006/NQLT-CP-UBTƯMTTQVN ban hành Quy chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”. UBTƯMTTQ Việt Nam đã ban hành Thông tri số 18/TTr-MTTW ngày 28/4/2006 hướng dẫn thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố. Sau 5 năm triển khai thực hiện, 5 tỉnh, thành phố đã nhận được 3.123 đơn, thư và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân. Phần lớn đơn, thư phản ánh, tố cáo những vi phạm về quản lý đất đai, liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng; trong quản lý xây dựng, môi trường; chính sách xã hội, vi phạm quy chế dân chủ, biểu hiện tham nhũng, số còn lại đề cập đến tư cách, phẩm chất đạo đức, thái độ đảng viên, cán bộ, công chức chính quyền cơ sở trong việc tiếp xúc giải quyết công việc của dân, vi phạm trách nhiệm công vụ và cải cách hành chính. 

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, nếu các địa phương thực hiện tốt, đầy đủ nội dung 2 quyết định 217 và 218 sẽ góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, tạo dựng lòng tin của nhân dân. Trong đó, việc giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần chú ý lựa chọn vấn đề cũng như cách thức giám sát sao cho đạt hiệu quả. Có những vấn đề phải làm từ Trung ương đến địa phương thì mới thành công như việc giám sát an toàn thực phẩm. Các địa phương phải cân nhắc việc đưa ra các kiến nghị, phải chọn lọc kiến nghị và có hình thức giám sát cụ thể đạt hiệu quả. Mặt trận các cấp phải chủ động phối hợp cụ thể với các tổ chức chính trị -xã hội trong việc triển khai thực hiện.

Đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia thảo luận tại hội nghị.
Đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia thảo luận tại hội nghị.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có hiệu quả Quyết định số 217 và Quyết định số 218. Tăng cường thực hiện giám sát cá nhân về việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Trong quá trình thực hiện, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để nắm bắt và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng trong nhân dân để kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân.

Đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị, UBTƯMTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức các hoạt động cụ thể. 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các tỉnh, thành phố đã tổ chức 784 cuộc phản biện xã hội, tổ chức hơn 90.000 cuộc đối thoại, đã được người đứng đầu tiếp thu giải trình… góp phần phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân./.

Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh thực hiện giám sát và phản biện xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO