Đất đai

Đắk Nông: Khai thác tiềm năng đất nông nghiệp để giảm nghèo

Phạm Hoài 31/07/2023 - 10:48

(TN&MT), Đắk Nông là một trong năm tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên với quỹ đất nông nghiệp hết sức màu mỡ thuận tiện cho phát triển các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, cao su…giúp người dân phát triển kinh tế ổn định đời sống. Xác định được điều đó, những năm qua UBND tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch nhằm đẩy mạnh năng suất cây trồng trên diện tích đất nông nghiệp giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.

anh-1.jpg
Quỹ đất nông nghiệp của tỉnh hết sức phì nhiều và màu mỡ phù hợp cho các loại cây trồng phát triển tốt

Nâng cao giá trị đất nông nghiệp

Tỉnh Đắk Nông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000 ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Tỉnh có trên 130 loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Trồng trọt chiếm tỉ trọng chủ yếu trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt trên 86.000 ha, cây lâu năm khoảng 235.000 ha. Đắk Nông ở vị trí cửa ngõ phía Nam vùng Tây Nguyên, cách TP. Hồ Chí Minh 230 km, cách TP. Buôn Ma Thuột 120 km, cách Đà Lạt 180 km và Phan Thiết 230 km...

Đây là một trong những yếu tố rất thuận lợi để Đắk Nông kết nối thị trường, giao thương hàng hóa với các khu vực kinh tế quan trọng khác. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, với lợi thế nông nghiệp và điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước giúp cho các loại cây trồng luôn phát triển tốt và mang lại năng suất cao. Cụ thể, ngoài những loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu…trung bình 1ha đạt từ 3 – 4 tấn thì một số cây khác như vải, ca cao hay mắc ca khi người dân trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và cây khá phù hợp với vùng đất đỏ bazan.

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông, tăng trưởng khu vực nông nghiệp tỉnh Đắk Nông những năm qua luôn ở mức khá, bình quân đạt 4,6%/năm, chiếm tỷ trọng 37% cơ cấu nền kinh tế. Địa phương đã định hình, phát triển được 23 sản phẩm chủ lực; công nhận 52 sản phẩm OCOP, 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 2.400ha; có trên 26 nghìn ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận.

Để đạt được mục tiêu đưa Đắk Nông “trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND, ngày 11/4/2023 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Tỉnh quyết tâm thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án thành phần về giảm nghèo.

Trong đó, nổi bật như Tiểu dự án 1 về Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Dự án đa dạng hoá sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cải thiện dinh dưỡng; Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…Ngoài ra, tập trung khai thác hiệu qủa quỹ đất nông nghiệp giúp người dân có điều kiện canh tác các loại cây trồng phù hợp giúp giảm nghèo.

anh-2-1-.jpg
Nhiều loại sản phẩm xuất xứ từ nông nghiệp được sản xuất và xuất khẩu đi các nước mang lại hiệu quả kinh tế cao như hạt Mác ca.

Hiện thực hoá bằng những chính sách

Để sản xuất nông nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững, Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 693/KH-UBND, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025, với mục tiêu chiến lược là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh nông sản gắn với chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người nông dân; hướng đến nền nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Theo đó, tỉnh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 5,6%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng; công nhận mới thêm khoảng 30 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt trên 80 sản phẩm, trong đó có ít nhất 10% sản phẩm đạt 4-5 sao; có ít nhất 45% Hợp tác xã nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt trên 45%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm và có ít nhất 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo kế hoạch, mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Đắk Nông rà soát, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên lợi thế sẵn có của địa phương. Tỉnh sẽ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo các quy trình tiên tiến, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Địa phương sẽ nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất, ứng dụng công nghệ cao dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 20% trở lên.

Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 10% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh phấn đấu phát triển các chuỗi liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân. Cùng với phát triển nông nghiệp, quá trình phát triển kinh tế rừng bền vững thông qua trồng cây đa mục đích, cây phân tán, dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái… sẽ được tỉnh đẩy mạnh. Đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Đắk Nông thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, hữu cơ… ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Khai thác tiềm năng đất nông nghiệp để giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO