Dự Hội thảo có các đại biểu là các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, đại biểu các cơ quan Trung ương, các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Cách đây tròn 60 năm, vào những ngày đầu tháng 5 lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 4 năm thành lập Khu tự trị Thái – Mèo, Bác Hồ và đoàn công tác Trung ương về thăm Tây Bắc, nói chuyện với đồng bào, cán bộ, bộ đội tại Sơn La. Đó là những ngày có ý nghĩa lịch sử với nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng.
Ngược dòng lịch sử, cách đây 60 năm, những năm đầu mới thành lập Khu tự trị Thái – Mèo, khi đó còn muôn vàn khó khăn, kinh tế kém phát triển, sản xuất nông nghiệp mang tính tự cấp tự túc là chủ yếu, giao thông cách trở, giáo dục đào tạo còn yếu, quốc phòng, an ninh trật tự chưa thật sự ổn định.
Sau 60 năm phấn đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác Hồ, nhân dân các dân tộc Khu tự trị Thái – Mèo trước đây, nay là các dân tộc vùng Tây Bắc đã đoàn kết, đồng tâm, hăng hái thi đua, giành được nhiều kết quả to lớn về mọi mặt kinh tế - xã hội.
Trong đó, tỉnh Lào Cai đã phát triển thế mạnh về du lịch với 4,3 triệu lượt du khách năm 2018, doanh thu du lịch đạt 13.400 tỷ đồng. Tốc độ giảm nghèo nhanh đứng đầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Tỉnh Yên Bái đã quan tâm đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội với nhiều công trình trọng điểm như Dự án đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Khu tưởng niệm Bác Hồ và Di tích lịch sử văn hóa lễ đài sân vận động; cầu Tuần Quán, công trình đường dẫn và cầu Bách Lẫm…
Tỉnh Lai Châu sau khi chia tách từ tỉnh Lai Châu cũ thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao, năm sau cao hơn năm trước, nâng cao mức sống của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, giải quyết việc làm với nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo. Điện Biên là tỉnh duy nhất trong khu vực Tây Bắc có đường biên giới chung với 2 nước Trung Quốc và Lào, luôn giữ vững và ổn định đời sống nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Còn tại tỉnh Sơn La, năm 2018, Sơn La đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, có ý nghĩa quan trọng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt 8,59%. GRDP bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm 3,78%; là năm giảm cao nhất trong 6 năm trở lại đây…
“Những thành quả đạt được ngày hôm nay tuy còn rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển, nhưng đã từng bước đáp ứng được ngày càng tốt hơn mong ước của Người là làm cho mọi người đều được ấm no, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui” – ông Hoàng Văn Chất nhấn mạnh.
Vinh dự được đại diện học sinh tặng hoa và đứng cạnh Bác Hồ trên Lễ đài ngày 7/5/1959, bà Bế Thanh Súy - Cựu học sinh tiêu biểu Trường vùng cao Khu tự trị Thái – Mèo, hiện đang sinh sống tại tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Ngày 07/5/1959, khi ấy tôi mới 13 tuổi đang học lớp 4. Hôm đó, tôi đến lớp như mọi ngày, nhưng được cô giáo cho nghỉ học để cùng với mấy bạn đi tặng hoa cán bộ. Khi chọn được những bông hoa tươi đẹp nhất, cô giáo gói trong những tờ báo đơn sơ, rồi đưa cho mỗi bạn một bó, riêng tôi được đưa bó hoa đẹp nhất. Rồi tôi theo cô giáo và các bạn ra sân vận động Thuận Châu. Hôm ấy cả sân vận động rực rỡ cờ hoa, ở ngoài khán đài có rất đông người, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai biết có chuyện gì. Tầm nửa buổi, tất cả ào lên vì có một đoàn người bước lên khán đài, cả sân vận động như bừng tỉnh và reo lên: Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm! Tôi còn nhớ nhiều người đã khóc vì không kìm nén được sự vui sướng khi được gặp Bác.
“Gần 60 năm trôi qua, nhưng lần đầu gặp Bác, với tôi hình ảnh đó vẫn thật rõ nét. Thật may mắn giờ mỗi lần có dịp về Sơn La, tôi lại được nhìn thấy bức ảnh to Bác đang đưa tay chào và đứng cạnh Bác là cô bé mặc áo dân tộc Thái, thì bao nhiêu cảm xúc được gặp Bác lại ùa về. Những kỷ niệm ấy, giờ trở thành tài sản vô giá đối với tôi. Mỗi khi nghĩ về Bác, nhìn lại tấm ảnh đó, nhớ những lời Bác dạy như tiếp thêm cho tôi nghị lực để vươn lên trong cuộc sống” - bà Bế Thanh Súy tâm sự.
Tại hội thảo, BTC đã nhận được 36 bài tham luận tâm huyết, trách nhiệm của các Nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, của các tỉnh bạn và các sở, ban, ngành tỉnh Sơn La.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi và tiếp tục khẳng định, làm sáng tỏ thêm một số vấn đề quan trọng về tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc và của nhân dân Tây Bắc với Người. Trong đó, tư tưởng đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc được đặc biệt nhấn mạnh, cần phải đầu tư nghiên cứu. Bên cạnh đó, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng, lời dạy của Bác Hồ ở mỗi tỉnh khu vực Tây Bắc có khác nhau, phù hợp với đặc điểm riêng của mỗi tỉnh.
60 năm đã đi qua, Sơn La, Tây Bắc đã có nhiều đổi thay, phát triển, những căn dặn giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc của Người còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, khẳng định Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đồng bào dân tộc Tây Bắc.
Việc tổ chức Hội thảo góp phần làm rõ, phân tích sâu sắc thêm về nội dung, ý nghĩa lịch sử quan trọng của sự kiện Bác Hồ đến thăm, nói chuyện, và những lời căn dặn của Người với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc 60 năm trước.
Đây cũng là dịp để đánh giá, khẳng định những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc thuộc Khu tự trị Thái Mèo trước đây đã đạt được trong 60 năm qua. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh những năm tiếp theo.