03 kịch bản đánh giá tác động của thủy điện trên dòng chính sông Mê Công
Theo thống kê của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỷ m3 nước mặt phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài lãnh thổ. Vì thế, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng và sông Mê Công.
Tác động của phát triển thủy điện đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong một số lĩnh vực nằm trong các trụ cột an ninh nguồn nước về an ninh nguồn nước cho các hoạt động phát triển kinh tế và phát triển (thủy sản, nông nghiệp), dân sinh, bảo vệ các hệ sinh thái thiết yếu (đa dạng sinh học).
Bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, hiện có 03 kịch bản đánh giá tác động của thủy điện trên dòng chính sông Mê Công được nghiên cứu. Một là, bậc thang các công trình thủy điện dòng chính: Xác định tác động tổng thể của 11 dự án thủy điện trên dòng chính.
Hai là, bậc thang các công trình thủy điện dòng chính cộng với các đập dự kiến trên sông nhánh: Kịch bản 1 và các đập sông nhánh của Hạ lưu vực sông Mê Công được lựa chọn (72 đập sông nhánh (dự án đã và đang được xây dựng sau 2012 và các đập dự kiến đến năm 2030).
Ba là, bậc thang các công trình thủy điện dòng chính cộng với kế hoạch dự án chuyển nước: Kịch bản 1 và các kế hoạch dự án chuyển nước ở Thái Lan và Campuchia
Đánh giá chung, các kịch bản trên có thể không làm giảm nhiều mực nước tại châu thổ Mê Công so với điều kiện nền (2007) trong mùa khô, tuy nhiên có thể xảy ra tác động lớn ngắn hạn trong mùa khô của năm kiệt.
Đối với dòng chảy, tương tự như với mực nước, sự sụt giảm dòng chảy giữa các Kịch bản và điều kiện nền trong mùa khô do các đập hoạt động theo chế độ bình thường hoặc phủ đỉnh (xét cho năm nước trung bình) có thể xem là không quá lớn, tuy nhiên các đập dòng chính có thể gây tác động ngắn hạn nghiêm trọng trong mùa khô của năm kiệt.
Liên quan đến tác động về dòng chảy trên dòng chính sông Mê Công thuộc Lào, vận hành của các đập thủy điện trên dòng chính có thể gây ra dao động mực nước lớn nhất tại ngay sau đập thủy điện, giảm dòng chảy rất đáng kể trong mùa khô của năm kiệt điển hình. Chẳng hạn, tại Viên Chăn, mực nước dao động lớn nhất có thể lên đến 1.18m trong Kịch bản 1, 1.53m trong Kịch bản 2 và 1.63m trong Kịch bản 3.
Đối với việc tác động đến phù sa bùn cát, thiết kế của các đập dòng chính như hiện nay sẽ làm cho toàn bộ bùn cát đáy sẽ bị lưu giữ lại trong các hồ chứa. Khả năng lắng động cao của bùn sa và lắng đọng thấp của sét trong tải lượng bùn cát tại các hồ chứa thủy điện dự kiến trên dòng chính, dẫn đến hậu quả là sụt giảm hàm lượng bùn cát trong đồng bằng châu thổ, và do đó làm giảm sút tốc độ lắng đọng phù sa trong phần thượng lưu Đồng bằng sông Cửu Long vốn vẫn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong mùa mưa.
Việc phát triển thủy điện cũng tác động không nhỏ đến đến dân sinh. Theo thống kê, xâm nhập mặn tác động tới 7.4 triệu người trong toàn bộ khu vực đánh giá tác động của Việt Nam. Trong năm trung bình nước, có thêm 1.6 triệu người bị tác động do độ mặn tăng thêm 1 g/l trong 7 ngày.
Bà Nguyễn Hồng Phượng cho hay, mực nước tại Việt Nam (thay đổi 0.5m liên tục trong 10 ngày) theo các kịch bản trong năm trung bình nước có tác động nhỏ và tích cực. Có khoảng 100,000 – 300,000 người hưởng lợi từ điều này (bằng khoảng 1% số người bị tác động trong điều kiện nền). Ngược lại, trong điều kiện năm kiệt/hạ thấp mực nước, sẽ có hàng vạn người bị ảnh hưởng bởi mực nước hạ thấp 15cm so với bình thường. Trong cả 2 điều kiện, mức độ tác động là đáng kể trong mùa lũ.
Tại Việt Nam, gần 400,000 tấn cá bị mất dẫn đến giảm 31kg cá/ ngư dân tiêu thụ/ 1.2 triệu ngư dân với giả thiết ngư dân giữ lại 9% lượng đánh bắt để tiêu thụ. Ước tính lượng cá sẵn có sẽ giảm 10kg. Tổn thất này có thể bù đắp qua nuôi trồng thủy sản hoặc các nguồn đạm khác, điều này lại gây ra các tác động về sử dụng đất và môi trường khác.
Có thể nói, những tác động trên khiến cả nông dân và ngư dân đều bị giảm thu nhập. Riêng nông dân bị giảm tới 28% và các xã bị tác động nghiêm trọng thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Đó là chưa kể, an ninh nguồn nước cho các hoạt động phát triển kinh tế và phát triển (thủy sản, nông nghiệp) bị sụt giảm nghiệm trọng. Thống kê cho thấy, sản lượng thủy sản sẽ giảm khoảng 50% do tác động của các thủy điện dòng chính cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (giảm sản lượng các loài cá trắng mà không bao gồm sản lượng các loài không di cư thay thế và không bao gồm tổn thất của một số loài cá đen và cá xám).
Phát triển chuỗi đập thuỷ điện được dự đoán gây tác động tương đối nhỏ tới nuôi trồng thuỷ sản trong vùng ngập lũ nhưng có những nguy cơ tác động tới nuôi trồng thuỷ sản xảy ra ở các vùng bị tăng nhiễm mặn.
Với 3 Kịch bản, mức giảm năng suất lúa và ngô đã được ước tính và so sánh với điều kiện nền. So với điều kiện nền năm trung bình nước 2007, tác động theo kịch bản 3 lớn hơn do sự suy giảm khả năng tưới tự chảy ở Việt Nam, và do sự gia tăng độ mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tác động từ cả 2 nguyên nhân này đều nhỏ hơn so với tác động do suy giảm lượng phù sa
Tương tự các Kich bản 1, 2 và 3 các phương án phát triển có các tác động trực tiếp lên nông nghiệp (sản lượng lúa và ngô) do sụt giảm lượng phù sa.
Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến việc bảo vệ các hệ sinh thái thiết yếu (đa dạng sinh học. Cụ thể làm mất đi hoặc tuyệt chủng tới 10% các loài cá ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam; Giảm đáng kể số lượng các loài cá di cư sống sót
Lắng đọng bùn cát và dinh dưỡng có thể bị giảm tới 60% tại mỗi vị trí gần dòng chính gây gia tăng xói lở, giảm bồi đắp các vị trí ven sông, ven biển, và giảm năng suất sinh học. Những thay đổi về dòng chảy ở phía Bắc khu vực đánh giá tác động, có thể làm chậm thời điểm bắt đầu mùa lũ hoặc thay đổi tập tính sinh thái của các loài thủy sinh, gây xáo trộn ngắn hạn về thời điểm di cư hoặc các tập tính khác của cá và các sinh vật thủy sinh, có thể làm giảm năng suất sinh sản… (tối ưu phát điện trong mùa khô)
Giảm tải lượng và lắng đọng bùn cát và dinh dưỡng nhưng không làm thay đổi đáng kể dòng chảy hoặc phân bố ngập lụt để có thể làm ảnh hưởng tới đa dạng sinh học. Chuyển nước cũng không có khả năng làm ảnh hưởng đáng kể tới sự di chuyển của các loài cá hoặc các loài thủy sinh di cư khác trong vùng đánh giá tác động.
Đề xuất giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước xuyên biên giới
Theo các chuyên gia, để bảo đảm an ninh nguồn nước lưu vực sông Mê Công cần đồng bộ các giải pháp quốc tế và trong nước.
Đối với giải pháp hợp tác quốc tế: Vận dụng những căn cứ pháp lý quốc tế (Hiệp định Mê Công 1995 và các Thủ tục pháp lý liên quan), kênh hợp tác Mê Công – Lan Thương mới được thiết lập, các kênh hợp tác đa phương và song phương nhằm hạn chế đến mức tối đa tác động của thủy điện kể cả việc đấu tranh với những công trình có tác động nghiêm trọng đến Đồng bằng và thay đổi thiết kế đối với những công trình không có biện pháp giảm thiểu phù hợp;
Hợp tác để theo dõi, giám sát thường xuyên các hoạt động phát triển phía thượng nguồn sông Mê Công, đặc biệt là thông tin về dự án thủy điện, chuyển nước kể cả giám sát tác động thực tế của các công trình đã và đang xây dựng; hợp tác song phương với các quốc gia thượng nguồn nhằm can thiệp mạnh mẽ vào quy trình vận hành cực đoan của các công trình thủy điện.
Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo tác động của các phát triển thượng lưu có thể gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sớm, nhất là dự báo theo tháng, theo mùa để kịp thời có các giải pháp mang tính chủ động.
Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công;
Xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước; hệ thống chia sẻ sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng, bao gồm các thông tin, số liệu tổng hợp về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai... để chia sẻ thông tin, dữ liệu thống nhất giữa trung ương và địa phương, các ngành.
Ở trong nước, chúng ta cần thích ứng chủ động: Đối với các ngành kinh tế quan trọng bị ảnh hưởng, cần có giải pháp thích ứng nội tại trong Đồng bằng như: Bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thích ứng trong điều kiện thay đổi về nguồn nước; rà soát quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại những vùng không có khả năng sản xuất hoặc sản xuất không có hiệu quả; xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi, sử dụng nước; tăng cường năng lực, nhận thức của các cấp về tác động tiềm tàng và tổ chức thực hiện nghiên cứu những biện pháp cụ thể áp dụng cho từng đối tượng chịu ảnh hưởng.
“Đẩy mạnh các nghiên cứu về an ninh nguồn nước nói riêng và an ninh môi trường nói chung nhằm dề xuất ra các khung chính sách và giải pháp quản lý ứng phó, trong đó việc xác định các chỉ số an ninh là rất quan trọng” – bà Nguyễn Hồng Phượng cho hay.