Xã hội

Đắk Nông: Mô hình tưới nước tiết kiệm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân

Phạm Hoài 04/05/2023 - 15:22

Thời gian qua, trước thực trạng sử dụng và khai thác nguồn nước thiếu bền vững dẫn đến những biểu hiện suy thoái nguồn tài nguyên nước trên địa bàn, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân cho cây cà phê, sầu riêng... không những giúp người dân tiết kiệm được hơn 30% lượng nước, 70% công lao động, mà còn giảm chi phí đầu vào từ 5-7%, từ đó, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể.

anh-1(1).jpg
Cây trồng của người dân phát triển tốt và cho năng suất cao, nhờ sử dụng đúng cách với hệ thống tưới nước tiết kiệm

Người dân phấn khởi

Mô hình tưới nước tiết kiệm có 16 hộ dân tham gia với diện tích hơn 14ha cà phê. Mô hình được đầu tư trên địa bàn các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil, với tổng kinh phí đầu tư 840 triệu đồng từ Chương trình khuyến nông. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ trên 632 triệu đồng, người dân đối ứng gần 62 triệu đồng. Mô hình bắt đầu triển khai từ năm 2020 và đến nay được đánh giá đạt hiệu quả.

Cũng như nhiều gia đình khác, ông Phạm Thế Vinh (thôn Quảng Chánh, huyện Đắk R Lấp), có 3ha cây cà phê trồng xen với một số cây ăn trái, từ ngày được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giúp ông giảm rất nhiều khoản chi phí mà hiệu quả lại cao. Theo ông Vinh, các đây 2 năm, gia đình tôi được Nhà nước hỗ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm đã giúp tôi đỡ rất nhiều khoản chi phí mà cây trồng lại phát triển ổn định và cho nguồn thu tốt. “Qua hai năm thực hiện mô hình gia đình tôi tiết kiệm được trung bình mỗi năm khoảng 35-45 triệu đồng”, ông Vinh chia sẻ.

Theo một số người dân đang sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, ngoài việc giúp tiết kiệm các khoản về nước và chi phí thì hệ thống này còn dùng để bón phân cho vườn cây vào mùa mưa giúp giảm được chi phí nhân công. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp chống côn trùng có hại trong vườn. Lượng nước, phân bón, tiền điện và công tưới đều giảm. Vườn cây hấp thụ tốt hơn nhờ hệ thống tưới được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu về nước, phân bón theo từng thời điểm của cây. Sau 2 năm triển khai, đến nay, nhiều hộ dân trồng cây cà phê, sầu riêng, chanh dây ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã áp dụng mô hình hình này vào chăm sóc cây trồng.

Theo ông Phạm Tấn Minh, Cán bộ Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, từ kết quả đối chứng, mô hình tưới tiết kiệm nước đã khẳng định được tính hiệu quả. Việc áp dụng mô hình tưới tiên tiến này có thể tiết kiệm được hơn 30% lượng nước, 70% công lao động, tiết kiệm chi phí đầu vào từ 5-7% so với cách làm truyền thống của người dân trước đây. Với mô hình này, tỷ lệ vườn cây sinh trưởng, phát triển đồng đều đạt trên 90%, năng suất không giảm so với vườn đối chứng, từ đó giúp người dân địa phương cải thiện đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

anh-2.png
Mô hình tưới nước tiết kiệm đang được nhiều người dân địa phương áp dụng, từ đó góp phần manh lại hiệu quả kinh tế

Tiếp tục hỗ trợ

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, khi áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, kết hợp tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%; giảm chi phí nhân công chăm sóc, tăng thu nhập cho nông hộ từ 20-40%. Trong đó, nhiều vườn sầu riêng của người dân tăng năng suất 170%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%. Hiện tại, toàn tỉnh đang có khoảng 180.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong đó, cây cà phê 130.000 ha, hồ tiêu 36.000 ha, cây ăn quả hơn 12.000 ha… Nhu cầu nước tưới hàng năm trền địa bàn vào khoảng trên 500 triệu m3 nước.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Đăk Nông, để khuyến khích, nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm, phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, các ngành chuyên môn và các địa phương cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là hỗ trợ một phần về đầu tư trang thiết bị, vay vốn với lãi suất thấp để người dân có điều kiện ứng dụng công nghệ tưới này.

Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cũng cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tưới nước phù hợp với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của từng tiểu vùng. Việc ứng dụng cần có sự tích hợp công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước để người dân giảm chi phí đầu tư. Có như vậy, việc thực hiện kế hoạch tăng thêm 5.000 ha áp dụng tưới tiết kiệm trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Đắk Nông mới có thể trở thành hiện thực.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết: Tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực áp dụng công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, nghiên cứu quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho các cây trồng cạn chủ lực, có lợi thế, có thị trường theo vùng, miền; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, ứng dụng công nghệ vật liệu, kết cấu mới phù hợp để trữ nước tại chỗ, khai thác, sử dụng nước từ các công trình thủy lợi hiện có; nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước sau công trình thủy lợi, thủy điện kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho vùng đồi núi, đất dốc…, nhằm giúp người dân tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Mô hình tưới nước tiết kiệm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO