“Đạo đức sinh thái” và người làm báo tài nguyên - môi trường!
(TN&MT) - Trước sự suy thoái nghiêm trọng của môi trường gây ra những hệ lụy khó lường, triết học thế giới đương đại đã chuyển hướng sang lấy sinh thái làm trung tâm (ecocentrism).
Rất nhiều các khái niệm mới về sinh thái ra đời, trong đó có “đạo đức sinh thái” được hiểu bao gồm hệ thống những quan điểm, nguyên tắc, chuẩn mực quy định, điều chỉnh hành vi của con người trong việc biến đổi, cải tạo, thích ứng với tự nhiên nhằm phục vụ cho sự sống và phát triển bền vững.
Con người là chủ thể đạo đức, còn tự nhiên là khách thể. Đạo đức sinh thái có ba thành tố: ý thức đạo đức sinh thái (quan niệm, tư tưởng, tình cảm…); quan hệ đạo đức sinh thái (quan hệ giữa con người và tự nhiên); thực tiễn đạo đức sinh thái (các hành vi ứng xử với môi sinh). Chuẩn mực của hành vi đạo đức sinh thái phụ thuộc vào quan niệm, hiểu biết, mối quan hệ của con người đối với tự nhiên biểu hiện ở hành vi cụ thể như việc khai thác tài nguyên đúng quy cách, đúng thời hạn, đảm bảo cho tài nguyên vẫn tiếp tục sinh lợi, không xâm hại đến giá trị của tài nguyên mà vẫn đạt được mục đích.
Như vậy, hành vi đạo đức sinh thái được hình thành từ sự nhận thức đúng của con người về vai trò đặc biệt của môi sinh đối với sự sống. Nhưng để có nhận thức đúng thì cần phải tuyên truyền, giáo dục. Sứ mệnh cao cả ấy cũng là sứ mệnh cao cả của báo chí, cụ thể là những người làm báo về tài nguyên, môi trường!
Khi nguyên nhân gây ra môi sinh xuống cấp, bị tàn phá do chính con người thì những nhà báo là những chiến sỹ đi đầu trong việc tuyên truyền, bảo vệ, gìn giữ. Họ đã tiêu biểu cho mẫu hình nhân cách của chủ nghĩa nhân văn sinh thái, dùng tâm thế tĩnh lặng lắng nghe tiếng nói của tự nhiên. Ngày nay thế giới mới nhận ra sinh thái cũng có ngôn ngữ riêng mà chỉ những ai sống trong nó, hòa mình trong nó, coi nó như bạn bè mới hiểu được. Không chỉ các nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh… mới coi thiên nhiên là bầu bạn mà các nhà báo hôm nay cũng phải như thế. Có vậy mới hiểu được tự nhiên đang có trăn trở gì, có nỗi đau nào,…
Thực ra vấn đề này không mới. Từ xa xưa trong cổ tích đã có một nhân vật vì hiểu tiếng nói loài vật nên đã tránh được những tai họa khủng khiếp. Những câu chuyện ấy bật ra thông điệp chỉ khi con người hiểu tự nhiên mới có thể may mắn, an lành. Đã có những tấm gương nhà báo dành cả năm trời trong rừng già Amazon (Nam Mỹ) đối mặt với cô đơn, nguy hiểm để “lắng nghe” tập quán một loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rồi kêu gọi thế giới bảo tồn chúng. Ở ta có những nhà văn, nhà báo sinh hoạt, lao động với bà con dân tộc trong rừng sâu để hiểu rừng mà sáng tạo tác phẩm khẳng định rừng không chỉ che chở bảo vệ, nuôi sống mà còn là cõi tâm linh sâu thẳm nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần con người. Từ đó kêu gọi chung tay bảo vệ rừng, chống lâm tặc, chống nạn đốt rừng, phá rừng…
Từ tâm thế lắng nghe, những nhà báo đã thể hiện sự đồng cảm với thế giới tự nhiên bị thương tổn bằng tấm lòng thấu hiểu và trắc ẩn. Khí hậu Trái đất ngày càng cực đoan, thiên tai xuất hiện nhiều và dữ dội hơn. Con người ngày một đông hơn. Trái đất trở nên chật chội và mong manh nên sinh thái dễ bị tổn thương. Một quy luật thông thường của giao tiếp là có thấu hiểu mới thấu cảm để đồng cảm, từ đó mới truyền cảm một ý nghĩa nào đó về đối tượng.
Để hiểu “nỗi đau sinh thái”, nhà báo phải đến tận “hiện trường”, có “trực quan sinh động” mới có thể thấu hiểu những gì đã diễn ra, thấu cảm nỗi đau không chỉ của hôm nay mà còn ở cả ngày mai, không chỉ của con người mà còn của cả thiên nhiên, cây cỏ… Như vậy đòi hỏi ở họ, ngoài tài năng, còn phải tâm huyết mãnh liệt đủ để dấn thân, thậm chí chấp nhận hy sinh. Có nhà báo vào giữa tâm lũ, tâm bão, vào tận nơi hỏa hoạn để viết bài đưa tin kịp thời.
