Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Mai Đan| 05/07/2021 21:48

(TN&MT) - Chiều 5/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Chương trình Aus4Innovation Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam FISU và báo Vnexpress tổ chức Tọa đàm trực tuyến, bàn giải pháp để Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, AI là một vấn đề có thể thay đổi sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam

Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh AI có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, từ khâu số hóa dữ liệu, quy trình nghiệp vụ đến chuyển đổi mô hình hoạt động tại Việt Nam.

Đầu năm 2021, Thủ tướng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược đưa ra nhằm "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Chiến lược được ban hành với hy vọng tạo ra cú huých cho sự phát triển AI của Việt nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ các hoạt động quảng bá cho Chiến lược này, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì triển khai chuỗi Tọa đàm về AI gồm 5 chuyên đề. Hạ tầng dữ liệu và tính toán là chuyên đề đầu tiên. Các tọa đàm tiếp theo là: Đào tạo nhân lực AI; Nghiên cứu phát triển; Ứng dụng AI; và Xây dựng cộng đồng AI.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: AI đang được quan tâm trên toàn thế giới, là một vấn đề có thể thay đổi sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả quốc gia, trong đó, có Việt Nam. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo đến năm 2030, để ứng dụng và phát triển công nghệ này tại Việt Nam.

Để thực hiện chiến lược này, những vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, cơ sở dữ liệu cần xây dựng đồng bộ với hạ tầng tính toán, các máy tính có khả năng tính toán lớn cũng như đào tạo các kỹ thuật viên, để có thể xử lý các bài toán dữ liệu lớn. Đồng thời, triển khai từng bước cụ thể, từ làm rõ các khái niệm đến cách thức tính toán lớn của Việt Nam, cũng như chia sẻ những hạ tầng tính toán một cách hợp lý, hiệu quả nhất.

Các diễn giả, các nhà quản lý, chuyên gia tham gia thảo luận tại tọa đàm trực tuyến

Tại Tọa đàm, PGS.TS Thoại Nam, Trưởng PTN Tính toán Hiệu năng cao, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM báo cáo về những hướng đi quan trọng, vấn đề cần giải quyết, từ đó để xuất giải pháp về hạ tầng và cơ sở tính toán cho Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp nghiên cứu, TS. Võ Sỹ Nam, Trưởng phòng Tin Y sinh Ứng dụng, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData sẽ nêu về vai trò của hạ tầng đối với Việt Nam hiện tại và tương lai. Từ kinh nghiệm của quá trình xây dựng phát triển và các bài học quan trọng khi xây dựng hệ thống quản lý và chia sẻ dữ liệu gene và y sinh học VinGen Data Portal, ông Nam đưa ra một đề xuất về tầm nhìn cho các hệ thống quản lý và chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia.

TS. Võ Sỹ Nam đang cùng cộng sự nghiên cứu và phát triển các hệ thống phân tích và chú giải dữ liệu y sinh học quy mô lớn cũng như các mô hình dự đoán nguy cơ bệnh và tác dụng phụ của thuốc nhằm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh. Một trong số các dự án ông cùng đội ngũ đang thực hiện có hệ thống quản lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu y sinh học VinGen Data Portal đã được công bố từ tháng 12/2020. Hệ thống hiện đang lưu trữ hơn 1.200 terabyte dữ liệu của gần 5.000 mẫu sinh học từ dự án giải mã 1.000 hệ gene người Việt và các dự án giải mã gene khác tại VinBigdata.

Đến từ doanh nghiệp ứng dụng, TS. Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tích hợp thông minh nói về thực trạng, nhu cầu về tính toán hiệu năng cao cho công nghiệp nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng. Ông Cường cũng nêu đề xuất về chiến lược tăng cường năng lực quốc gia về tính toán hiệu năng cao.

Ngoài phần báo cáo của diễn giả, các nhà quản lý, chuyên gia trong phiên thảo luận bàn tròn cùng trả lời những vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam khi đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng AI.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Thí nghiệm Mục tiêu AI, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia KC 4.0, hạ tầng dữ liệu và tính toán được xem như 2 trong 3 trụ cột quan trọng để Việt Nam có thể nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI. Theo đó, việc hiểu rõ về tầm quan trọng của việc thu thập, làm sạch dữ liệu cũng như cơ chế chia sẻ dữ liệu, hạ tầng tính toán sẽ giúp các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ tận dụng, phát huy được năng lực của mỗi bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO