Đất đai

Đắk Nông: Giải quyết đất ở, đất sản xuất đồng bào dân tộc

Phạm Hoài 05/09/2023 - 20:28

Trong những năm qua, công tác cấp đất ở, đất sản xuất cho người đông bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 luôn được tỉnh quan tâm và chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp một số vướng mắc cần sớm có những biện pháp tháo gỡ nhằm giúp đời sống của người DTTS ngày một ổn định.

333.jpg
Chính sách cấp đất ở, đất sản xuất kịp thời đã giúp người dân thay đổi đời sống

Gỡ vướng nguồn đất

Theo Ban dân tộc tỉnh Đắk Nông, chương trình chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể. Trong đó, Dự án 1 có nội dung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Dự án hướng tới bảo đảm hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại thôn, xã đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Trong đó, phấn đấu đạt 90% hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại thôn, xã đặc biệt khó khăn làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất được giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề…

Cụ thể, trong năm 2022, huyện Đắk Glong được giao hơn 5,9 tỷ đồng thực hiện Dự án 1. Địa phương rà soát và phê duyệt hỗ trợ đất ở cho 32/40 hộ; nhà ở 37/50 hộ; 2/63 hộ được hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất; 45 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp... Tuy nhiên, theo UBND Đắk Glong, địa phương không có quỹ đất công nên việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất trên địa bàn chủ yếu thực hiện bố trí xen ghép cho các đối tượng thụ hưởng nên gặp nhiều khó khăn.Tương tự, năm 2022, huyện Tuy Đức đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở là 49 hộ; đất ở 40 hộ; đất sản xuất 62 hộ; chuyển đổi nghề 40 hộ;... Đến thời điểm hiện nay, huyện đã triển khai xây dựng xong 29/49 căn nhà ở. UBND huyện Tuy Đức cũng đang gặp khó khi một số xã không còn quỹ đất để cấp cho các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất.

Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, toàn tỉnh hiện có 3.958 hộ còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Trong đó, có 1.760 hộ thiếu đất ở và 2.198 hộ thiếu đất sản xuất. So với năm 2020, số hộ thiếu đất ở giảm 521 hộ và đất sản xuất giảm 1.573 hộ. Trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp một số khó khăn vướng mắc như: qũy đất thực hiện hỗ trợ của các địa phương ngày càng hạn chế; định mức kinh phí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn thấp; tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn tỉnh còn nhiều; công tác quy hoạch, quản lý đất đai nói chung còn bất cập. Mặc dù đồng bào DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất nhưng nhiều hộ lại sinh sống trên đất lâm nghiệp nên không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai để thực hiện các chính sách hỗ trợ. Mặt khác, một số chính sách sau khi được triển khai thực hiện chưa bố trí đủ và kịp thời nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị, các địa phương tiến hành rà soát các loại đất để cấp, hỗ trợ cho các đối tượng trong dự án. Có thể tính đến phương án thu hồi những diện tích đất bị lấn chiếm, đất giao cho doanh nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc xảy ra sai phạm để chuyển đổi cấp cho người dân. Quá trình triển khai thực hiện, các địa phương và sở, ngành liên quan nên linh động, không cứng nhắc, tích cực giải quyết tháo gỡ vướng mắc để làm cho được, tạo điều kiện để người dân hưởng lợi cao nhất...

anh-222.jpg
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thay da đổi thịt nhờ chính sách hỗ trợ đất, nhà ở cho bà con dân tộc thiểu số

Linh hoạt trong chính sách giúp dân

Theo lãnh đạo Ban dân tộc tỉnh Đắk Nông, Theo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở và đất sản xuất với tổng số 5.133 hộ; trong đó, hỗ trợ đất ở cho 2.338 hộ và hỗ trợ đất sản xuất cho 2.795 hộ. Tuy Đức là huyện thực hiện chương trình hỗ trợ đất cho đồng bào DTTS nhiều nhất tỉnh với 707 hộ được hỗ trợ đất ở, và 613 hộ được hỗ trợ đất sản xuất.

Qua đánh giá, hầu như tất cả số hộ đồng bào DTTS đã rất vui mừng vì được cấp đất ở và đất sản xuất. Phần lớn số hộ đã sử dụng tốt, hiệu quả diện tích đất được cấp, nhất là đất sản xuất. Chỉ có 141 hộ đã chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất, chiếm 2,75% tổng số hộ đã được hỗ trợ. Trong đó, đất ở có 28 hộ, đất sản xuất có 113 hộ. Nguyên nhân là do khó khăn về điều kiện kinh tế hoặc đất sản xuất được cấp không gần nơi ở... nên đã chuyển nhượng. Toàn tỉnh có 16 hộ không sử dụng đất được cấp, chiếm 0,31% tổng số hộ đã được hỗ trợ. Trong đó, đất ở có 3 hộ, đất sản xuất có 13 hộ. Nguyên nhân không sử dụng là do đất ở, đất sản xuất được hỗ trợ xa khu dân cư, đất đai không thuận lợi cho phát triển sản xuất.

Để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp như: Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quỵ hoạch bố trí dân cư, quy hoạch nông thôn mới... làm cơ sở cho việc cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững được chú trọng thực hiện; nâng cao tỉ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng tốt đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Qua đó, giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân; gắn với việc giao khoán, quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo điều kiện cho người dân có công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Giải quyết đất ở, đất sản xuất đồng bào dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO