Đẩy mạnh phối hợp liên ngành để phòng, chống hiệu quả tác hại của thuốc lá

Mai Đan| 19/09/2022 14:20

(TN&MT) - Thanh tra kiểm soát là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nếu không chung tay với sức khỏe cộng đồng và không tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, ngành Y tế và xã hội vẫn phải đối mặt với những gánh nặng về sức khỏe do thuốc lá gây ra.

130381_ba09a2f21d99f9c7a088-1-(1).jpg
Biển báo "Cấm hút thuốc lá"

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Quỹ Phòng chống Tác hại thuốc lá - Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh và đại diện một số Bộ, ngành khác đã chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, cũng như đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát thực hiện Luật PCTH thuốc lá.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH thuốc lá - Bộ Y tế cho biết, công tác thanh tra kiểm soát thuốc lá là nhiệm vụ quan trọng đối với PCTH thuốc lá. Trong giai đoạn 2019-2021, Bộ Y tế đã phối hợp với các tổ chức có liên quan kiểm tra gần 2.000 đơn vị, xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm hút thuốc. Tổng số tiền xử phạt giai đoạn này là 564,9 triệu đồng.

Tuy vậy, công tác xử phạt hiện nay gặp một số khó khăn do sự phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, thanh tra còn rất hạn chế, chủ yếu do ngành y tế đề xuất và thực hiện. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện và được bày bán khắp nơi với giá rẻ; hành vi hút thuốc lá xảy ra nhanh khiến các lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định vi phạm.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng, cùng lúc phải phụ trách nhiều lĩnh vực. Thanh tra các cấp chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến việc thanh tra kiểm tra công tác PCTH thuốc lá. Các cá nhân, tổ chức được kiểm tra không phối hợp và khó cưỡng chế xử phạt kể cả khi có biên bản vi phạm hành chính….

Theo đại diện Cục Y tế, Bộ Công an, mọi hoạt động trong công tác PCTH thuốc lá có thành công hay không cần có sự ủng hộ rất lớn từ các cơ quan, đơn vị. Hoạt động kiểm tra, xử phạt tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn công an các tỉnh/thành phố chỉ thành công khi có sự tham gia quyết liệt của cảnh sát phụ trách mảng quản lý hành chính về trật tự xã hội các cấp.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị hoàn thiện hơn nữa chính sách phòng chống tác hại thuốc lá. Trong đó, cần phân biệt, quy định rõ ràng về quảng cáo và tiếp thị, khuyến mại, tài trợ cũng như quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại…

Nhiều đại biểu khác cũng đề xuất tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện Luật PCTH thuốc lá; tăng cường hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm theo Nghị định 117/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ việc thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật PCTH thuốc lá; lồng ghép sử dụng ứng dụng phần mềm trong các hoạt động khác của các cơ quan, đơn vị…..

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá, đặc biệt là môi trường không khói thuốc lá, hiện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Quỹ PCTH thuốc lá đã xây dựng phần mềm tiếp nhận phản ánh của người dân về thực thi môi trường không khói thuốc lá, thí điểm tại 2 quận tại thành phố Hà Nội là quận Hoàn Kiếm và quận Tây Hồ. Kết quả, từ tháng 7-8/2022, đã có trên 4.700 người đã tải App VN0khoithuoc trên điện thoại di động; có 38 tin phản ánh hợp lệ đã được tiếp nhận và 49 tin bầu chọn địa điểm không khói thuốc lá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phối hợp liên ngành để phòng, chống hiệu quả tác hại của thuốc lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO