Trên các tuyến đường dẫn vào làng nghề Hương Canh, người sành gốm cũng bắt đầu săn lùng những sản phẩm gốm vuốt tay độc đáo về chơi Tết... Và, như một điểm nhấn trong bức tranh trước thềm xuân mới, bản công bố số liệu thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc trong năm 2021 với tổng vốn đầu tư của các dự án FDI đạt 1,015 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020, đã làm nức lòng người.
Cuộc chuyển mình từ đất
Bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Vĩnh Phúc năm 2021 đã chạm ngưỡng 253,75% kế hoạch. Đây là năm thu hút lượng vốn FDI cao thứ 2 (sau năm 2019). Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,1 tỷ USD đến từ 20 quốc gia… Nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ chế biến thực phẩm; các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 (công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới thân thiện môi trường); các dự án đầu tư nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp… cũng đang hứa hẹn nhiều đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Có thể nói, Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều lợi thế thu hút đầu tư. Xác định Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai; là căn cứ, cơ sở pháp lý cho việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; với trách nhiệm là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, Sở TN&MT đã bám sát Nghị quyết, Chương trình hành động của tỉnh, tích cực tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, trong đó, đặc biệt quan tâm, xây dựng quy hoạch ở tầm nhìn chiến lược, chú trọng vào nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạo nguồn, thu hút dự án, “dọn đường” cho các nhà đầu tư lớn vào địa phương.
Trên hành trình phát triển, sẵn sàng bứt phá và trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt với vị trí địa chính trị - kinh tế - xã hội tiềm năng như Vĩnh Phúc, bài toán về đất luôn cần một đáp án thông minh để cân bằng giữa công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp trên quan điểm phát triển xanh - bền vững - ổn định; tránh đi vào vết xe đổ biến động đất mà các địa phương trước đó từng vấp phải, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài. Những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác quản lý, quy hoạch đất đai nói chung, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ cho các dự án đầu tư nước ngoài nói riêng đã mang về cho tỉnh những kết quả nổi trội, đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh kể từ sau 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc (năm 1997) đến nay.
Từ chính sách thu hút dự án trong và ngoài nước, diện mạo Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc, nhiều khu công nghiệp; khu đô thị mới hình thành; nhiều làng nghề truyền thống được phục hồi; nhiều công trình về cơ sở hạ tầng được cải tạo nâng cấp và làm mới…
Bàn tay người ươm những mùa xuân
Từng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc chú trọng phát triển công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có thể sẽ bỏ quên nông nghiệp. Tuy nhiên, với gần 75% dân số sống ở khu vực nông thôn và trên 80 nghìn ha đất nông nghiệp, nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Phúc luôn giữ một vị trí vai trò quan trọng và đang trên con đường chuyển dịch từ “thô” sang “tinh”, từ lượng sang chất.
Quy hoạch đất đã tạo điều kiện đầu tư một cách chọn lọc, tập trung cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ với những bước đi tiên phong trong bối cảnh chung nông nghiệp hữu cơ vẫn còn là phương cách mới mẻ. Tuy nhiên, hứa hẹn sẽ đặt nền móng cho một nền nông nghiệp sạch. Và trong tương lai, nhãn tem VietGAP Vĩnh Phúc sẽ được gắn cho các sản phẩm nông nghiệp sạch - hữu cơ.
Cùng với nông nghiệp, với mục tiêu đưa du lịch - “ngành công nghiệp không khói” thành ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, quy hoạch đất đai đã và đang tạo đà cho các điểm đến Sông Hồng Resort, Tam Đảo, Đại Lải, các di tích, danh thắng, làng nghề… trở thành điểm nhấn của Vĩnh Phúc trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hướng tới phát triển du lịch thông minh áp dụng công nghệ 4.0 là cách đầu tư thông minh mà ngành Du lịch Vĩnh Phúc cùng Sở TN&MT đang phối kết hợp để tiết kiệm sức đất và giảm áp lực lên môi trường.
Phát triển trên tinh thần đi đôi với bảo tồn đã làm hồi sinh các làng nghề như gốm Hương Canh và bóng dáng nghệ nhân - những con người tâm huyết neo giữ bí quyết gia truyền, thổi hồn vào từng thớ đất như một cách biết ơn đất đai. Bởi hơn 300 năm gắn bó mật thiết với người Hương Canh, với chất đất mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho xứ đồng này, dưới bàn tay của bao người thợ kết hợp với lửa nung… sản phẩm gốm sành mang thương hiệu Hương Canh đã từng nức tiếng gần xa như câu ca xưa bây giờ còn nhắc: “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”. Cái thứ đất sét xanh khai thác trên chính những thửa ruộng quê với độ mịn, ít cát, ít xương hơn các loại đất nguyên liệu vùng khác đã làm nên một thương hiệu gốm không ở đâu có được, dẫu chỉ là những sản phẩm đơn giản nhất như chum, vại thì cũng đều là một tác phẩm nghệ thuật đất Hương Canh. Vì vậy, quy hoạch đất cho bảo tồn gầy dựng lại nghề gốm xưa; viết lại câu chuyện của đất và nước và bàn tay nghệ nhân và lửa cùng những sản phẩm gốm độc bản với nét đẹp tự nhiên uyển chuyển đậm nhạt mà người trong nghề vẫn gọi là “men trong đất” chính là cách bảo tồn nét văn hóa đặc sắc trên quê hương Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc đang song hành hai cuộc chuyển mình của đất để khơi nguồn. Nếu cuộc chuyển mình ngoại lực hút vào các dự án đầu tư thì cuộc chuyển mình nội lực lại như gió xuân mở từng cánh hoa trên bông hoa, mở ra tinh túy của đất, mở ra rạng rỡ tâm hồn của đất, mở ra những khát khao để biết đâu là cằn cỗi phải đắp bù.
Đất nở hoa. không chỉ bởi mùa xuân mà chính bàn tay con người làm nên mùa xuân của đất.