Đắk Nông: Vô tư chặt phá, mua bán rừng và đất rừng

02/06/2015 00:00

(TN&MT) - Những năm qua, diện tích rừng tự nhiên tại Đắk Nông liên tục giảm nhanh. Trong khi người dân trực tiếp tham gia phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất thì nhiều chủ rừng cũng mặc nhiên để mất rừng, một số cán bộ lại có dấu hiệu “tiếp tay” cho hành vi trái phép này. Trong lúc cuộc chiến giữ rừng đang diễn ra hết sức cam go, nóng bỏng thì Đắk Nông đang phải trả giá cho những hậu quả về môi trường từ việc đánh mất rừng.

Bài 1: Vô tư chặt phá, mua bán rừng và đất rừng

(TN&MT) - Tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Đắk Nông ngày càng có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, việc mua bán, sang nhượng trái phép đất rừng cũng diễn ra ngang nhiên trước sự bất lực của các đơn vị chủ rừng.

Ồ ạt chặt phá

Tây Nguyên đang trong những ngày cuối cùng của mùa khô, những cơn mưa đầu mùa phần nào xua tan được cái hạn kéo dài và khiến nhiều con đường rừng càng thêm lầy lội. Xe máy, xe cày, ô tô… chen chúc nhau trên con đường đất nhầy nhụa đi vào lâm phần của Xí nghiệp lâm nghiệp Đắc Ha (tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong), do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa quản lý. Trước mắt chúng tôi, cảnh tượng phá rừng diễn ra vô cùng dữ dội, tiếng cưa máy vang giòn tứ phía, nhiều cột khói bốc lên như thiêu đốt trời hè. Hàng chục héc-ta rừng chỉ còn là một bãi chiến trường, nhiều cây gỗ lớn có đường kính 0,5 - 0,6m bị cháy đen, đổ xuống ngổn ngang. Rất nhiều cây lớn khác được cưa cẩn thận thành những lóng gỗ tròn, dài và thẳng tắp. Theo giải thích của 1 cán bộ kiểm lâm huyện Đắk Glong, những cây gỗ này không bị đưa đi vì người phá sẽ dùng chính cây rừng này để dựng trụ trồng tiêu trên phần đất rừng vừa bị phá.

Trước đó, vào ngày 3/4/2015, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông và Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã phối hợp kiểm tra và phát hiện 23,7ha rừng tại Tiểu khu 1685 và 1697, thuộc lâm phần của Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha bị chặt phá trắng. Chỉ tính riêng tháng 4/2015, tổng diện tích rừng bị phá của xí nghiệp này là 49,5ha.

Rừng bị phá tới đâu, nhà tạm mọc lên tới đó
Rừng bị phá tới đâu, nhà tạm mọc lên tới đó

Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến khu rừng của Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín (ở xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa), cũng do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa quản lý. Mặc dù đã được một cán bộ có trách nhiệm cảnh báo có thể gặp nguy hiểm nếu đi vào “điểm nóng” nhưng tôi và một đồng nghiệp vẫn đi xe máy vào khu vực Cầu Gỗ (xã Quảng Thành), chỉ cách trụ sở Công an tỉnh Đắk Nông 6km. Dừng chân trên 1 quả đồi, trước mắt chúng tôi hiện ra những đám cháy theo kiểu “da báo”, những tiếng nổ lách tách của cây gỗ tươi bị đốt, khói đen phủ kín 1 vùng trời.

Càng đi vào sâu, rừng càng bị phá khốc liệt hơn. Dọc hai bên đường, cây rừng chỉ còn một vạt mỏng theo kiểu “ngụy trang” cho những căn nhà tạm, những khu đất trống, những đồi sắn, cà phê, tiêu… xanh tốt trải dài phía sau. Ngay bên đường xuất hiện một đám cháy lớn, lửa đỏ ôm trọn 1 vạt rừng, bốc cao cả chục mét. Cả trăm cây gỗ lớn lần lượt gục xuống, nằm la liệt như 1 bãi chiến trường. “Họ phá rừng, đốt rừng chẳng kém gì thời chiến tranh” - anh bạn đồng nghiệp đi cùng thở dài. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2015 đến nay, trên lâm phần do Xí nghiệp Nghĩa Tín quản lý đã xảy ra 51 vụ phá rừng, gây thiệt hại gần 110ha rừng tự nhiên. Theo 1 chiến sỹ công an thị xã Gia Nghĩa tại chốt trực tại lâm trường Nghĩa Tín, tình trạng người dân chặt phá, đốt rừng để trồng cây lâu năm như tiêu, cà phê… đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trước thực trạng này, Công an thị xã Gia Nghĩa đã thành lập 1 chuyên án, lập chốt chặn và cử cán bộ thường xuyên theo dõi, báo cáo tình hình phá rừng trên địa bàn. Nhưng hiện tại, việc phá rừng tại đây vẫn chưa được ngăn chặn, người dân vẫn lén lút chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp từng ngày.

Vô tư sang nhượng

Tốc độ phá rừng tại lâm phần của 2 xí nghiệp nêu trên là vô cùng nghiêm trọng. Đáng chú ý, rừng bị phá đến đâu thì nhà tạm mọc lên đến đó, khẳng định chủ quyền của người trực tiếp phá rừng hoặc mua lại đất. Một người dân địa phương cho biết: Nếu đất trống thì người ta bán 150 - 200 triệu/1ha, còn đất mà có rừng thì bán từ 70 - 100 triệu/1ha. Muốn mua rẻ thì vào sâu bên trong, đoạn giáp với xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong) mà tìm. Thấy chúng tôi thắc mắc chuyện không có Bìa đỏ thì biết ai bán mà mua, người này khẳng định: “Đất ở đây đều thế, mua bán thì chỉ có giấy viết tay thôi”.

Còn khu vực rừng tại các khoảnh 1, 2, 3, 4, 5 - Tiểu khu 1678, thuộc địa giới hành chính xã Trường Xuân (huyện Đắk Song), do UBND huyện Đắk Song quản lý, tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất diễn ra công nhiên hơn. Ngay con đường đi giữa Tiểu khu 1678 và rừng do UBND xã Trường Xuân quản lý, hàng chục héc-ta rừng vừa bị chặt hạ, cây cối nằm la liệt. Băng qua cánh rừng vừa bị chặt, toàn bộ rừng và đất rừng ở phía trong đã biến thành… rẫy trồng tiêu. Theo một cán bộ kiểm lâm huyện Đắk Song đi cùng, các rẫy tiêu ở đây đã trồng từ 3-4 năm, nơi mới nhất cũng khoảng hơn 1 năm.

Dọc đường, PV thấy có nhiều gốc cây đã bị cạo trọc vỏ, sơn số điện thoại của một số người bán đất. Theo thống kê, có tất cả 5 số thuê bao được sơn trên các gốc cây ở những khu vực lân cận. Liên hệ 1 trong số các chủ thuê bao này, PV nắm được thông tin mỗi héc-ta rừng tại đây được bán với giá từ 300 triệu đồng. “Đất ở đây rất tốt, phù hợp với việc trồng tiêu. Dưới 1ha thì giá đó, nhiều hơn thì sẽ bớt được chút ít. Các anh muốn mua bao nhiêu cũng được” - chủ thuê bao giới thiệu.

Theo ông Lê Văn Thiếu - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, trước đây, khu rừng này được UBND tỉnh giao cho Công ty CP Chế biến lâm sản và Xuất khẩu Thăng Long. Do công ty sử dụng không đúng mục đích và không thực hiện dự án, ngày 16/7/2012, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 516,2ha rừng này giao cho UBND huyện Đắk Song quản lý, bố trí sử dụng. Nhưng hiện diện tích này đang bị người dân tàn phá và xâm chiếm tràn lan. “Nhiều vạt rừng đã bị phá từ nhiều năm trước, cũng có chỗ mới bị phá khoảng 2 năm nay. Tại thời điểm UBND tỉnh có quyết định giao đất về cho huyện, khu vực này chỉ còn khoảng 20ha rừng. Trong khi đó, từ khi dự án được triển khai đến lúc bị thu hồi, cơ quan chức năng không hề gặp được chủ dự án - ông Thiếu cho hay.

Bài và ảnh: Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Vô tư chặt phá, mua bán rừng và đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO