Đắk Nông: Cảnh báo vấn nạn làm “sổ đỏ giả” để trục lợi

15/08/2019 20:54

(TN&MT) - Trong mấy tháng trở lại đây, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) bị các đối tượng làm giả nhằm mục đích thế chấp ngân hàng để vay vốn hoặc đi cầm cố. Điều đáng nói, ngoài những trường hợp các đối tượng là “kẻ ngoại đạo” còn xuất hiện trường hợp là cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) của huyện cũng cố tình làm “sổ đỏ giả” để lừa đảo.

so1
Thông báo của Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông về việc nhận diện “sổ đỏ giả”

Liên tiếp phát hiện “sổ đỏ giả”

Qua số liệu thống kê từ Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Đắk Nông (Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông), tính đến thời điểm này đã có 4/8 huyện thị của tỉnh Đắk Nông phát hiện 8 trường hợp làm “sổ đỏ giả”. Đa phần các trường hợp này đều do người dân phát hiện rồi trình báo cơ quan Công an hoặc trong quá trình làm thủ tục đăng ký, cán bộ của các Văn phòng ĐKĐĐ đã phát hiện và báo cáo để xử lý.

Theo ông Lê Duy Tú, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Đắk Nông, tình trạng làm “sổ đỏ giả” diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn và đang có chiều hướng gia tăng. Ngoài những trường hợp đã phát hiện thì thực tế “sổ đỏ giả” bên ngoài có thể còn nhiều hơn. Tính đến thời điểm này, các trường hợp làm “sổ đỏ giả” đã nhanh chóng bị người dân và cơ quan chức năng phát hiện nên chưa để lại hậu quả nghiêm trọng.

“Mục đích chính của các đối tượng thực hiện hành vi làm “sổ đỏ giả” là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các cá nhân, hộ gia đình để thế chấp, cầm cố hoặc hơn nữa là dùng để thế chấp ngân hàng… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, ông Lê Duy Tú chia sẻ thêm.

Theo đánh giá của một cán bộ Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông), các “sổ đỏ giả” đều được làm rất tinh vi, khó phát hiện bằng mắt thường. Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ phải xác minh, kiểm tra lại hồ sơ địa chính, chữ ký, con dấu… mới có thể kết luận được “sổ đỏ giả”.

so2
“Sổ đỏ giả” có màu sắc không sáng bằng sổ thật và các hoạ tiết mờ hơn

Cần cẩn trọng “cao độ” khi giao dịch hoặc cầm cố sổ đỏ

Trước tình trạng “sổ đỏ giả” xuất hiện ngày càng nhiều, ngày 14/6/2019, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đã ban hành Thông báo số 75 về việc nhận diện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Theo đó, sổ đỏ giả có kích cỡ, màu sắc, họa tiết tương đối giống sổ đỏ thật. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì có thể thấy sổ đỏ giả có một số đặc điểm khác với sổ thật như: Mỏng hơn; màu sắc không sáng bằng; họa tiết in không sắc nét... Ngoài ra, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cũng cần lưu ý những đặc điểm về chữ ký, tên người ký, chức vụ người ký… được ghi trong sổ đỏ để phân biệt thật hoặc giả.

Trao đổi thêm về vấn đề nay, ông Lê Duy Tú cho biết, thời gian gần đây, việc giao dịch quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Do đó, các cơ quan, đơn vị, cá nhân và hộ gia đình nên cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực đất đai. “Nếu phát hiện sổ đỏ giả, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần lập tức báo cho cơ quan Công an, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ nơi gần nhất hoặc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh để các đơn vị phối hợp kiểm tra, xử lý”, ông Tú khuyến cáo.

Cũng theo ông Lê Duy Tú, riêng đối với các đơn vị công chứng, tổ chức tín dụng, ngân hàng… khi thực hiện các giao dịch có liên quan đến quyền sử dụng đất cần liên hệ với Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh hoặc các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ để được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác. Người dân cần thực hiện các giao dịch quyền sử dụng đất theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, đề cao cảnh giác để tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vấn nạn làm “sổ đỏ giả”, mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Cù Văn Soạn, cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đắk Song để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015. Theo điều tra ban đầu, từ năm 2017 đến nay, Cù Văn Soạn đã làm giả nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân tại huyện Đắk Song để thế chấp vay tiền các ngân hàng. Cù Văn Soạn thương lượng với một số hộ dân để họ cung cấp thông tin cá nhân rồi khai thác thông tin về thửa đất trên bản đồ địa chính của huyện, làm giả chữ ký của một số cán bộ Phòng TN&MT, lãnh đạo UBND huyện Đắk Song. Sau đó, Cù Văn Soạn và các đối tượng liên quan mang các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này đi thế chấp một số ngân hàng tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và vay tổng cộng số tiền hơn 11 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Cảnh báo vấn nạn làm “sổ đỏ giả” để trục lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO