Cách thành phố KonTum khoảng 50 km, Mang đen là một quần thể hoang sơ hầu như còn nguyên vẹn với hàng triệu gốc thông mọc xen kẽ với muôn vàn cây cối canh tươi trên các triền đồi mênh mông giữa đất trời quanh năm mát mẻ. Có lẽ vì thế du khách đến Kon Tum bao giờ cũng đến Măng Đen và Thác Pa Sỹ. Bởi đây chính là “tâm điểm” của tua hành trình.
Nếu Măng đen là điểm dừng chân và “hút hồn” du khách bởi những con đường nhựa phẳng lỳ chạy uốn lượn ngoằn nghoèo giữa đường cong bình độ sườn đồi với muôn ngàn thông reo vi vút, thì Thác Pa Sỹ là “điểm không hẹn mà gặp” của triệu du khách thập phương. Họ đến Thác Pa Sỹ không chỉ để thả hồn theo cung bậc cảm xúc cùng với rừng, suối, cỏ, hoa; mà còn đến để nghe câu chuyện tình lãng mạn của đôi trai gái người Mơ -Nâm đã đi vào truyền thuyết tín ngưỡng như một bản sử thi đẹp đẽ truyền từ đời này qua đời khác.
Vượt 186 bậc đá dốc khúc khuỷu giữa muôn vàn cây xanh như những cánh tay níu giữ chân người. Đứng giữa thung lũng sâu ngước nhìn lên không trung, Thác Pa Sỹ như giải lụa trắng mềm mại thướt tha từ thiên trung chảy xuống. Bao cảm giác mệt nhọc sau chặng “vượt đèo” tan biến hết. Chỉ còn lại cái cảm giác lạ lẫm của phong cảnh hữu tình giữa đại ngàn cao nguyên, hít hà không khí trong lành của rừng xanh, suối ngọt.
Sau khi “thả hồn” với Thác Pa Sỹ, không ai có thể không ngắm “Vườn tượng” trên sườn đồi thông lộng gió. Người dân bản địa nơi đây không nhớ chính xác Vườn tượng này có từ khi nào, chỉ biết 100 bức tượng đủ loại hình thù nhân, mã, cá, rồng, chim, muông, thú rừng ấy, là sản phẩm của một cuộc thi đẽo tượng của người dân bản xứ.
Nghệ nhân Y Lim - một trong những người sống lâu năm ở vùng Măng đen này cho biết, 100 bức tượng của người dân sau cuộc thi tài đều được để lại chưng bày trên sườn đồi Pa Sỹ để cho khách du lịch tham quan, đồng thời đó cũng là nơi “lưu giữ hồn cốt” của đồng bào dân tộc Barh Na, Giẽ Triêng, Mơ Nâm giữa đại ngàn được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của Việt Nam này.
Quả là thiếu sót nếu không đến Hồ Đăkke trong “Quần thể Măng đen”. Hồ Đăkke không chỉ gắn liền với đồng bào bản xứ Kon Tum trong hành trình mưu sinh hàng ngàn năm về trước, mà còn là “lá phổi xanh” cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho người dân sinh sống nơi này. Qua biến đổi của thời gian và để thu hút khách du lịch, Hồ Đăkke trở thành “cầu nối” cho khách thập phương, và những cặp tình nhân muốn thả hồn dưới lòng hồ xanh thẳm.
Măng đen không rộng lớn như Đà Lạt, Vũng Tàu hay Hội An, Đà Nẵng; nhưng nó cũng đủ để “say đắm lòng du khách”. Bởi vậy, sau những giờ “tắm suối, ngắm rừng, tản bộ giữa bạt ngàn thông reo”, tất cả đều ước mong có một lần quay trở lại.