Nói lên tiếng nói của những thân phận nhỏ bé là thước đo phẩm chất, dũng khí của các nhà báo. Thế giới khen ngợi cách tiếp cận vấn đề của một nhà báo Hàn Quốc mượn “tiếng nói” của một chú chó kể về thân phận khốn khổ của mình và tâm trạng hoảng sợ cực độ khi sắp bị đưa đi giết, đã góp phần làm dấy lên phong trào hạn chế giết hại động vật. Chúng ta mong mỏi nhiều cách tiếp cận và lý giải mới mẻ để những cánh đồng lúa bát ngát lại thẳng cánh cò bay, những khoảnh rừng lại rộn rã âm vang tiếng hót của bao thứ chim quý… Vì sao chúng chưa trở lại?…
Không phải là những nhà nghiên cứu về môi trường, nhưng những nhà báo phải hiểu biết về sinh thái, nhất là có đạo đức sinh thái, lấy đó làm điểm tựa dùng cây bút làm vũ khí sắc bén để viết nên những “bài hịch” về môi sinh. Thời đại công nghệ số đòi hỏi báo chí phải thật sự trí tuệ, phải am hiểu sâu sắc vấn đề, có tính diễn giải thuyết phục, có tính khai sáng, mở đường. Nói gọn lại đó là cái tài. Nhưng rất cần có chữ tâm. Nhiều người tán thành công thức 5C + N là Chủ đề, Chính kiến, Chính xác, Công bằng, Công tâm và Nhân văn.
Phải chọn vấn đề nóng, thời sự (chủ đề); quan điểm rõ ràng của người viết (chính kiến); số liệu, lập luận thuyết phục (chính xác); khách quan, không thiên vị (công bằng); ngay thẳng, vì cái chung (công tâm); hướng tới cái thiện, cái tốt đẹp, bảo vệ, tôn trọng, vì con người (nhân văn). Cái tài và cái tâm sẽ nâng bài viết, như cánh chim bay vào bầu trời văn hóa sinh thái rồi đậu vào trái tim độc giả để gửi gắm những thông điệp nhân văn về môi trường!
Hiện thực là yếu tố thức tỉnh lương tri mạnh mẽ nhất. Hiện thực cũng đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi nhà báo thực hiện sứ mệnh vẻ vang của mình là những đại sứ truyền thông về môi trường. Nhà báo cần tuyên truyền làm rõ quyền lợi và trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trái đất là ngôi nhà thì mỗi con người là một thành viên sinh hoạt trong ngôi nhà ấy nên ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ, làm đẹp ngôi nhà của mình. Ngoài con người còn có cây xanh, động vật… cùng tồn tại nên tất cả phải có nghĩa vụ chung sống nhân ái, hòa bình, ứng xử với nhau một cách văn minh.
Đặc trưng của bối cảnh toàn cầu hóa là con người và các cộng đồng phụ thuộc vào nhau ngày càng lớn. Ô nhiễm ở nước này thì nhiều nước láng giềng phải gánh chịu hậu quả. Thế nên báo chí cần nhấn mạnh vào khía cạnh pháp lý trong việc bảo vệ môi sinh toàn cầu, khu vực. Cần lên tiếng cảnh báo kịp thời để ngăn chặn các hành vi tàn phá môi sinh không chỉ trong nước mà còn liên quốc gia, trên thế giới.
Đi đôi với phê phán, lên án các hành vi tiêu cực, sai trái, cần nhấn mạnh hơn đến việc biểu dương các điển hình tiêu biểu trong việc bảo vệ, gìn giữ môi sinh trong lành, an toàn. Hầu hết các công dân đều có ý thức bảo vệ ngôi nhà môi trường của họ. Có người sẵn sàng bỏ tiền túi vét kênh rạch bị tù túng ô nhiễm, tạo dòng chảy khơi thông. Có người hiến đất làm đường, làm trường học… Họ rất cần được truyền thông rộng rãi để cộng đồng soi mình vào những tấm gương đó mà nhân lên cái tốt đẹp, loại trừ cái ích kỷ, phản văn hóa.
Nêu cao tinh thần phản biện trên cơ sở tôn trọng mục đích, nghề nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… Xã hội dân chủ là xã hội bình đẳng, vang lên nhiều tiếng nói. Trong đó, báo chí là tiếng nói quan trọng và tin cậy. Báo chí về tài nguyên, môi trường phải có tiếng nói ủng hộ việc làm vì dân, vì đất nước và ngược lại. Trên cơ sở phân tích thấu lý đạt tình, nhìn xa trông rộng, bỏ qua cái trước mắt, hướng tới cái lâu dài, bền vững, với cách lập luận vững chắc, ngôn từ sắc sảo, những bài báo như vậy có sức mạnh thu phục và quy tụ nhân tâm rất lớn. Sứ mệnh của các nhà báo thật vinh quang nhưng cũng thật nặng nề. Xin cảm ơn và chúc họ luôn hết mình vì màu xanh - màu của hy vọng và phát triển bền vững!