“Ám ảnh” nguồn rác thải y tế
Theo phản ánh của nhiều người nhà bệnh nhân, kho chứa rác thải của bệnh viện nằm gần khu vực khoa Nhi. Mỗi ngày có hàng chục túi ni lông lớn nhỏ đựng rác thải được chuyển tới, nhưng khoảng 2 – 3 ngày sau mới thấy xe chở rác đến chuyển đi. “Nhiều khi muốn đưa cháu xuống sân vận động cho thoáng nhưng mùi rác y tế nồng khiến tôi không thể chịu nổi, huống chi các cháu nhỏ đang ốm”, bà Đỗ Thị Thìn (xã Hồng Hà) chia sẻ.
Theo báo cáo Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng, lượng rác thải y tế khoảng 6 tấn mỗi ngày. Tỷ lệ gia tăng chất thải y tế phụ thuộc vào tăng giường bệnh, phát triển các dịch vụ kỹ thuật và tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân.
Lò đốt rác thải y tế đã tạm ngừng hoạt động |
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng cho biết, chất thải rắn y tế bao gồm chất thải sinh hoạt và chất thải y tế nguy hại, trong đó chất thải nguy hại chiếm khoảng 20 – 25% chất thải y tế của bệnh viện. Đó là, các mô bệnh phẩm và cơ quan người từ các phòng mổ và tiểu phẫu, các chất thải nhiễm trùng từ phòng cách ly và các khoa truyền nhiễm, bông băng thấm dịch hoặc máu, kim tiêm, ống tiêm, lọ thuốc, dược phẩm hư hỏng…
Thực tế, chất thải y tế là nguồn tiềm ẩn lây lan bệnh tật gây ô nhiễm môi trường, tác động tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là nguồn chất thải rắn y tế nguy hại. Nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa sự phơi nhiễm sự các chất độc hại cũng như tác nhân gây dịch bệnh do rác thải y tế nguy hại gây ra.
Đây là hoạt động thuộc Sở Y tế Hà Nội quyết định cho lắp đặt lò đốt rác thải tại bệnh viên Đa khoa huyện Đan Phượng. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm hoạt động đến nay lò đốt rác thải y tế đã bị ngừng hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Hành chính quản lý cho hay, lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện được đầu tư với số tiền lên tới 1,7 tỷ đồng chuẩn theo công nghệ Nhật Bản. Mặc dù chỉ mới đưa vào hoạt động từ tháng 9/2011, nhưng trong quá trình sử dụng lò đã trải qua không ít lần bảo dưỡng, sửa chữa.
Gánh nặng chi phí
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, tuy lò đốt rác được chế tạo bằng công nghệ Nhật Bản nhưng vỏ lò làm từ kim loại thép, buồng lò không có vật liệu chịu nhiệt mà chỉ được làm mát bằng nước. Trong khi đó, chất thải y tế nguy hại khi đốt sẽ sinh ra rất nhiều khí clo và axit clohydric. Cả hai chất này đều ăn mòn kim loại, độc hại tới môi trường, cộng đồng.
“Được biết, lò đốt rác thải mà Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng lắp đặt khi sử dụng tại Nhật Bản chỉ đơn thuần là lò đốt rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, về Việt Nam loại lò đốt này lại được dùng để xử lý cả rác thải y tế nguy hại. Điều này khiến cho hệ thống xử lý rác thải nhanh chóng bị xuống cấp”, ông Hưng nói.
Hiện nay, lò rơi vào tình trạng hư hỏng nặng chưa thể khắc phục nên tháng 4/2015 bệnh viện đã cho tạm dừng hoạt động để tránh gây độc hại ra môi trường xung quanh.
Lý giải về nguyên nhân cho tạm ngừng hoạt động lò đốt rác thải, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Văn Trung cho biết, hiện bệnh viện đang chờ đối tác cung cấp thiết bị kiểm tra chính xác mức độ hư hỏng của lò đốt. Trong trường hợp phải thay thế toàn bộ hệ thống lò thì chi phí ước tính lên đến 1 tỷ đồng. Điều này vô cùng khó khăn với bệnh viện. Bởi vậy, tháng 5/2015 bệnh viện đã trình báo cáo lên Sở Y tế thành phố Hà Nội về việc tạm ngừng hoạt động của lò đốt rác thải, đồng thời đề nghị Sở hỗ trợ kinh phí cho việc sửa chữa và thay thế.
Thiết nghĩ, Sở Y tế và các cơ quan ban ngành cần sớm đưa ra giải pháp phù hợp mang lại hiệu quả thực tiễn khắc phục tình trạng quá tải rác thải y tế ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng.
Bài và ảnh: Tuyết Chinh - Vũ Vân