Môi trường

Đắk Nông: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững

Phạm Hoài 31/07/2023 - 10:51

Tỉnh Đắk Nông luôn xác định việc phát triển kinh tế  phải đi đôi  với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cần được nhân rộng, phát huy. Do đó, những năm qua lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo cho các ngành, địa phương cần chú trọng quản lý và giám sát chặt chẻ quá trình hoạt động của một số cơ sở cũng như doanh nghiệp có hoạt động kinh tế liên quan môi trường.

Từ đó, giúp các doanh nghiệp hoạt động đúng quy định và đảm bảo lợi ích phát triển kinh tế hài hoà tạo thêm công ăn việc làm cho người dân để ngày một thoát nghèo ổn định đời sống.

anh-1.png
Hệ thống trang trại nuôi heo ở tỉnh Đắk Nông luôn được quản lý, giám sát chặt chẽ

Ban hành nhiều quyết sách quan trọng

Để thực hiện được điều đó, thời gian qua, tỉnh Đăk Nông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường; ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ, tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, ngày 13/1/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðắk Nông ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2020. Tiếp đến, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, ngày 23/11/2018, về nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường (ÐTM) đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39/2018/QÐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh về quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông; tổ chức tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 13/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðắk Nông về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, các chủ trương, giải pháp được ban hành kịp thời, thực hiện quyết liệt; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú do đó công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn từng bước có hiệu quả. Việc thẩm định Báo cáo ÐTM, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường được nâng cao; công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng nhạy cảm và có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường được thực hiện có hiệu quả; đã kịp thời chấn chỉnh. Thẩm định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với cơ sở khai thác khoáng sản đạt kết quả cao. “Tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác phát triển kinh tế phải bền vững mà muốn làm được điều đó thì công tác quản lý, giám sát, thanh tra là rất quan trọng. Trong đó, yếu tố môi trường luôn đặt lên hàng đầu. Quan điểm là phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường.” Ông Yên khẳng chia sẻ.

Theo đại diện lãnh đạo tại một số địa phương, trong những năm qua các công ty, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như các trang trại chăn nuôi lớn góp phần đóng góp rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế chung của các huyện. Trong đó, giải quyết rất nhiều công việc cho lao động địa phương có công việc ổn định từ đó giúp đời sống của các hộ gia đinh ngày một ổn định hơn.

anh-2.jpg
Hệ thống khu công nghiệp, nhà máy khai thác và chế biến các sản phẩm phục vụ công nghiệp phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường

Mang lợi ích thiết thực đến người dân

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, việc quản lý, giám sát chặt chẽ công tác môi trường trên địa bàn ngoài việc giúp giảm thiểu những nguy cơ ô nhiễm thì người dân cũng là vấn đề mấu chốt. Cụ thể, các đơn vị doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường giúp người dân an tâm sản xuất phát triển kinh tế. Ngoài ra, các công nhân hoạt động ở các hệ thống này đa phần là người dân địa phương nên khi môi trường làm việc được đảm bảo thì chính những người dân tại đây có điều kiện tiếp cận công việc thuận lợi giúp cho năng suất lao động có hiệu quả. Từ đó, đời sống của bản thân cũng như gia đình những người dân ngày một ổn định có điều kiện phát triển tốt về kinh tế.

Điển hình, gia đình anh Nguyễn Xuân Tú – Trú tại xã Nâm Dông, huyện Cư Jút sống và làm việc tại một trại chăn nuôi heo ở gần nhà với quy mô hơn 10 ngàn con. Theo anh Tú, hệ thống trại heo này có mặt ở nhiều tỉnh thành và hoạt động theo tiêu chuẩn cao với các quy định về môi trường hết sức nghiêm ngặt. Trong đó, vấn đề xử lý mùi hôi và khử khuẩn luôn được phía lãnh đạo trang trại quan tâm và yêu cầu công nhân phải chấp hành đúng mọi quy trình. “Tôi làm ở đây cũng yên tâm vì người ta rất coi trọng vấn đề môi trường. Ngoài ra, việc ổn định kinh doanh tạo điều kiện cho tôi có công ăn việc làm đảm bảo nên thu nhập hàng tháng cũng đảm bảo giúp đời sống gia đình ngày một ổn định hơn”. Anh Tú tâm sự.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường giúp người dân ổn định cuộc sống cũng như góp phần giảm nghèo bền vững, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vấn đề bảo vệ môi trường để đồng hành phát triển kinh tế, coi công tác giảm nghèo đa chiều là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của hệ thống chính trị và xã hội, qua đó tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Mục tiêu cụ thể mà tỉnh đề ra trong năm 2023 là phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh hỗ trợ gia đình phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm tốt, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Tăng cường công tác bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO