(TN&MT) - Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang bước vào cao điểm mùa khô, các dòng suối có nguy cơ khô cạn, độ ẩm ở các cánh rừng giảm mạnh đang là nguy cơ cao về cháy rừng ở mức cảnh báo từ cấp 3 đến cấp 5 cực kỳ nguy hiểm. Đây là thời điểm hết sức khó khăn đối với công tác quản lý bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Chỉ một ngọn lửa nhỏ vô tình hay cố ý đốt trong rừng có thể trở thành vụ cháy rừng trên diện rộng.
Thông tin từ Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thì hiện toàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 720.000 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 526.000 ha, độ che phủ rừng đạt hơn 39,3% (tính cả cây cao su). Đối với mùa khô năm nay, toàn tỉnh có hơn 220.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao, chiếm khoảng 42% tổng diện tích rừng toàn tỉnh.
Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện MĐ’rắk, Lắk, Ea H’Leo, Krông Bông, Krông Năng, Ea Kar, Ea Súp … Sau khi tiến hành kiểm tra xác định các khu vực rừng dễ bị cháy, tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ các lực lượng triển khai công tác phòng, chống cháy rừng và xây dựng phương án, xử lý tình huống nếu xảy ra cháy. Theo đó, các phương án phòng chống cháy rừng được thực hiện cụ thể như: tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm của chủ rừng trong phòng chống cháy rừng vào mùa khô. Trong đó, việc tổ chức lực lượng phân công trực để theo dõi, phát hiện để xử lý khi có cháy rừng là khâu then chốt để kịp thời xử lý khi cháy xảy ra không để lửa cháy lan trên diện rộng.
Để công tác phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả cao, Đắk Lắk đã thành lập các ban chỉ đạo thường trực từ cơ sở đến cấp tỉnh để khi có cháy rừng xảy ra có thể huy động lực lượng ứng cứu kịp thời giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra./.