Đắk Nông: Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên

Phạm Hoài | 16/04/2021 13:29

(TN&MT) -​​​​​​​ Trong những năm qua, đã có hàng ngàn ha rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị phá, lấn chiếm để làm đất sản xuất. Trước thực trạng này, tỉnh Đắk Nông đang tích cực chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng các địa phương tăng cường công tác bảo vệ, giám sát, đồng thời cùng tìm các phương án để hạn chế tối đa việc xâm hại rừng tự nhiên.

Nhiều diện tích rừng sản xuất bị lấn chiếm để làm nương rẫy

Phá rừng lấy đất sản xuất

Theo số liệu cung cấp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông, trong năm 2020, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ xử lý 792 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Cụ thể, phá rừng trái pháp luật 425 vụ, thiệt hại 109ha rừng; lấn chiếm đất rừng 4 vụ, thiệt hại 0,8ha; khai thác rừng trái phép 77 vụ, với khối lượng gỗ 245m3.

Trong đó, các đơn vị chức năng đã xử phạt hành chính 747 vụ, xử lý hình sự 10 vụ, chuyển hồ sơ 4 vụ để cơ quan Công an tiếp tục điều tra. Phá rừng trái phép chủ yếu xảy ra tại các huyện Đắk Glong 257 vụ (thiệt hại 74ha rừng), Đắk Song xảy ra 125 vụ (thiệt hại 26ha rừng), Tuy Đức 29 vụ (thiệt hại 4,2ha rừng), Gia Nghĩa 8 vụ (thiệt hại 2,4ha rừng)…

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Nông, nguyên nhân phá rừng được các cơ quan chức năng xác định do người dân phá rừng để lấy đất sản xuất; một số đơn vị chủ rừng chưa tích cực trong công tác tuần tra, kiểm tra; rừng tự nhiên manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, nằm liền kề hoặc xen kẽ đất canh tác của người dân, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết, hiện nay, rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm chủ yếu để lấy đất canh tác. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua, nhưng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Nhiều cây rừng bị đốn hạ để chiếm đất sản xuất

Quyết tâm đẩy lùi tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, hiện nay, vai trò, trách nhiệm của các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng và lực lượng Kiểm lâm đã được nâng lên đáng kể. Các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm tra, quản lý đã ngăn chặn, phát hiện kịp thời phần lớn các vụ phá rừng. Do đó, tình trạng phá rừng, diện tích rừng thiệt hại đã giảm nhiều so với trước đây.

Năm 2021, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 38,15%. Để đạt mục tiêu này, các đơn vị chức năng phải tổ chức thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, tiếp tục sắp xếp, chuyển đổi các công ty lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động. Ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế, xã hội, ổn định dân cư; đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và thực hiện các phương án quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

Trước mắt, ngành Nông nghiệp xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp đẩy lùi tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để phấn đấu giảm 50% số vụ vi phạm lâm luật và 50% diện tích rừng thiệt hại so với năm 2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Nông đề ra.

“Ngành Lâm nghiệp với vai trò quản lý Nhà nước sẽ tăng cường lực lượng Kiểm lâm và đưa ra các giải pháp huy động sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Ngành Lâm nghiệp cũng đặc biệt quan tâm và tập trung lực lượng ở các địa phương, vùng có điểm nóng để từng bước giải quyết tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên” - ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO