Nhanh chóng xây dựng phương án sử dụng đất
Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Đắk Song, sau khi giải thể, hai Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty TNHH MTV Thuận Tân, đóng chân trên địa bàn huyện Đắk Song đã tiến hành bàn giao hiện trạng gần 11.000ha rừng, đất rừng về cho huyện Đắk Song quản lý, bảo vệ.
Trong tháng 9/2017, sau khi nhận từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân hơn 6.436ha diện tích rừng, đất rừng thì huyện Đắk Song bàn giao toàn bộ diên tích trên cho xã Trường Xuân, huyện Đắk Song quản lý và bảo vệ. Trong đó, có 146ha diện tích đất có rừng, 55ha diện tích đất rừng tự nhiên, 90ha diện tích rừng trồng, 6.290 ha diện tích đất không có rừng.
Sau khi nhận bàn giao, xã Trường Xuân đã chủ động các phương án để quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng. Cụ thể, đối với 55ha diện tích rừng tự nhiên tập trung tại tiểu khu 1687, xã tiến hành giao cho 02 hộ dân là bà Nguyễn Thị Hạnh hơn 29ha, trong đó 21ha có rừng và hộ ông Nguyễn Văn Nam là 21ha, trong đó 20 ha có rừng để quản lý, bảo vệ.
Ngoài ra, xã Trường Xuân thành lập chốt chặn và tổ tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng với 12 thành viên gồm: dân quân, công an, kiểm lâm địa bàn để hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ diện tích rừng được giao.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo xã Trường Xuân cho hay, nhờ tăng cường cộng tác tuần tra, quản lý, bảo vệ, tuyên truyền, vận động diện tích rừng giao về địa phương đến thời điểm này cơ bản được bảo vệ tốt.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Trường Xuân, ngoài 55ha diện tích rừng tự nhiên được giao cho các hộ dân và 21ha diện tích đất rừng xây dựng phương án trồng rừng thì diện tích rừng còn lại manh mún, rải rác ở chóp đồi, ven suối. Hầu hết diện tích đất rừng đã bị người dân lấn chiếm từ nhiều năm trước.
Cùng trong năm 2017, huyện Đắk Song nhận bàn giao từ Công ty TNHH MTV Thuận Tân hơn 4.514ha diện tích rừng, đất rừng cũng đã tiến hành bàn giao về cho các xã: Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nâm N’Jang quản lý, bảo vệ.
Hiện trạng bàn giao có gần 400ha đất có rừng, 379ha đất rừng tự nhiên, 09ha rừng trồng, 4.124ha đất không có rừng. Các xã được bàn giao rừng, đất rừng đã chủ động các phương án quản lý chặt chẽ và rà soát diện tích đất rừng, rừng có trong khu đất được giao để xây dựng phương án sử dụng đất, phát triển rừng theo quy định.
Giao khoán đất, rừng cho cá nhân thật sự có nhu cầu
Qua tìm hiểu, đa phần diện tích rừng, đất rừng được bàn giao từ các công ty lâm nghiệp về cho địa phương đều bị lấn chiếm, xâm canh hoặc rừng bị mất khá nhiều. Trong đó, có nhiều diện tích bị lấn chiếm từ hàng chục năm trước để phát triển nông nghiệp.
Theo ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, diện tích đất, rừng giao về địa phương lớn nhưng diện tích còn rừng lại manh mún. Chưa kể, hầu hết diện tích đất rừng người dân đang canh tác trồng cây ngắn ngày, cây lâu năm. Chính vì thế, huyện đã chủ động xây dựng phương án, huy động lực lượng bảo vệ hiện trạng rừng, đất rừng bàn giao và xây dựng phương án sử dụng đất rừng hợp lý.
Hiện tại, huyện Đắk Song đã thành lập 02 chốt chặn tại xã Nâm N’Jang và xã Trường Xuân để bảo vệ hiện trạng và diện tích rừng còn lại. Theo quy định, để sử dụng diện tích đất rừng, ngành chức năng, mà cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường phải xây dựng phương án sử dụng đất, các địa phương căn cứ vào phương án này để sử dụng.
Cũng theo ông Lê Viết Sinh, đến nay, địa phương đã chủ động tiến hành quản lý rừng, đất rừng theo địa giới hành chính và giữ nguyên hiện trạng. Sau đó, tiến hành giao khoán cho các hộ dân thực sự có nhu cầu để để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm tránh tình trạng tranh chấp, phá hoại…