Đánh giá thực trạng và khả năng ứng dụng viễn thám tại Nghệ An

Việt Khang| 04/05/2022 16:49

(TN&MT) - Ngày 4/5, Đoàn công tác của Cục Viễn thám quốc gia do Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở TN&MT tỉnh Nghệ An về công tác tổ chức triển khai thực hiện các đề án, dự án về ứng dụng viễn thám và tình hình thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Giám đốc Sở TN&MT Nghệ An Võ Văn Ngọc cùng đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các phòng, đơn vị thuộc Sở.

Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh đã thông báo một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước và ứng dụng viễn thám mà Cục đang triển khai, một số yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý và ứng dụng viễn thám trong giám sát tài nguyên bảo vệ môi trường, ứng dụng viễn thám tại một số ngành, địa phương. Việc xây dựng, cập nhật, công bố siêu dữ liệu viễn thám để đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng thuộc phạm vi quản lý của địa phương; cung cấp bản sao dữ liệu và siêu dữ liệu ảnh viễn thám mua từ nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước cho Bộ TN&MT.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh cũng đề cập tới công tác thực hiện các đề án, dự án về ứng dụng viễn thám trong phạm vi quản lý của địa phương, công tác tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 của địa phương.

z3388298541957_6624353cf530169d810600254d84d549(1).jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An Võ Văn Ngọc cho biết, với thế mạnh dữ liệu có độ phân giải cao và thời gian truyền dữ liệu đạt tới gần thời gian thực, công nghệ viễn thám cho phép tiếp cận các vùng sâu, vùng xa mà con người khó hoặc không thể tiếp cận, là phương pháp duy nhất có thể có khả năng giám sát với tần suất cao, trên diện rộng, với chi phí tối thiểu.

Vì vậy, Sở TN&MT đề nghị Cục Viễn thám quốc gia tiếp tục hỗ trợ cho các nhiệm vụ, dự án ứng dụng công nghệ viễn thám tại địa phương phục vụ điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu đáp ứng mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.

Ông Võ Văn Ngọc cho biết, đối với công tác xây dựng nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám thuộc phạm vi quản lý, theo hướng dẫn của Cục Viễn thám quốc gia, Sở TN&MT đã có văn bản gửi các Sở, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám để phục vụ khai thác thực hiện các chương trình, đề án, dự án trong các lĩnh vực chuyên môn như: Điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, do các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa thực sự am hiểu về ứng dụng, tác dụng, vận hành dữ liệu ảnh viễn thám vào thực hiện các nhiệm vụ quản lý, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, chưa rõ ràng về cơ chế khai thác, chi phí phải trả nên chưa có tổ chức, cá nhân đăng ký nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám.

z3388343732324_779fcea247b9ee2475f44c688d0f0daf(2).jpg
Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh trao tặng cho ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An sơ đồ dữ liệu ảnh viễn thám VNREDSAT 1, Spot 6/7 và dữ liệu ảnh viễn thám Planet hiện có ở tỉnh Nghệ An

Đối với công tác tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Chiến lược viễn thám quốc gia, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cũng đang tập trung nghiên cứu để xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 1/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An Võ Văn Ngọc cũng nêu ra một số khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý về viễn thám ở cấp địa phương, nguồn nhân lực hạn chế, không có trang thiết bị, máy móc và công nghệ; ...

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Cục Viễn thám quốc gia sớm ban hành, thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về viễn thám theo hướng quy định rõ hơn về nội dung, lĩnh vực cần khuyến khích thực hiện dữ liệu, công nghệ viễn thám, ban hành đơn giá sản phẩm (khai thác lần đầu, định kỳ cập nhật, duy trì hệ thống tiếp nhận…) thuộc lĩnh vực viễn thám.

z3388343829823_60c431aac87adbc633361613ec5a0156(1).jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cùng với đó là tăng cường công tác đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, ứng dụng viễn thám vào các nhiệm vụ chuyên môn cho các cơ quan tại địa phương. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về ciễn thám trên địa bàn tỉnh Nghệ An; tạo điều kiện ưu tiên triển khai thực hiện các Dự án, Đề án nhằm từng bước nâng cao kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý, ứng dụng công nghệ, dữ liệu viễn thám vào hoạt động quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá thực trạng và khả năng ứng dụng viễn thám tại Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO