Dân sống "khổ" bên bờ sông sạt lở và ô nhiễm

24/03/2016 00:00

(TN&MT) – Bờ tả sông Nhuệ sạt lở nghiêm trọng, tình trạng đổ rác thải, phế thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường đang từng ngày “bức tử” cuộc sống người dân xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội).

Bờ sông sạt lở nặng nề

Sông Nhuệ chảy dọc địa bàn xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) gần 9 km. Mặt đê bờ sông Nhuệ cũng là trục đường giao thông chính của xã, nơi có mật độ phương tiện qua lại đông đúc. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bên bờ sông diễn ra thường xuyên, hiện có 4 cung sạt khá nghiêm trọng gồm: đoạn từ cống X40 qua ngõ 12 đường Tả Thanh Oai dài 250m, mái sông bị sạt lấn vào gần mép đường; Đoạn từ bia Truy Viễn Đàn của dòng họ Ngô đến trạm bơm Đại Thanh dài 200m, mặt đường có biểu hiện lún nứt. Liền đó, đoạn từ giếng Miếu Ông đến ngõ 38 dài khoảng 100m, cung sạt lấn vào gần mép đường; Điểm sạt lở nghiêm trọng nhất từ ngõ Đình thôn Nhân Hoà đến Trường Tiểu học Tả Thanh Oai dài 350m (tương ứng K23+150 đến K23+500).

Đoạn bờ sông từ ngõ Đình thôn Nhân Hoà đến Trường Tiểu học Tả Thanh Oai là điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng
Đoạn bờ sông từ ngõ Đình thôn Nhân Hoà đến Trường Tiểu học Tả Thanh Oai là điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng

Ở đây, những bụi tre, cây cối đã nghiêng hẳn về phía sông Nhuệ do bờ bị sạt lở. Nhiều cung sạt ăn sâu vào mái, sát vào mép đường khiến mặt đường bị lún nứt. Bà Nguyễn Thị Tuyền, người dân thôn Nhân Hòa cho biết, cổng trường tiểu học tập trung đông học sinh qua lại mỗi ngày, bọn trẻ rất hiếu động thường xuyên tập trung nô đùa, chạy nhảy trên mặt đường nên rất nguy hiểm.

Bờ sông sạt lở gây nhiều nguy hiểm cho học sinh của trường tiểu học Tả Thanh Oai
Bờ sông sạt lở gây nhiều nguy hiểm cho học sinh của trường tiểu học Tả Thanh Oai

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông Nhuê, ông Nguyễn Đình Đệ (đội 4 thôn Nhân Hòa) cho rằng do đây là dòng sông cổ, sông uốn khúc liên tục, lòng sông hẹp, dòng chủ lưu áp sát chân đê; đồng thời do nên địa chất yếu, mặt bờ sông là đường giao thông, xe tải nặng đi nhiều nên gây ra sạt lở ảnh hưởng đến an toàn của đê, đường, an toàn giao thông và đời sống sinh hoạt, an toàn tính mạng, tài sản của người dân địa phương. “Nhiều năm qua tôi đã chứng kiến không ít lần bờ sông bị sạt lở nhưng thời gian gần đây hiện tượng đang diễn ra phức tạp hơn”, ông Đệ nói.

Nhiều cung sạt ăn sâu vào mái, sát vào mép đường
Nhiều cung sạt ăn sâu vào mái, sát vào mép đường

Mặt khác, theo một số người dân thôn Nhân Hòa, những năm gần đây, người dân xã Tả Thanh Oai đã lấn chiếm đất phía bờ sông Nhuệ để làm nhà khiến nước trên đường luôn bị ứ đọng, làm đất phía dưới yếu. Hằng ngày, một lượng lớn phương tiện qua lại khiến mặt đường càng yếu, bờ đê càng dễ bị sạt lở.

Trao đổi với phóng viên Báo  điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Tràng Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai xác nhận hiện tượng sạt lở tại địa phương trong thời gian qua diễn ra khá thường xuyên và phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân sống ven bờ sông.

Tập kết vật liệu xây dựng bên bờ sông Nhuệ
Tập kết vật liệu xây dựng bên bờ sông Nhuệ

Theo ông Nguyễn Tràng Thắng, trước tình trạng lòng sông ăn ngày một sâu vào thân đê cũng là tuyến giao thông độc đạo có ý nghĩa hết sức quan trọng với việc đi lại và giao thương của người dân; lãnh đạo địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác định các điểm sụt lở, tiến hành cắm mốc. Để khắc phục tạm thời tại nhiều mép đường của xã đã đầu tư kinh phí tổ chức lắp đặt hộ lan bằng sắt dọc theo bờ sông để giảm thiểu tình trạng mất an toàn. Bên cạnh đó, UBND xã Tả Thanh Oai thường xuyên báo cáo, đề xuất với UBND huyện để có những biện pháp cụ thể.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Không chỉ phải sống trong tâm trạng hoang mang, lo sợ bởi tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng, người dân Tả Thanh Oai còn đang từng ngày sống chung với môi trường ô nhiễm nghiêm trọng từ rác thải, phế thải đổ bừa bãi ven bờ sông. Đứng ở bờ sông thôn Phú Diễn (xã Hữu Hòa) nhìn sang bên kia sông là thôn Nhân Hòa (xã Tả Thanh Oai) thấy nhan nhản những túi ni lông đựng rác ở bờ, lòng sông. Được biết, xã Tả Thanh Oai đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Môi trường đô thị Thanh Trì, thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn xã, nhưng dường như thói quen xả rác xuống Sông Nhuệ đã trở thành thói quen cố hữu của người dân ở ven sông. Ở kè bờ sông Nhuệ, đoạn qua thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai được Nhà nước đầu tư xây dựng, hoàn thiện cũng trở thành nơi chứa rác thải sinh hoạt của một số hộ dân.

Thậm chí là đổ vật liệu, phế thải ngay bờ sông
Thậm chí là đổ vật liệu, phế thải ngay bờ sông

Về vấn đề này, Phó chủ tịch xã Tả Thanh Oai khẳng định, lãnh đạo địa phương đã phối hợp với Xí nghiệp môi trường đô thị Thanh Trì khảo sát vị trí để quy hoạch các bãi tập kết rác phù hợp. UBND xã cũng thường xuyên ra quân thực hiện việc thu gom và đốt rác. Còn những trường hợp đổ rác thải, vật liệu xuống bờ sông chủ yếu là các hộ gia đình sống ven bờ sông chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

Rác thải sinh hoạt đổ bờ bãi bên bờ sông Nhuệ
Rác thải sinh hoạt đổ bờ bãi bên bờ sông Nhuệ

Thiết nghĩ, tình trạng sạt lở bờ tả sông Nhuệ không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt mà còn nguy hiểm đến tính mạng, tài sản nhân dân. Để đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương về lâu dài, chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm, đổ rác thải, vật liệu bừa bãi trên bờ sông. Đồng thời, có biện pháp xử lý dứt điểm những hộ dân cố tình biến bờ sông thành nơi “chứa rác”. Ngoài ra, đề nghị các Sở, ban ngành TP Hà Nội sớm có các dự án cấp bách cho tuyến đê kết hợp giao thông ven sông này.

Bài & ảnh:Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân sống "khổ" bên bờ sông sạt lở và ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO