Xã hội

Đắk Nông: Tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thoát nghèo

Phạm Hoài 26/08/2024 19:32

Trong những năm qua, nhận thấy việc hỗ trợ tiền của, vật chất trực tiếp không giải quyết được vấn đề gốc rể nên lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã cùng với các đơn vị liên quan phối hợp tạo sinh kế bằng cách “cho cần câu thay vì cho con cá” để người dân thuộc vùng đồng bào dân tộc thay đổi tư duy phát triển kinh tế.

1.jpg
Nhiều đổi thay tại các vùng kinh tế mới thuộc huyện Đắk GLong, Đắk Nông

Thay đổi tư duy sản xuất

Huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) có hơn 17.000 hộ, khoảng 66.000 khẩu. Trong đó, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 43,7%. Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ngành ở huyện Tuy Đức đã thực hiện theo phương châm thay vì cho "con cá" thì sẽ trao chiếc "cần câu" cho người dân có sinh kế để thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Điểu Ban, bon Bu N’Drung, xã Đắk Bu So, huyện Tuy Đức đã có những bước tiến thay đổi về kinh tế hết sức rõ nét sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Theo chân anh Điểu Ban đi qua nhiều đoạn đường gập ghềnh rồi vượt qua một con suối nhỏ dẫn đến vườn cà phê, xen sầu riêng với hơn 2 hecta đang cho thu hoạch. Chỉ tay về phía vườn cây, anh Điểu Ban không dấu được sự vui mừng vì cũng chính khu vực này cách đây 4 năm chỉ toàn là cây khoai lang và khoai mì.

“Gia đình tôi thời đó (cách đó 4 năm - PV) chỉ trồng được mấy cây ngắn ngày để có cái ăn, cái mặc tạm bợ thôi. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền hỗ trợ một số cây giống rồi hỗ trợ cho gia đình chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên năm vừa cách đây 1 năm gia đình tôi thu được hơn 5 tấn cà phê. Hiện tại, tôi trồng thêm sầu riêng và mua thêm bò về nuôi. May mắn nên tôi đã trả hết nợ và nếu giá cà phê năm nay giữ được đến mùa 130 ngàn/kg thì tôi sẽ sửa sang nhà cửa và gửi tiết kiệm để con nó đi học”, anh Điểu Ban vui mừng nói.

Tương tự, Chị Y Thị Loan, bon B’Dơng, xã Đắk Som (huyện Đắk Glong) cho biết, thời điểm mới lập gia đình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, chăn nuôi thả rông, trồng trọt với kỹ thuật lạc hậu, hiệu quả kinh tế đạt thấp, quanh năm thiếu ăn. Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, cho vay vốn để phát triển sản xuất, chị Loan đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đến năm 2011 gia đình chị Loan đã thoát nghèo, hiện thu nhập từ 3ha cà-phê, chăn nuôi gà, heo rừng lai mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Loan đã vận động, hướng dẫn cho 10 hộ nghèo về phát triển chăn nuôi gà và chăn nuôi heo rừng; trong đó có bốn hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và sáu hộ là người dân tộc H'Mông ở địa phương. Ngoài ra, chị Loan còn hỗ trợ các hộ khó khăn về kỹ thuật sản xuất cà-phê, kỹ thuật chăn nuôi gà, bán heo rừng giống với giá rẻ hơn thị trường, hỗ trợ phân gà cho một số hộ đầu tư trồng cà-phê… để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

2.jpg
Bà con nông dân phấn khởi vì được mùa phê và niên vụ 2023 được giá nhờ sự hỗ trợ của nhà nước

Hiện thực hoá chính sách

Để cụ thể hóa và bổ sung chính sách giảm nghèo trên địa bàn, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND Quy định một số chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025. Nội dung nghị quyết đã bổ sung các chính sách hỗ trợ về giáo dục và nhà ở cho các hộ nghèo và cận nghèo, nhất là nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ về giáo dục, tỉnh sẽ hỗ trợ 150.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo (từ mẫu giáo đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên) để mua sách vở và đồ dùng học tập. Ngoài ra, học sinh, sinh viên là thành viên của hộ thoát nghèo trong giai đoạn này cũng được hỗ trợ mức 100 nghìn-150 nghìn đồng/người/tháng.

Về nhà ở, tỉnh sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn làm nhà trong giai đoạn 2023-2025. Riêng các gia đình cư trú tại các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc hộ neo đơn, tàn tật, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng. Mới đây, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 với các mục tiêu cụ thể.

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các xã thuộc huyện nghèo đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; thực hiện các chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO