Toàn cảnh Khu LHXLCT Nam Sơn |
Mở rộng ô chôn lấp bằng công nghệ tường vây
Tại Quyết định 4815/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND thành phố công bố tình huống khẩn cấp xây dựng trong công tác vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và ban hành Lệnh khẩn cấp xây dựng Danh mục công trình phục vụ nâng công suất tiếp nhận rác tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn).
Mục đích xây dựng công trình nhằm tăng khả năng lưu chứa nước rác, khả năng chôn lấp rác để đảm bảo an ninh môi trường, an toàn, phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh Khu xử lý và an toàn vận hành tiếp nhận, xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Chi phí đầu tư dự kiến của ô chôn lấp rác bằng công nghệ tường vây bê tông cốt thép tại phía tây ô 8; tổng diện tích khoảng 3ha, bao gồm: làm tường vây bê tông cốt thép cao 3m; thi công ô chôn lấp; chống nước rỉ rác ngầm bằng đất dầm chặt và lớp vải HDPE dày 1,5mm, hệ thống thu gom nước ngầm, thu nước rỉ rác, nước mưa… Xây dựng ô chứa nước rác tại trục A-B, diện tích khoảng 1,2ha bao gồm lót vải địa HDPE dày 1,5mm đáy ô; đắp chặn hai đầu trục A-B; lắp đặt tấm đan rãnh thoát nước dọc theo trục A-B; phủ vải HDPE dày 1,0 phủ mặt ô ngăn nước mưa và phát tán mùi. Dự kiến tổng chi phí đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự kiến quý II/2022.
Hiện các vị trí đổ rác tại các ô chôn lấp của Nam Sơn đã gần hết công suất tiếp nhận. Khối lượng nước rỉ rác và mực nước rác tại các hồ chứa đều ở mức cao, gây nguy cơ tràn bờ, mất an ninh, an toàn, dịch bệnh cho khu vực dân sinh xung quanh. Trong 2 ngày đầu tháng 11/2021, Nam Sơn đã phải tạm dừng tiếp nhận rác do các hồ hết khả năng lưu chứa nước rỉ rác, dẫn đến rác thải sinh hoạt của thành phố bị ùn ứ, gây mất an ninh môi trường.
Xây dựng công trình hồ chứa sinh học
Tại Quyết định 4814/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND thành phố quyết định công bố tình huống khẩn cấp xây dựng trong công tác vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và ban hành Lệnh khẩn cấp xây dựng công trình hồ chứa sinh học khẩn cấp phục vụ công tác vận hành tại khu đất xen kẹt 10,5ha khu phía Bắc giai đoạn II bãi rác Nam Sơn nhằm tăng khả năng lưu chứa, xử lý nước rác, đảm bảo an ninh môi trường, an toàn, phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh Khu xử lý và an toàn vận hành tiếp nhận, xử lý rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Hồ chứa sinh học rộng trên 7ha, gồm 2 hồ chứa nước rỉ rác có tổng dung tích khoảng 441.000m3 (Trong đó, hồ số 1 diện tích 3,12ha, dung tích khoảng 211.000m3; hồ số 2 diện tích 3,2ha, dung tích 230.000m3); đắp đất bờ bao K95 bằng đất tận dụng, trải vải chống thấm HDPE dày; phủ vải HDPE mặt hồ ngăn mùi và tách nước mưa. Cùng với đó là đầu tư hạ tầng kỹ thuật như xây tường rào quanh khu xen kẹt, mương nắn suối, mương thoát nước B600 quanh hồ; Thoát nước mặt hồ; xây đường nội bộ; đầu tư hệ chống chiếu sáng; trồng cây xanh... Chi phí xây dựng hồ sinh học gần 80 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành quý II/2022.
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải. Tuy nhiên, đến nay, theo Sở Xây dựng Hà Nội, chỉ có 3 khu xử lý chất thải sinh hoạt đang hoạt động là Khu xử lý chất thải Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải Xuân Sơn ở thị xã Sơn Tây; Khu xử lý chất thải Cầu Diễn ở quận Nam Từ Liêm.
Nhiều ô chôn lấp ở bãi rác Nam Sơn đã quá tải |
Được biết, bãi rác Nam Sơn được xây dựng từ năm 1999, rộng 157 ha. Sau hơn 20 năm hoạt động và nhiều lần mở rộng, các ô chôn lấp đã quá tải, đơn vị vận hành đã áp dụng nhiều giải pháp khắc phục, tuy nhiên đó chỉ là tình thế tạm thời. Những năm gần đây, bãi rác Nam Sơn nhiều lần phải tạm ngừng hoặc hạn chế tiếp nhận rác. Gần đây nhất, ngày 1/11, bãi Nam Sơn phải ngừng tiếp nhận do mưa lớn, hồ xử lý nước bị rò rỉ bờ bao, nguy cơ vỡ, tràn nước rác ra môi trường. Trước đó, hồi đầu tháng 10, bãi Xuân Sơn cũng phải tạm dừng tiếp nhận rác trong một thời gian để xử lý sự cố về trạm xử lý nước thải.
Một điểm tràn bờ bao nước rỉ rác |
Trung bình lượng rác sinh hoạt của người dân trên địa bàn Hà Nội là hơn 6.500 tấn/ngày, trong đó: Hơn 1.000 tấn do bãi rác Xuân Sơn xử lý bằng cách đốt kết hợp chôn lấp, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận xử lý khoảng hơn 5.000 tấn, còn lại đốt ở một số lò nhỏ. Tại Nam Sơn, mỗi ngày còn phát sinh khoảng 2.200 đến 2.900m3 lượng nước rỉ rác từ khối lượng rác được chôn lấp.
Trước thực trạng quá tải nêu trên, đồng thời, trước nguy cơ thời gian cho việc tiếp nhận rác trong khả năng cho phép không còn dài, khả năng tiếp nhận rác thải đã cạn, theo UNBND TP. Hà Nội, việc xây dựng các hạng mục nhằm giải bài toán rác thải trên địa bàn thành phố, tăng khả năng lưu chứa nước rác, chôn lấp rác đảm bảo an ninh môi trường, an toàn phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh; an toàn vận hành tiếp nhận và xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn.
Việc Hà Nội nâng công suất bãi rác Nam Sơn trong bối cảnh cả hai bãi rác đều gặp sự cố trong thời gian gần đây là yêu cầu thiết yếu và cấp bách đáp ứng thực tế xả thải trên địa bàn Hà Nội, hạn chế tình trạng ùn ứ rác do quá tải tại các bãi tiếp nhận, đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường trên địa bàn thành phố.
Quyết định của UBND TP. Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của cán bộ, công nhân, người lao động đơn vị quản lý, xử lý rác; cũng là mong mỏi của người dân thành phố. Tuy nhiên, về lâu dài, để giảm bớt áp lực về diện tích chôn lấp và tăng thu từ rác, biến rác thành tài nguyên; đồng thời, để công tác quản lý và xử lý rác thải vươn tới tầm công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới, hướng tới phát triển bền vững, thành phố sẽ tập trung vào hoạt động phân loại rác tại nguồn và áp dụng công nghệ đốt bằng lò ghi cơ học của Bỉ tại Nhà máy đốt rác điện Thiên Ý.