Đánh thức vùng kinh tế vịnh biển Chân Mây - Lăng Cô

28/12/2017 12:40

(TN&MT) - Vùng đất Chân Mây - Lăng Cô đã từng có nhiều tên gọi khác nhau. Với bề dày lịch sử hào hùng, vùng đất này được ghi vào sử sách với truyền thống bất khuất, kiên cường, anh dũng trong quá trình mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm, dựng nước, giữ nước của dân tộc. Hôm nay, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đang là vùng thu hút nhiều dự án lớn tại miền Trung.

Cảng Chân Mây được được đầu tư mở rộng
Cảng Chân Mây được được đầu tư mở rộng


Vùng vịnh biển trọng yếu

Theo “Việt sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang, vào năm 359 bến Ôn Công, mũi Choumay (Chân Mây) là ranh giới giữa Nhật Nam với Lâm Ấp thuộc Vương quốc Champa. Sau đó, do nhiều cuộc chiến tranh liên miên, đến thời nhà Đường, ranh giới Lâm Ấp được điều chỉnh mở rộng đến tận Hoành Sơn. Đến năm 1306, sau khi Vua Trần Anh Tông thuận tình gã Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân - Vua Chăm để nhận sính lễ là hai châu Ô - Lý thì phần đất từ bờ Nam sông Thạch Hãn đến bờ bắc sông Thu Bồn (TP. Đà Nẵng) thuộc về Đại Việt. 

Lúc bấy giờ, vùng Chân Mây - Lăng Cô nằm trong địa phận châu Lý và sau khi về với Đại Việt, châu Lý được đổi tên thành châu Hóa, lỵ sở đóng tại thành Hóa Châu, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Theo những câu chuyện dân gian thì vùng đất này có những nơi tập trung tàu thuyền buôn bán mang những sản vật từ trong Nam, ngoài Bắc đến. Và theo kết quả khảo sát xã hội nhân văn thì vùng đất này có nhiều di chỉ văn hóa của Đại Việt, Cham - Pa ... chứng tỏ nơi đây từng là điểm giao thương bằng đường biển.

Qua các cuộc chiến tranh thì lịch sử ghi nhận, vào tháng Tư năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh đã đi thuyền ra đóng ở vũng Chu Mãi (Chân Mây) để đại binh tiến đánh quân Tây Sơn qua cửa Tư Dung (Tư Hiền).

Biển Cảnh Dương đẹp và an toàn thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Biển Cảnh Dương đẹp và an toàn thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô


Trong kháng chiến chống Pháp, ngày 19/1/1947, tàu chiến Pháp đổ bộ ở bờ biển Cảnh Dương. Một cánh quân trên 5.000 lính Pháp đủ các quân chủng đã ào ạt tiến vào xã Đại Hải. Toàn bộ khu vực đã chịu cảnh tàn phá vô cùng tàn khốc. Nhưng, cũng tại đây, lịch sử đã ghi lại những chiến công vang dội của các chiến sĩ tự vệ cùng phối hợp với các đại đội của tiểu đoàn 18 (Trung đoàn Trần Cao Vân) anh dũng ngăn cản bước tiến của hành binh Pháp.

Những năm tháng dưới chế độ Mỹ - Ngụy, trên vùng đất này, đã diễn ra nhiều trận chiến ác liệt. Năm 1966, tàu chiến, thủy quân lục chiến và xe tăng Mỹ đã đổ bộ vào vịnh Chân Mây. Bộ đội và dân quân du kích lợi dụng địa hình quen thuộc tổ chức nhiều trận đánh, gây nhiều tổn thất cho địch, lập nhiều chiến công vang dội. 

 Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà chính địa hình tàu thuyền neo đậu an toàn này là nơi thuận lợi cho các thương thuyền neo đậu đồng thời cũng là nơi mà tàu chiến của các lực lượng phong kiến, đế quốc đổ bộ gây nên nhiều đau thương cho nhân dân trên địa bàn. 

Năm tháng đã qua đi, chiến tranh đã lùi về quá khứ. Thừa Thiên Huế từng bước đi lên và đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, so với tiềm năng lợi thế sẵn có thì tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa thật sự phát huy các thế mạnh. Vì vậy, câu hỏi “phải làm gì đây để đưa tỉnh ta phát triển một cách nhanh chóng, bền vững” luôn là điều trăn trở, thôi thúc các cấp, ngành Thừa Thiên Huế tìm phương sách tháo gỡ. 

