Đất hồi sinh

Châu Hoàng| 04/08/2022 15:26

(TN&MT) - “Đất ơi sao nỡ phụ mình? Người ta cứ than thở thế thôi, chứ người không phụ đất thì làm sao đất phụ người” - Câu nói trần tình của người đàn bà Mông trên đỉnh Pha Đin trong buổi chiều lặng gió.

Tôi hỏi: Hòn đất mà biết phụ người sao?

- Có chứ… Trước đây vạt nương này của mình làm ra ba tạ thóc, nay thì chỉ được hai bao. Gieo hạt xuống mưa không về, cây không ra lá, hạt không nảy mầm. Con chim Nôộc Pít nó moi cả hạt giống lên ăn. Cây trong rừng không còn, quả không có cho nó ăn, chắc là nó đói. Đúng rồi, nó đói nó mới làm thế thôi. Trước không thế… Có đúng là đất đã phụ công mình không? Mình nói đúng không?

Người đàn bà Mông, đưa bàn tay đen cháy vuốt mồ hôi.

75.jpg

Người đàn bà Mông trên vùng cao Tây Bắc.

Đất ở đây tốt nhưng chỉ được hai vụ lúa đầu. Đến những vụ sau mưa lũ rửa trôi cuốn đi theo màu mỡ, đất lại trơ những sỏi ruồi. Đất bị bào mòn, hơi thở của những người Mông cũng bị bào mòn. Hành trình của đồng bào Mông từ khâu làm đất cho đến lúc làm ra hạt gạo lắm nỗi nhọc nhằn. Phát nương, dọn cỏ đến lúc cày làm đất tra ngô, trỉa hạt phải trải qua rất nhiều công đoạn. Làm xong đất lại phải chờ cho trời làm mưa xuống. Sự mưu sinh phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, bằng sức lao động mà sản phẩm làm ra không đủ để bù đắp cho sức lực đã trút xuống những vạt đồi. Nhưng chưa bao giờ nghe thấy tiếng họ van lơn. Có lẽ, họ được sinh ra từ đất. Sự cam chịu của họ với đời sống lam lũ của người nông dân khiến tôi thương cảm, bùi ngùi.

Đất mà biết phụ người ư? Thật không? Hay tại con người đã lơ đễnh với quá trình bào mòn của tự nhiên dẫn đến hoang hóa đất trồng… để một ngày nhận ra sự phụ bạc với mùa màng là tất yếu? Người ta đâu lưu tâm một điều không mơ mà thực: Đất phụ người khi người đã phụ đất từ lâu lắm rồi.

Bao thế hệ người Mông trên đỉnh đèo hút gió, sống nhờ đất mà chết cũng nhờ vào đất. Từ khi sinh ra và lớn lên đã nương mình vào đất. Người mẹ đất nhân từ, rộng vòng tay ôm những đứa con vào lòng. Cho dù những đứa con ấy có làm cho mẹ đất vui hay buồn, mẹ đất vẫn bao dung. Người mẹ đất lặng im, nhẫn nại, chịu bao hạnh phúc và đớn đau khi mang trên mình những đứa con ngày một lớn lên, nặng trĩu đôi vai và him him tròng mắt. Nhưng chưa bao giờ đất than đau, cả khi nhát cuốc găm vào, những bánh xe cày xới và mưu toan của những đứa con tội lỗi, mẹ đất vẫn dưỡng dục, chưa khi nào bỏ rơi.

Người Mông Tây Bắc cũng có ước mơ, nhưng là mơ ước của người nông dân. Cày xong đám nương là gửi tương lai của mình vào đất. Cầu cho mưa về, xanh trên từng thớ đất. Những mầm xanh của ngô, của sắn. Không mưa cây không ra lộc, không mưa hạt thóc không nảy mầm, lúa không ra bông, ngô không ra hạt. Cuộc sống nhờ vào thiên nhiên “ơn trời mưa nắng phải thì”, năm nào mưa thuận gió hòa năm đó được mùa, năm nào không mưa đồng bào coi như mất trắng.

“Nhưng giờ thì đã khác. Cũng may là có cái cán bộ hướng dẫn. Rồi lại có Giám đốc Hợp tác xã A Cao cầm tay chỉ việc cho bà con. Không tin thì hỏi Tráng A Cao, nó kia”.

Tráng A Cao, cười hiền như con gái: Mình làm thay trời rồi. Mình lắp ống tưới nước nhỏ giọt… cái đấy tiết kiệm nước, không trôi phân, cỏ ít mọc. Mỗi tội đầu tư đắt, 1ha phải bằng mấy con trâu đực. Chỗ này trước đây bố mình trồng lúa chả đủ ăn, bây giờ trồng thanh long, chanh leo… các thứ bán cho người Tây bên kia họ thích, nhưng quả phải đẹp, thu hoạch đúng thời điểm, chín quá cũng không được, xanh quá cũng không lấy. Cả huyện Vân Hồ này nhà nào cũng có vườn cây trái như mình. Cái đầu của người Mông bây giờ sáng rồi, không còn để như vườn cỏ mọc nữa…

Nhiều người Mông ở Sơn La cũng vươn lên làm giàu từ đất. Trong nhà bắt đầu có của ăn của để, ít người bỏ bản đi làm thuê nơi khác. Họ đã biết yêu đất từ những nỗi vất vả nhọc nhằn mà hình thành nên bản quán. Nếu vỡ hoang đất là niềm vui của đời cha thì hãnh diện của đời con là bạt ngàn cây trái.

Đưa bàn tay ra nhẩm tính, người đàn ông Mông - Tráng A Cao, huyện Vân Hồ, nói trong niềm vui phấn khích: Người Mông mình bây giờ yêu đất lắm. Mỗi héc - ta chanh leo cho hàng vài trăm triệu, gấp nhiều lần so với trồng ngô lúa. Mình bây giờ không còn là trai bản, Hợp tác xã A Cao mình làm giám đốc, liên kết 7 hộ dân có gần trăm héc - ta đất… rất nhiều giống cây cam, quýt, mận đào thay cho ngô lúa. Những mô hình kinh tế ở đây đều khởi nguồn từ đất, làm cho đất hồi sinh rồi mình sống nhờ vào đất. Bản mình giàu lên cũng là nhờ vào đất. Đất đã không phụ công mình. Người Mông mình yêu đất mà hình thành lên nhiều Hợp tác xã… tên gọi khác nhau nhưng đều bắt đầu vươn lên từ đất.

Nghĩa là, đất đã hồi sinh.!.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO