Một phần của hệ thống kênh tả, đoạn chảy qua địa phận xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. |
Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm (Điện Biên) nhiều năm nay, đóng vai trò quan trọng trọng việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp... Nhờ vậy, tài nguyên đất, tài nguyên nước tại khu vực lòng chảo Điện Biên được người dân sử dụng có hiệu quả.
Trong lịch sử, Đại thủy nông Nậm Rốm được xây dựng trong sự nỗ lực vượt khó cả về nhân lực, vật lực của thế hệ chiến sỹ Điện Biên. Để công trình hoàn thành, gánh vác sứ mệnh quan trọng như hiện nay, hơn 2.000 thanh niên xung phong thời bấy giờ đã phải đánh đổi bằng mồ hôi và cả xương máu. Sau 9 năm ròng rã xây dựng với bao gian khó (từ năm1963 – 1969), công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với trọng trách cao cả; dẫn nước tưới cho cánh đồng Mường Thanh tốt tươi 2 vựa lúa. Từ đó đến nay, công trình luôn khẳng định là mạch sống không thể thiếu cho sản xuất nông nghiệp của vùng lòng chảo Điện Biên.
Là công trình lớn thứ 2 sau Công trình Thủy lợi Bắc – Hưng - Hà vùng Đồng bằng Bắc bộ, Đại thủy nông Nậm Rốm có đập đầu mối xây bằng đá bọc bê tông dài 60m, hệ thống kênh chính dài hơn 820m. Hệ thống kênh cấp 1 chia làm 2 tuyến kênh Tả - Hữu, chạy thành hình vòng cung, ôm trọn lấy cánh đồng Mường Thanh. Có người ví, công trình như vòng tay người mẹ ôm trọn và nuôi dưỡng đứa con. Ngoài ra, công trình còn có hàng trăm tuyến kênh phụ cấp 3 chạy dọc khắp cánh đồng, đảm bảo cung ứng nước tưới cho hơn 3.700ha đất canh tác 2 vụ chiêm xuân, vụ mùa và gần 420ha rau màu các loại. Đến năm 2003, toàn bô hệ thông kênh mương đã được bê tông hóa và hoàn thiện kiên cố.
Trước đây, khi chưa có Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, khu vực lòng chảo Điện Biên chỉ có thể canh tác khoảng 200 – 300ha lúa 1 vụ, năng suất đạt 5 tạ/ha. Lương thực không đủ phục vụ nhân dân, phải trông chờ hoàn toàn vào trợ cấp của Trung ương. Từ khi có công trình, diện tích canh tác của cánh đồng Mường Thanh được mở rộng từ 2.000ha lên 6.000ha. Trung bình 1 ngày, hệ thống kênh cung cấp 400.000m³ nước cho cánh đồng Mường Thanh. Vào vụ gieo trồng, các kênh được mở liên tục đảm bảo nước cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại, nông dân Điện Biên đã thâm canh được ba vụ (hai vụ lúa, một vụ rau), có những diện tích năng suất đạt 10 – 12 tấn/ha, chiếm gần 40% tổng sản lượng lúa gạo toàn tỉnh. Diện tích đất khai hoang và mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng không ngừng gia tăng.
Từ chỗ thiếu lương thực đến nay, Điện Biên đã đảm bảo an ninh lương thực cho toàn vùng và xuất khẩu một phần sang tỉnh khác; Đồng thời, chất lượng gạo ngày càng được nâng cao. Thương hiệu gạo Điện Biên vì thế mà cũng nức tiếng gần xa.
Noong Hẹt là một trong những xã thuộc phía kênh tả, được hưởng lợi từ công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Ông Trần Công Kha, chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, cho biết: toàn xã có 331ha lúa 2 vụ, vào thời điểm lấy nước phục vụ sản xuất, kênh cấp 1 luôn đưa nước về ruộng kịp thời, đảm bảo cho lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất trung bình của xã đạt 8 - 10 tạ/ha, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo của xã. Cũng chính nhờ công trình Đại thuỷ nông Nậm Rốm mà nguồn tài nguyên nước, tài nguyên đất khu vực lòng chảo Điện Biên được người dân khai thác, sử dụng có hiệu quả. Rộng khắp cánh đồng Mường Thanh ở đâu cũng xanh tốt, không có diện tích đất trống, đất để cỏ mọc, hoang hoá. Đó là những gì mà Đại thuỷ nông Nậm Rốm mang lại cho đồng bào các dân tộc Điện Biên.
Có thể thấy, công trình đại thủy nông Nậm Rốm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, hệ thống kênh nội đồng dẫn nước vào ruộng đang có dấu hiệu xuống cấp, do quá trình sử dụng chịu ảnh hưởng một phần của lũ bão thiên tai; phần khác do ý thức của người dân chưa cao, tự ý đục khoét, cắt xẻ lòng kênh. Nguyên nhân khác, do con người tự ý xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, ứ đọng, ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy...
Đã gần 50 năm trôi qua, vai trò to lớn của công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đối với nông nghiệp khu vực lòng chảo Điện Biên, không thể phủ nhận. Nhưng để gìn giữ và phát huy hiệu quả công trình lại phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người đang sử dụng hôm nay. Thiết nghĩ, song song với việc khai thác sử dụng, các cấp chính quyền và người dân cần chung tay bảo vệ, sử dụng hiệu quả hơn nữa để công trình Đại thủy nông Nậm Rốm phát huy vai trò “chia nước” đi các ngả, để tài nguyên đất, tài nguyên nước của cánh đồng Mường Thanh luôn mang lại đời sống no ấm cho người dân ở nơi này.
Bài và ảnh: Nam Hương