Đón du khách bằng tàu biển cập Cảng Chân Mây
Đón du khách bằng tàu biển cập Cảng Chân Mây

Cảng Biển Chân Mây - Nơi tiếp nhận các loại tàu lớn nhất miền Trung

Chân Mây được phát hiện qua đề xuất của Tiến sỹ Trương Đình Hiển như một khả năng khởi phát động lực phát triển, mở ra hướng đi mới cho Thừa Thiên Huế. Tính khả thi và ý nghĩa của dự án được các Bộ, ngành và chuyên gia nước ngoài đánh giá cao và Chính phủ đã rất quan tâm. Ngày 24/3/21996 Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã đi kiểm tra và thị sát thực tế và sau đó đã phê duyệt định hướng quy hoạch chung đô thị mới Chân Mây tại Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 27/12/1996. Trong đó, Cảng Chân Mây được ưu tiên đầu tư với vai trò là công trình mang tính chất đột phá để thúc đẩy sự phát triển Khu Đô thị mới Chân Mây với chức năng là cửa ngõ thông ra biển Đông thuận lợi nhất của Hành lang Kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu Lao Bảo.

Các chương trình nhằm phát triển đô thị mới Chân Mây (tiền thân của chương trình phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) lúc đó đã được xác định là một trong những mục tiêu trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Để thực hiện mục tiêu này, những công trình đầu tiên chuẩn bị cho việc ra đời Cảng Chân Mây - nhân tố chìa khóa trong việc phát triển đô thị mới Chân Mây đã được triển khai.

Với khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải 30.000DWT  và tàu khách 100.000GRT, Cảng Chân Mây đã trở thành cảng biển tiếp nhận được cỡ tàu lớn nhất miền Trung. Điều đó đã đánh thức vùng Chân Mây - Lăng Cô vốn dĩ hết sức hoang sơ và cũng chính là tiền đề quan trọng để UBND tỉnh có Công văn số 1380/UB - XD ngày 24 tháng 5 năm 2005 giao cho Ban Quản lý dự án Chân Mây lập đề án thành lập Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2020 tại Quyết định số 26/QĐ-TTg ngày 06/01/2006.

Những dự án lớn đang đầu tư tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô
Những dự án lớn đang đầu tư tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô


Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cảng Chân Mây đã đáp ứng lượng hàng thông qua là hơn 12 triệu tấn, 312.000 khách du lịch tàu biển, kim ngạch xuất nhập khẫu ước tính khoảng 1.050 triệu USD, Cảng Chân Mây đã trực tiếp và gián tiếp giải quyết công ăn việc làm cho gần 100.000 lao động và là cơ sở để các nhà máy xi măng tăng công suất, đầu tư mới và thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế. Đến nay, Cảng Chân Mây đủ khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải 50.000DWT, tàu khách Oasis of The Seas lớn nhất trên thế giới hiện nay có trọng tải 282.225GRT và Bến số 3 đã được khởi công vào ngày 26/9/2015, Bến số 2 cũng được khởi công vào năm 2016… 

Hơn 20 năm tập trung đầu tư xây dựng, Cảng Chân Mây đã làm tròn nhiệm vụ là công trình đột phá xuất nhập khẩu để khai thông nguồn lực mới cho tỉnh Thừa Thiên Huế và đã gặt hái được nhiều thành tựu nhất định.

Nhiều lãnh đạo trăn trở, cảng lân cận với chúng ta có lịch sử hơn 100 năm với chỉ hơn 1km cầu cảng nhưng đã đủ nâng tầm cho cả một thành phố trực thuộc trung ương. Trong lúc đó, chúng ta quy hoạch khu cảng Chân Mây chiếm gần 50 % đường ven biển Bình An - Cảnh Dương với hàng chục km cầu cảng và quy hoạch khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với đường trục chính của đô thị không bám theo đường ven biển để sớm tạo ra bộ mặt đô thị biển như những thực tế thành công, sinh động của các thành phố lân cận mà lại quy hoạch chồng lấn lên khu dân cư lâu đời. Điều này dẫn đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sẽ rất cao và đời sống nhân dân thì không được ổn định vì phần lớn đều không xây được nhà kiên cố do vướng quy hoạch mà quy hoạch thì không biết đến khi nào mới triển khai do thiếu vốn đầu tư.

Du khách đi tàu biển vào Chân Mây
Du khách đi tàu biển vào Chân Mây

Quy hoạch khu vực Chân Mây là cần thiết để hoạch định chiến lược phát triển. Quy hoạch phải có tầm nhìn phù hợp để không cản trở nhu cầu phát triển trước mắt của một bộ phận lớn cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời ở mảnh đất này, tuy nhiên cũng phải dự báo được nhu cầu phát triển trong tương lai cũng như tận dụng được những cơ hội trong quá trình đầu tư và phát triển.

Đến nay, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút 43 dự án với tổng vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng và phấn đấu đến năm 2018 cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 10 dự án.

Và đến lúc này cần phải nhìn nhận, đánh giá để đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung những vấn đề còn khiếm khuyết, tháo gỡ những vướng mắc nhằm thúc đẩy một vùng đất đầy tiềm năng trở thành động lực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức vùng kinh tế vịnh biển Chân Mây - Lăng Cô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO