Tính đến nay, có 14 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản cát được UBND thành phố cấp phép. Trong đó, 3 đơn vị khai thác cát vào mùa nước kiệt (từ 15-10 năm trước, đến 15-5 năm sau), 8 đơn vị đã được cấp giấy phép khai thác, nhưng đang hoàn thiện thủ tục để được hoạt động, 3 đơn vị còn lại giấy phép đã hết hạn. Tính theo công suất của 14 giấy phép, năng lực khai thác cát đạt 2 triệu mét khối một năm, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng cát trên địa bàn thành phố.
Do sự phát triển, mở rộng cơ sở hạ tầng khu dân cư, đô thị tăng, nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu xây dựng cao, dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng mùa mưa bão năm 2017 (từ ngày 1-6 đến 15-9), lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 86 vụ với 94 đối tượng vi phạm khai thác cát trái phép; tạm giữ 93 tàu thuyền liên quan đến hoạt động khai thác cát…
Ảnh minh họa |
Nhằm bảo vệ khoáng sản chưa cấp phép khai thác, UBND thành phố đã ban hành những kế hoạch, quyết định liên quan đến công tác quản lý, hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn. Các sở, ngành chức năng và UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của những đơn vị được cấp giấy phép. Trên cơ sở đó, kịp thời báo cáo UBND thành phố tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị chấp hành quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn còn có trách nhiệm chủ động lập kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hằng năm và tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý. Những trường hợp phức tạp, địa phương cơ sở đã áp dụng các biện pháp xử lý mà vẫn không thể giải quyết, phải kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên. Định kỳ 6 tháng, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương cho UBND quận, huyện, thị xã.
Trước ngày 15-12 hằng năm, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm báo cáo UBND thành phố về công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã có nhiều quận, huyện, thị xã đề xuất kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, như: Quốc Oai, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Mê Linh, Gia Lâm...
Để quản lý chặt chẽ, tránh thất thu nguồn tài nguyên khoáng sản, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản cát trên địa bàn thành phố, làm cơ sở phục vụ đấu giá quyền khai thác tại 26 điểm mỏ với tổng diện tích dự kiến 1.754,1ha, ở các sông: Hồng, Đà, Cầu (trong đó có 20 điểm mỏ chưa cấp phép khai thác và phần còn lại của 6 điểm mỏ đã cấp phép khai thác một phần diện tích).
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Mười, việc tổ chức thăm dò khoáng sản cát sẽ đánh giá tương đối chính xác trữ lượng và chất lượng cát. Khi thành phố tổ chức đấu giá sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, đồng thời số tiền thu được từ đấu giá sẽ cao hơn.
Ngoài ra, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát còn thể hiện tính công khai, minh bạch, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư, đồng thời góp phần kiểm soát và đưa hoạt động khai thác khoáng sản cát vào nền nếp. Dự kiến, tổng trữ lượng cát ở 26 điểm mỏ khoảng 91 triệu mét khối, thành phố sẽ thu tiền từ đấu giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng…
Theo HNMO