Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng |
Sáng 29/10, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.
Nghị quyết số 128 ra đời đáp ứng kịp thời tình hình thực tế
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 128 trong tình hình mới. Đây là những quy định tạm thời để chuẩn bị cho 2 chiến lược là Chiến lược thích ứng an toàn mới với đại dịch COVID-19 và Chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế. Hiện nay, cả 2 chiến lược này đều đang được xây dựng.
“Đây là Hội nghị đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông và chủ động đi trước. Hội thảo nhằm trao đổi cặn kẽ những vướng mắc, những nội dung quan trọng cần được truyền thông tốt hơn và để các cơ quan báo chí có kiến nghị, đóng góp với Bộ Y tế trong thực tế truyền thông phòng, chống dịch”, Thứ trưởng Phạm An Tuấn nói.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng |
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã giới thiệu về các nội dung cần lưu ý khi triển khai Nghị quyết số 128/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Theo đó, Nghị quyết số 128/NQ-CP ra đời nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các Bộ, ngành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, sau gần 20 ngày triển khai thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch. Có hơn 40 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thích ứng của địa phương hoặc có văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất và hoạt động giao thông...
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP thời gian qua được các chuyên gia, dư luận đánh giá đáp ứng kịp thời tình hình thực tế hiện nay, phải chuyển trạng thái để đảm bảo chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết sẽ phá vỡ tình trạng “đóng băng” trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế - xã hội ở một số nơi trong thời gian qua, tâm lý người dân ổn định, yên tâm hơn để bước vào giai đoạn mới.
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng |
Nghị quyết 128 của Chính phủ là một chiến lược ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ trong tình hình mới được nhiều người dân và doanh nghiệp hoan ngênh, đồng tình ủng hộ; tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc.
Đặc biệt, giúp cho chính quyền địa phương, những người thực thi nhiệm vụ và người dân thay đổi nhận thức trong công tác phòng, chống dịch, từ đó, hình thành nên ý thức, trách nhiệm, thấy rõ vai trò quan trọng của từng thành phần tham gia vào công cuộc thích ứng lâu dài, linh hoạt, phòng ngừa và kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, sớm đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới.
Dư luận báo chí, các chuyên gia và tổ chức nước ngoài đánh giá Việt Nam chuyển hướng chiến lược hướng tới sống an toàn với virus là “tích cực” và “rất quan trọng”. Thủ tướng giao cho Bộ Y tế xây dựng “Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19” về mặt dự phòng là “một bước tiến mới”.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để tiêm vắc xin cho trẻ em
Bên cạnh những mặt tích cực đó, các đại biểu cho rằng, những ngày đầu mới triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, các địa phương có biểu hiện bối rối và tự phát trong việc triển khai một số biện pháp theo Nghị quyết, lúng túng, vướng mắc trong việc đánh giá mức độ nguy cơ theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Tại Hội thảo, nhiều câu hỏi đã được các nhà báo đặt ra cho lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến các vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua như việc tiêm vắc xin cho trẻ em; giá sinh phẩm xét nghiệm; hiện có nhiều phần mềm quản lý mã QR; kế hoạch triển khai hộ chiếu vắc xin; hướng dẫn cho những người đã tiêm vắc xin ở nước ngoài khi về Việt Nam; chi phí xét nghiệm Covid-19; quy trình áp dụng Nghị quyết 128; bài học của ngành Y tế sau đại dịch Covid-19; quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước...
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới và Việt Nam rất tích cực nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Đối với Việt Nam, có 4 đơn vị nghiên cứu sản xuất vắc xin, đến giờ có thêm một số đơn vị khác cùng nghiên cứu sản xuất và chuyển giao công nghệ. Vắc xin Nano Covax đã và đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã tích cực tìm các nguồn vắc xin khác, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành rất tích cực triển khai chính sách ngoại giao vắc xin. Đến hôm nay, Việt Nam đã tiếp cận được 107 triệu liều vắc xin, đã tiêm được khoảng 78 triệu liều. Lượng vắc xin có cũng đã phân bổ hết cho các địa phương, đã và đang tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm. Việt Nam triển khai tiêm vắc xin trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các đơn vị sản xuất vắc xin với từng loại vắc xin khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng |
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trên cơ sở hướng dẫn về chuyên môn, giai đoạn đầu Bộ Y tế ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, tập trung ưu tiên cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Qua đánh giá thực tế, những người trên 50 tuổi thường mắc nhiều bệnh nền không may mắc Covid-19 thì diễn biến bệnh nặng chiếm tỷ lệ rất lớn so với các đối tượng dưới 50 tuổi.
Sau thời gian tổ chức tiêm, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp và cho rằng, cần phải mở rộng đối tượng tiêm vắc xin để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin. Vì thế, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. “Bộ Y tế xác định tiêm có trọng tâm, trọng điểm, tiêm theo lộ trình. Trước mắt sẽ tập trung tiêm cho đối tượng từ 16-17 tuổi, tiêm cho các khu vực có nguy cơ cao. Nguồn vắc xin thì đến giờ có 2 loại vắc xin được cấp phép có thể tiêm được cho đối tượng này là Pfizer-BioNTech và Moderna. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho tháng 11, 12/2021 và kế hoạch năm 2022. Trong đó, có đề cập rõ số đối tượng trẻ từ 12-17 tuổi báo cáo về Bộ Y tế tổng hợp. Từ đó, Bộ Y tế có kế hoạch tiếp cận và phân bổ lượng vắc xin đáp ứng nhu cầu tiêm”, Thứ trưởng Tuyên cho biết.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, vấn đề tiếp cận vắc xin tuy tích cực nhưng số lượng về chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi Bộ Y tế có số lượng tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố và căn cứ vào lượng vắc xin tiếp cận được, đặc biệt là vắc xin tiêm cho trẻ em, cùng với tình hình diễn biến dịch tại các địa phương, Bộ Y tế sẽ báo cáo với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 làm sao đảm bảo hợp lý trong công tác phòng chống dịch.
Vấn đề an toàn trong tiêm chủng, ngay chiều nay (29/10), Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương tổ chức tập huấn cho 63 tỉnh, thành phố về tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Nội dung tập huấn có cả phần đảm bảo an toàn trong tiêm cho trẻ em.
Về vấn đề xét nghiệm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, các đối tượng xét nghiệm được quy định rõ trong Nghị quyết 128 và Quyết định số 4800/QĐ-BYT, tuy nhiên trước diễn biến tình hình dịch tại một số địa phương và qua đánh giá của Bộ Y tế, công nhân và người lao động từ vùng dịch về các địa phương khác, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn bổ sung đối với những trường hợp đó, về địa phương cần tiếp tục theo dõi sức khỏe, sàng lọc tránh lây nhiễm ra cộng đồng.