Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Thảo Nguyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì cung cấp thông tin cho báo chí nhằm giúp các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng và lan tỏa đến cộng đồng, đến mọi tầng lớp trong xã hội để có được sự đồng thuận của toàn xã hội về chủ trương hội nhập quốc tế.
Mục tiêu chính của hội nghị là tạo diễn đàn để PV báo chí có cơ hội gặp gỡ các cơ quan Bộ, ngành chuyên gia trong nước và quốc tế, qua đó có những bài viết, thông tin mang tính hiệu quả và thuyết phục hơn đối với xã hội và công chúng.
Ông Ngô Toàn Thắng - Phó Vụ Trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao cho biết: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2017 có nhiều hoạt động song phương và đa phương, trong đó APEC tạo tiền đề lớn trong công tác đối ngoại và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Việt Nam cũng tham gia tích cực và chủ động những diễn đàn đa phương lớn. Riêng về hoạt động song phương, năm 2017 là một năm hết sức quan trọng trong quan hệ Lào - Việt Nam, đó là 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác; năm 2017 cũng đánh dấu 50 năm Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao; và năm 2017 đã nâng đối tác quan hệ Việt Nam - Myanmar thành đối tác quan hệ toàn diện.
“Tình hình thế giới trong thời gian qua cả về mặt chính trị, kinh tế, xã hội… đều có những nét lắng dịu hơn nhưng cũng có nhiều điểm nổi trội hơn” - ông Ngô Toàn Thắng đánh giá chung.
Theo ông Ngô Toàn Thắng, trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục chủ trương đa dạng hóa công nghệ và đã tận dụng các cơ hội để nâng cao, thúc đẩy đưa các quan hệ song phương đi vào chiều sâu, tận dụng các diễn đàn đa phương để nâng cao vị thế của Việt Nam.
“Hiện nay báo điện tử và mạng xã hội ở Việt Nam rất phong phú và tiếp cận đến đông đảo người đọc. PV là những người trực tiếp đưa tin nhưng cũng là những người chủ động phản bác lại nếu có những thông tin sai trái. Gần đây các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cũng tiếp cận với báo chí để đưa tin, điều đó đòi hỏi báo chí cách mạng khi đưa tin phải tìm hiểu được vấn đề cơ bản để tránh hiểu sai và đưa tin không đúng với vấn đề. Việc kiểm chứng thông tin rất quan trọng, đặc biệt là vấn đề nhạy cảm” – ông Ngô Toàn Thắng nhấn mạnh.
Bà Lâm Thị Quỳnh Anh – Trưởng phòng Hội nhập kinh tế quốc tế trong nước, Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế, Bộ Công thương thông tin: Chủ trương hội nhập của Việt Nam hiện nay là hội nhập toàn diện, với 3 trụ cột gồm: Hội nhập quốc tế về kinh tế; hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo. Trong đó, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội hập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.
Theo bà Lâm Thị Quỳnh Anh, hội nhập là sự nghiệp toàn dân; hội nhập gắn kết chặt chẽ với việc tăng cường mức độ liên kết giữa các vùng miền, khu vực trong nước; tạo cơ chế chính sách để các địa phương phát huy các thế mạnh tương đối của mình trong tương quan đối với các địa phương khác; hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động tích cực tham gia hội nhập quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương; thúc đẩy hội nhập xuyên biên giới giữa các vùng miền có biên giới với các nước láng giềng. Tất cả những điều này cũng là chủ trương hội nhập của Việt Nam hiện nay.
Thuyết trình về kế hoạch Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) (dự kiến tháng 1/2019 tại Quảng Ninh), ông Trần Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch cho biết: ATF là sự kiện thường niên quan trọng nhất của hợp tác ASEAN về Du lịch. Theo thông lệ, trong khuôn khổ ATF sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Du lịch, Hội chợ Du lịch TRAVEX cùng nhiều sự kiện bên lề khác. Đây là các hoạt động quan trọng nhằm trao đổi thông tin, phương hướng hợp tác, tăng cường hiệu quả hợp tác du lịch trong khu vực đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành du lịch ASEAN, hướng tới mục tiêu phát triển ASEAN thành một điểm đến chung, hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy trao đổi khách nội khối.
Theo ông Trần Phú Cường, lễ khai mạc ATF sẽ diễn ra vào ngày 16/1/2019 và lễ bế mạc diễn ra vào ngày 18/1/2019. Đây là 2 hoạt động chính trong khuôn khổ ATF 2019.