Xã hội

Đắk Lắk: Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Phạm Hoài 21/04/2023 - 14:48

Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, được sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của tỉnh Đắk Lắk, nhiều hộ dân đã chuyển đổi nhiều cây trồng hoặc xen canh vào một số cây trồng khác nhằm tăng năng suất, góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Từng bước chuyển đổi

Đắk Lắk là một trong năm tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có sản lượng cà phê lớn và được mệnh danh là thủ phủ cà phê của cả nước. Hiện tại, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của người dân trên nhiều địa phương của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ các đợt hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới nên nhiều diện tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của địa phương, nhiều hộ dân đã bắt đầu nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm để phát triển các loại cây trồng vừa đảm bảo cho năng suất cao vừa thích ứng với điều kiện thời tiết cực đoan của BĐKH.

a1.-dak-lak.jpg
Vườn cà phê trồng xen sầu riêng giúp người dân tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo

Anh Nông Văn Thu (xã Ea Tar, huyện Cư M’Gar) cho biết: “Gần đây, tình hình thời tiết thay đổi thất thường nên gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đã nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm ở một số địa phương khác về việc chuyển đổi cây trồng cũng như cách canh tác cây phà phê sao cho hiệu quả trước những thay đổi thời tiết theo hướng cực đoan của BĐKH. “Gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 1,5ha đất ở khu vực thiếu nước tưới sang trồng cây điều, diện tích còn lại, gia đình tôi trồng xen thêm hồ tiêu. Đến nay, vườn điều của gia tôi không cần phải tưới nhưng thu nhập cũng được gần 100 triệu đồng/năm. Phần diện tích còn lại, tôi đã tận dụng xen canh nên mỗi năm gia đình tôi thu thêm gần 200 triệu đồng”, anh Thu chia sẻ.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Cư M’Gar, do tác động ngày một lớn từ BĐKH, thời tiết cực đoan, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như gia đình anh Thu đang được địa phương nhân rộng và người dân hưởng lợi khá lớn. Hiện tại, nhiều hộ gia đình nhờ vào việc chuyển đổi cây trồng nên nhiều vùng trước đây thiếu nước tưới thì nay trồng một số loại cây như: điều, cây lấy gỗ như keo, tràm…chịu được hạn hán, từ đó, thu nhập của người dân địa phương cũng dần được tăng lên đáng kể.

Nâng cao hiệu quả

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, để duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh rủi ro khí hậu ngày càng gia tăng, ngoài mô hình nông nghiệp tích hợp công nghệ thông minh còn có các mô hình liên quan đến quản lý tài nguyên nước và tưới tiêu thông minh được áp dụng trong hầu hết các hệ thống sản xuất cây trồng ở Đắk Lắk như cà phê, tiêu, cây ăn quả... Bên cạnh đó, địa phương còn áp dụng các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện hạn hán; phát triển hệ thống nông lâm kết hợp; áp dụng trồng xen canh trong sản xuất cà phê... cũng giúp điều hòa nhiệt hoặc trồng cây che phủ đất để giữ ẩm cho đất. Điều này cũng giúp người dân đa dạng hóa thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và khả năng thích ứng với BĐKH.

a2.-dal-lak.jpg
Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ biết cách xen canh cây trồng thích ứng với đổi khí hậu

Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây hàng hóa lâu năm như bơ, sầu riêng, tiêu, mít. Thực tế, qua các vườn cà phê trồng xen các loại cây hàng hóa lâu năm tại các nông hộ ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk, Cư Kuin không những có tác dụng tăng thêm thu nhập từ 20 đến 50% so với trồng thuần cà phê, mà còn có tác dụng cải thiện điều kiện khí hậu trong vườn cây, nâng cao độ phì nhiêu của đất, hạn chế tình trạng xói mòn, rửa trôi, hàm lượng chất hữu cơ trong đất tăng thêm từ 24-26%.

Đối với diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, sâu bệnh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém, ngoài việc thực hiện đúng theo quy trình tái canh của Bộ NN&PTNT ban hành, tỉnh Đắk Lắk còn chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp trồng ngay các loại cây đai rừng chính và đai rừng phụ, cây che bóng, cây trồng xen trong các vườn cà phê mới trồng tái canh. Còn đối với cà phê đã trồng tái canh thì trồng xen với mật độ từ 160-280 cây tiêu leo lên trụ sống hay 370 cây tiêu leo lên trụ chết hoặc trồng xen sầu riêng, bơ với mật độ 90 cây/ha...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO