Đánh thức dòng sông Mẹ

Ngọc Lý| 18/03/2021 10:52

(TN&MT) - Nếu tính từ năm 1954 đến nay, Hà Nội có bảy lần quy hoạch chung được ban hành. Ngay với quy hoạch không gian sông Hồng, trong bảy lần đều nhắc đến. Năm 2012, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Từ đó đến nay, thành phố vẫn chưa thực hiện được nhiệm vụ này, dù đã có khoảng 20 đề án, dự án liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đã được trình lên các cấp lãnh đạo.

Cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã nhận xét: “Về mặt phong thủy, Hà Nội chỉ là một bãi bồi của sông Hồng”. Quả vậy, hơn 40 km sông Hồng chảy qua địa phận thành phố đã bồi đắp nên Thủ đô của đất nước. Hơn 1.000 năm về trước, Lý Công Uẩn đã quyết định đóng đô, vì ông nhận thấy cái thế “Rồng chầu, hổ phục” của “bãi bồi ấy”. Nhưng thiên nhiên cũng như một cô gái đẹp có tính đỏng đảnh, sông Hồng thỉnh thoảng cũng làm cho người Thủ đô giật mình.

Nhớ mùa lũ năm 1996, phải hàn tất cả các khẩu trong nội thành. Nước sâm sấp mặt đê. Người dân ngoài bãi nhiều đêm không ngủ, nhộn nhịp đèn đuốc, tấp nập thuyền sơ tán đồ đạc vào trong đê. Từng ngày, từng ngày, sự nhích lên, nhích xuống của cọc thủy chí như những lời cảnh báo của thiên nhiên với con người.

Ảnh minh họa

Còn hôm nay, trục sông Hồng được xác định là trung tâm mở ra hướng phát triển mới cho đô thị Hà Nội. Theo quy hoạch, sẽ có 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, trong đó, thời gian tới sẽ xây dựng mới 10 cầu là: Cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thăng Long mới (Vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).

Đó là những toan tính, là mong muốn của các nhà lãnh đạo. Nhưng hiện tại, cuộc sống của hàng vạn hộ dân ngoài bãi sông Hồng vẫn là nỗi trăn trở của những người có trách nhiệm với Thủ đô(?). Làm sao để cuộc sống của họ ổn định hơn, tốt đẹp hơn? Từ lời nói đến hiện thực vẫn là khoảng cách khá xa khi mà việc thực thi không chỉ có ý chí của cấp lãnh đạo mà còn là sự đồng lòng ủng hộ của cả tập thể lãnh đạo và người dân.

Không chỉ dừng lại ở đó, hàng loạt dự án đã được hình thành đầy tính lãng mạn. Nào là đô thị hai bên bờ sông Hồng, phát triển khu đô thị mới Bắc sông Hồng. Cũng lại có ý tưởng phải khai thác dòng sông theo hướng tạo ra những khu du lịch, vui chơi giải trí mang đậm tính nhân văn, nhằm thu hút khách du lịch tới Hà Nội, đến với dòng sông Mẹ. Đô thị Hà Nội sẽ không chỉ có bờ Nam mà sẽ được mở rộng và phát triển lên phía Bắc sông Hồng, vươn lên phía Tây dựa vững chãi vào vùng núi thiêng Ba Vì, đồng thời vươn ra biển Đông theo quốc lộ 5 mới để đẹp mãi thế rồng bay.

Những ngày này, sông Hồng đang mùa nước cạn. Đã lâu rồi không có lũ. Từ bãi giữa, ta sẽ có cảm giác “lội” được qua sông. Nghĩ về 75 năm trước, cũng bờ bãi này, vào một đêm Đông, người Hà Nội lặng lẽ gạt nước mắt rời Thủ đô để trường kỳ kháng chiến. Hôm nay, dấu vết nào còn lưu giữ giữa dòng sông Mẹ? Có lẽ, ôm giấu vào lòng đất vẫn mãi là sự trung trinh, lòng yêu nước sắt son, tình yêu Hà Nội của bao người con Thủ đô giữa mùa Đông năm 1946 ấy.

Hôm nay, cũng trong lòng sông ấy, thương thật nhiều những cư dân vùng ven bãi, những bận con nước cạn, thuyền cứ phải khơi dòng mà đi, mà ngược xuôi để sinh tồn trong cái khắc nghiệt của tiết trời, của con nước. Mênh mang một bãi bồi. Hồng Hà - dòng sông Mẹ, đang như cố rướn mình vượt qua những bờ bãi. Một hình ảnh trái ngược với dòng chảy cuồn cuộn khi mùa nước lên quãng hai chục năm về trước. Bây giờ, dường như người ta đang tận khai thác những gì sông có. Suốt dọc đôi bờ, những bãi cát chất ngất được tấp lên. Dòng sông liên tục bị thay đổi dòng chảy, luồng lạch ngày càng phức tạp hơn. 

Con sông nào không từ nguồn ra đi, trở lại rồi nhập vào nhau nơi cửa bể, thành cuộc hội ngộ trùng dương. Ngay hôm nay đây, bãi giữa sông Hồng vẫn là nơi mưu sinh của hàng trăm cư dân khắp nơi đổ về. Nếu mai này, một đô thị giữa sông Hồng được dựng lên, chắc dấu tích về họ sẽ nhạt phai, nhưng những câu chuyện về bãi giữa sông Hồng thì còn mãi.

Mới hay, cha ông ta vốn dựng nước bên những dòng sông, cửa biển và không ít lần nhờ vào sông nước mà làm nên chiến công lừng lẫy, bởi thế, nên có thái độ rất trân trọng và yêu quý. Vì vậy, trong ngôn ngữ Việt Nam ngoài từ “dòng sông” còn gọi là “con sông” một cách trìu mến, xem như những đứa con thực sự của nước non cẩm tú.

Và, cho đến tận ngày hôm nay, những dòng sông vẫn gắn chặt với đời sống con người, làm nên những phố thị sầm uất dọc đôi bờ. Bởi thế, đánh thức Hồng Hà - dòng sông Mẹ, đang là sứ mệnh lịch sử mà những người có trọng trách cần cân nhắc thấu đáo trong mỗi quyết định, để Thủ đô đẹp mãi thế rồng bay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức dòng sông Mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO