Đắk Nông: Thiệt hại hơn 250 tỷ đồng do mưa lũ gây ra
(TN&MT) - Mưa lũ trong những ngày qua tại Đắk Nông đã làm 2 người thiệt mạng, gần 200 căn nhà và hơn 650ha cây trồng bị ngập lụt, nhiều công trình hạ tầng như đường giao thông, thuỷ lợi bị hư hỏng nặng, ước tổng thiệt hại hơn 250 tỷ đồng.
Chiều 7/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông để nắm bắt về tình hình thiệt hại cũng như cùng đặt ra các biện pháp cụ thể. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành báo cáo về các hiện tượng sụt lún đất và các phương án xử lý thời gian qua. Các chuyên gia đi cùng đoàn công tác đã có nhiều ý kiến về nguyên nhân, giải pháp khắc phục các hiện tượng sụt lún, bảo vệ hồ chứa nước trước mắt và lâu dài.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết: Tính từ ngày 28/7 - 6/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục xuất hiện mưa vừa, mưa to, mưa rất to và kéo dài. Tổng lượng mưa trong những ngày qua tại nhiều nơi đạt hơn 300mm, đặc biệt có nơi trên 556mm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông rất quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, vừa qua trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn, gây sụt lún, ngập úng nhiều công trình giao thông, thủy lợi và tài sản của người dân, doanh nghiệp. Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo; tổ chức các đoàn kiểm tra thực địa để chỉ đạo phòng chống, khắc phục thiên tai.
“Tỉnh Đắk Nông đã huy động tối đa lực lượng tại chỗ để cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại do thiên tai. Lực lượng tại chỗ các địa phương hỗ trợ hiệu quả người dân di dời khỏi các vùng nguy hiểm. Với hồ chứa mất an toàn, tỉnh chỉ đạo đơn vị quản lý, chính quyền địa phương trực ban, theo dõi diễn biến chặt chẽ; tổ chức di dời, ứng phó tình huống khẩn cấp, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân” - ông Yên nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, với tình hình mưa lũ còn kéo dài sẽ dẫn đến 2 mối nguy cơ lớn là ngập lụt và sạt lở, đặc biệt là tại các công trình thuỷ lợi. Một số công trình như thuỷ lợi Đắk N’ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đang có nguy cơ vỡ đập, đe doạ tính mạng, tài sản người dân. Qua kiểm tra đánh giá, hiện tỉnh Đắk Nông có 15 hồ hư hỏng xuống cấp, trong đó đặc biệt lo ngại là hồ thuỷ lợi Đắk N’ting, huyện Đắk Glong và công trình đập Đắk Ké, xã Quảng Trực bị ảnh hưởng, bởi vết nứt gãy đất ở bon Bu Krắk.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, với những điểm sạt trượt, sụt lún, trước hết tỉnh cần tìm được nguyên nhân chuẩn xác. Nếu không tìm được nguyên nhân chuẩn xác thì không xử lý được. Cụ thể, đoàn đã đi kiểm tra đường Hồ Chí Minh qua Gia Nghĩa bị sụt lún nguyên nhân là do nước ngầm, còn công trình thuỷ lợi Đắk N’ting nứt gãy là do sạt trượt. Xác định rõ nguyên nhân như vậy mới có giải pháp phù hợp và hiệu quả. Đặc biệt, công trình thuỷ lợi Đắk N’ting đang xảy ra hiện tượng sạt trượt, nứt gãy, dung tích thiết kế chỉ 1,2 triệu m3 nhưng hiện trong hồ có hơn 2 triệu m3, cần phải tính toán phương án vỡ đập để ứng phó ngay thời điểm này.
Đối với những điểm sạt trượt, sụt lún khác trước hết tỉnh cần tìm được nguyên nhân chuẩn xác. Nếu không tìm được nguyên nhân chuẩn xác thì không xử lý được. Xử lý sạt trượt trước để bảo đảm ổn định, rồi mới tính tới xử lý công trình. Yêu cầu tiên quyết trong xử lý các tình huống này là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân trước.
“Tôi đề nghị trong quy hoạch chung, đặc biệt các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội từ cấp xã lên tỉnh, Đắk Nông phải lưu ý việc phòng chống thiên tai, sạt lở. Tỉnh phải bảo đảm số lượng và chất lượng rừng, tôn trọng dòng chảy tự nhiên, vì đây là một trong những nguyên nhân gây sạt lở” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu.