Dân tộc Sán Chỉ
ở Bình Liêu, Quảng Ninh
.
Dân tộc Sán chỉ sống rải rác ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Quảng Ninh. Riêng ở Quảng Ninh người Sán Chỉ chiếm 12% dân số toàn tỉnh, chủ yếu tập trung nhiều ở huyện Bình Liêu. Người Sán Chỉ bên cạnh việc chăn nuôi và trồng trọt thì việc đồng áng làm ruộng là chính.
Ngoài ra họ cũng có nghề thủ công như rèn, mộc, làm mây, tre, đan… và một số sản phẩm của địa phương, trong đó có nghề sản xuất miến dong. Thương hiệu miến dong Bình Liêu đã nổi tiếng trong cả nước. Sợi miến được làm từ 100% củ dong được trồng tại địa phương, dòn dai và đặc biệt không bị nát nếu có lỡ tay nấu nhừ.
Hằng năm từ tháng 3 đến tháng 11, du khách đến Bình Liêu sẽ thấy bạt ngàn dong riềng được trồng trên những thửa ruộng bậc thang. Khi những nương lúa chín vàng được thu hoạch xong thì cũng là lúc bà con đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây bắt tay vào việc thu hoạch dong riềng để làm nguyên liệu chế biến miến dong nổi tiếng nơi đây.
Trước đây miến được tráng bằng tay, sản xuất quy mô nhỏ, đến nay để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo chất lượng ổn định, các cơ sở sản xuất miến dong ở Bình Liêu đã mạnh dạn đầu tư đưa các máy móc công nghiệp vào sản xuất kết hợp với phương pháp thủ công nên vẫn đảm bảo chất lượng của miến dong đồng thời đảm bảo sản lượng cung cấp trên thị trường ổn định.
Nhiều năm nay, Bình Liêu nổi tiếng có đội bóng đá nữ. Các cầu thủ nữ mặc bộ áo váy dân tộc truyền thống của người Sán Chỉ, tết tóc và cuốn gọn thành vòng tròn trên đầu để thi đấu cho gọn gàng. Khi đấu, các cầu nữ cũng tranh bóng, lừa bóng qua đối thủ căng thẳng không kém gì các đấng mày râu.
Tại xã Húc Động, Bình Liêu, giải bóng đá nữ được diễn ra thường niên từ năm 2018 chủ yếu là người dân tộc Sán Chỉ tham gia. Giải đấu nằm trong chuỗi các hoạt của Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc thuộc huyện Bình Liêu. Hiện Húc động có 7 đội bóng đá nữ, độ tuổi từ thiếu niên đến những chị ngoài 30 tuổi. Các cầu thủ đều là tay ngang, là nông dân, tiểu thương hoặc là công chức, viên chức trong xã, thôn. Bóng đá ở đây vì tinh thần sức khỏe, vui là chính nên mỗi trận thi đấu rất tưng bừng, chơi hết mình.
Xuất phát từ một phong trào thể thao địa phương nên không thể đòi hỏi trận đấu có chuyên môn cao ở đây nhưng bù lại, không khí trận đấu thật “máu lửa”, có cầu thủ mải tranh bóng rơi cả vấn tóc, trời mưa cũng không ngăn được tinh thần thi đấu. Bóng đã nữ Sán Chỉ bắt đầu từ xã Húc Động, giờ đây đã lan sang các xã khác và thị trấn Bình Liêu, lan sang cả vùng đồng bào Sán Chỉ sinh sống ở các huyện khác, góp phần đưa hình ảnh du lịch Bình Liêu vươn xa.
Không chỉ trong phạm vi Bình Liêu hay Việt Nam, bóng đá nữ Sán Chỉ đã đưa hình ảnh du lịch Bình Liêu lên các trang báo lớn nước ngoài như AFP hay France 24. Đây là hoạt động rất đặc sắc mang dấu ấn riêng, Bình Liêu đã khai thác rất tốt, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch gần xa đến với Bình Liêu.