(TN&MT) - Hiện Đội Cảnh sát môi trường Công an TP Uông Bí đã lập biên bản, bảo vệ hiện trường để truy tìm nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của Tổng công ty Phát điện 1 cũng như trách nhiệm của Nhà máy nhiệt điện Uông Bí về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Dân hốt hoảng, lo lắng
Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Hữu Sang, nhà gần dòng sông Uông cho biết: vào khoảng 5 giờ sáng, dòng nước đen ngòm từ hệ thống nước thải của nhà máy tràn ra, lênh láng, chảy về phía cửa sông. Đến khoảng 8 giờ sáng, vẫn chưa thấy có ai. Sau đó, người dân gọi lên công an và các cơ quan chức năng mới thấy các lực lượng xuống hiện trường. Cũng theo anh Sang, một số người dân làm nghề chài lưới ở khu vực hạ lưu dòng chảy khi thấy những vệt nước đen ngòn tràn ra, nhiều người đã phải chèo thuyền bỏ chạy vì quá sợ ô nhiễm.
Còn chị Nguyễn Thị Tuyết, nhà gần cầu cho biết: đến cuối chiều ngày 7/1, vẫn còn nhìn thấy váng dầu, chúng tôi vô cùng lo sợ trước tình trạng ô nhiễm trên. Thực hư của việc chảy dầu ra hay do nhà máy xả đến đâu, không ai biết cả. Nhưng hiện tại người dân sinh sống gần các nhà máy nhiệt điện này đều phát ngán đến tận cổ. Thỉnh thoảng, những cột khói đen nhẻm từ nhà máy bốc lên mù mịt, bụi bám đầy mái nhà, chả biết kêu ai. Hỏi mấy công nhân trong nhà máy thì họ bảo là chuyện “bình thường”, thực tế, cần phải có cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ và có biện pháp mạnh, nếu doanh nghiệp này làm ăn “bát nháo”, chị Tuyết kiến nghị.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: tại khu vực này có 3 nhà máy nhiệt điện trong hệ thống của Tổng công ty Phát điện 1, gồm: Nhà máy 110 KW, Nhà máy 310 KW và 330 KW. Mặc dù được Nhà nước hết sức tạo điều kiện cho phát triển, nhưng thời gian qua, không hiểu do nguyên nhân nào mà máy móc ở đây lại có sự cố?.
Công nhân nhà máy đang thu dọn lòng sông ô nhiễm |
“Không biết dầu chảy ở đâu”?
Rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với phía lãnh đạo Nhà máy nhiệt điện Uông Bí. Tuy nhiên, trong lúc xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng này thì ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc nhà máy lại đi vắng. Hỏi người lãnh đạo cao nhất không có, cấp phó thì đi….họp. Sau khi chờ đợi hàng giờ đồng hồ ở phòng bảo vệ, phóng viên mới được bố trí làm việc với ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật vật tư, kiêm Phó ban kỹ thuật sản xuất của Nhà máy. Ông Dũng cho biết: “Hiện chúng tôi chưa xác định được sự cố chảy dầu từ nhà máy nào vì đường ống dẫn dầu chảy thông cả 3 nhà máy, hiện tại phòng kỹ thuật vẫn đang làm rõ nguyên nhân, khi nào có kết quả sẽ báo cáo các cơ quan chức năng”.
Các thùng phuy chứa dầu được bưng xuống tận lòng sông để thu gom dầu tràn |
Tình cờ chúng tôi gặp Đội Cảnh sát môi trường (CSMT) - Công an TP Uông Bí tại Nhà máy, ông Phạm Đình Khanh, Thượng tá, Đội phó đội CSMT cho biết: Sau khi nghe quần chúng nhân dân thông báo, Đội CSMT của Công an TP Uông Bí đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Công an TP rồi xuống bảo vệ hiện trường, lập biên bản, lấy mẫu xét nghiệm, để làm rõ mức độ nguy hiểm, nguy hại rồi báo cáo lên các cấp trên phán quyết.
Ông Nguyễn Việt Dũng (người ngồi bên trái) - Trưởng phòng Kỹ thuật vật tư, kiêm Phó ban kỹ thuật sản xuất của Nhà máy nhiệt điện Uông Bí làm việc với PV |
Nguyên nhân tràn dầu bước đầu được xác định là do bục ruột bình làm mát dầu FO khiến dầu xâm nhập vào khoang hơi. Khi Nhà máy tiến hành xả nước đọng của hơi, lượng dầu này đã thoát ra ngoài và loang ra sông Uông. Bộ phận làm mát dầu FO này thuộc tổ máy S8, nhà máy 330MW của nhiệt điện Uông Bí. |
Báo Tài nguyên & Môi trường online sẽ tiếp tục thông tin diễn biến về vụ việc này.
Bài & ảnh: Hà Thúy – Phạm Sang