Thiếu đất để trồng rừng
Theo tìm hiểu, tại một số huyện trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông, thời gian vừa qua các công ty lâm nghiệp bàn giao về địa phương nhiều diện tích đất để quản lý, bảo vệ và phát triển thêm diện tích rừng. Tuy nhiên, đa phần những diện tích này đều bị xâm chiếm từ trước nên rất khó để trồng và phát triển rừng. Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo một số địa phương cho hay: “Nói thì nghe nghịch lý nhưng quả thực quỹ đất để trồng rừng trong thời điểm hiện tại đang thiếu”.
Điển hình, như ở huyện Đắk Song, được UBND tỉnh Đắk Nông bàn giao về trên 12.000 ha đất rừng từ các công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Trong đó, có hơn 6.000 ha đất không có rừng nhưng đa phần đã bị người dân xâm chiếm trồng cây công nghiệp nên việc trồng rừng gần như không thể. Ngoài ra, do những diện tích này bị xâm chiếm từ lâu nên khi áp dụng các biện pháp mạnh như cưỡng chế để thu hồi đất trồng mới thì thường bị các đối tượng nhổ phá nên khó phát triển.
Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm có hằng trăm ha rừng bị chặt phá trái phép cần đưa vào trồng thay thế. Cụ thể, theo số liệu thống kê của các ngành chức năng tỉnh Đăk Nông, trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng phát hiện và lập hồ sơ xử lý hơn 800 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, diện tích rừng bị thiệt hại trên 400 ha.
Thiếu kinh phí hỗ trợ
Theo Quyết định số 1474 ngày 8/9/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng có tổng diện tích hơn 296.439 ha, trong đó đất có rừng 231.165 ha và đất chưa có rừng 65.273 ha. Diện tích đất chưa có rừng gồm: rừng phòng hộ 11.335 ha, rừng đặc dụng 4.475 ha và rừng sản xuất là 49.462 ha.
Theo số liệu này, để phát triển bền vững và tăng độ che phủ cưa rừng thì các đơn vị chủ rừng và địa phương của tỉnh Đắk Nông phải tăng cường phát triển các loại rừng trên 65.273 ha đất. Tuy nhiên, ngoài vấn đề quỹ đất thiều thì kinh phí hỗ trợ trồng rừng thấp đang là một bài toán rất khó đến nay vẫn chưa có lời giải.
Qua tìm hiểu, năm 2017 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo Bộ NN&PTNT bố trí khoảng 10 tỷ đồng vốn để triển khai công tác trồng rừng năm 2017 tại Báo cáo số 231/BC-UBND ngày 4/5/2017 của UBND tỉnh nhưng đến nay tỉnh Đắk Nông vẫn chưa được bố trí nguồn vốn này.
Về nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng năm 2018, theo Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc giao kế hoạch trồng rừng tập trung và trồng rừng thay thế năm 2018 đợt 1 thì diện tích trồng rừng thực hiện chính sách theo Quyết định 38/2005/QĐ-BNN ngày 6/7/2005 của Bộ NN&PTNT là khoảng 1.100 ha. Để trồng được diện tích này, tỉnh cần kinh phí khoảng 8 tỷ đồng, trong khi đó, tỉnh mới bố trí 4 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương vào tháng 01/2018.
Gặp khó khăn, vướng mắc
Theo quy định chung, tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì loại đất đưa vào trồng rừng sản xuất, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ phải trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc. Đất cũng được quy hoạch là rừng sản xuất, được cấp có thẩm quyền giao hoặc cho thuê và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp.
Chiếu theo quy định này, thì diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển rừng thuộc các chủ rừng mà không bị lấn chiếm, sử dụng trái phép chiếm tỷ lệ nhỏ, diện tích đất chưa có rừng lớn, được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phần lớn đang bị người dân lấn chiếm sử dụng trồng cây dài ngày, ngắn ngày chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn lại là diện tích đất trống có khả năng thực hiện trồng rừng nhưng lại nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo một số địa phương của tỉnh Đắk Nông cho biết: Những năm vừa qua, trên địa bàn, đã trồng được khá nhiều rừng, đa phần được người dân tự trồng và kinh phí cũng tự túc do không năm trong quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp. Cụ thể, như trong năm 2017 các hộ dân trên địa bàn huyện Đắk G’Long cũng đã trồng được gần 180 ha rừng, chủ yếu ở xã Đắk R’măng, đa phần diện tích được trồng nằm ở những vùng đất trống, đồi trọc.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cùng ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn để tìm cách tháo gỡ về công tác trồng rừng. Trước mắt, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các Sở ngành liên quan như: Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quy hoạch sử dụng 3 loại rừng, đưa ra số liệu chính xác làm căn cứ để xây dựng phương án quản lý, sử dụng, trồng rừng.
Đồng thời, kiến nghị lên Trung ương tạo điều kiện, cho cơ chế đặc thù đối với tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác trồng rừng cũng như phát triển lâm nghiệp bền vững. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông mong muốn được hỗ trợ đầu tư trồng rừng, thuộc diện tích đất trống ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng theo hình thức trồng cây phân tán trên đơn vị diện tích ha hoặc số lượng cây trồng…