Thượng vàng, hạ cám
Một nghiên cứu của Tổ chức Save the Elephants năm 2016 nêu rõ, trong 49 cửa hàng khảo sát tại Buôn Ma Thuột có tới 24 cửa hàng bày bán ngà và các sản phẩm từ voi với tổng số 1965 mặt hàng có “các nhãn viết bằng tiếng Việt ghi rõ nguyên liệu cũng như giá cả. Khảo sát tại Buôn Đôn có 16/23 cửa hàng đồ gỗ truyền thống có bày bán tổng số 703 món đồ lưu niệm bằng ngà hoặc được làm từ các bộ phận khác của voi, giá bán từ khoảng 200 nghìn - 8 triệu đồng mỗi món.
Tiếp đó, khảo sát thị trường buôn bán bán ngà voi trái phép của Traffic năm 2017 cũng phản ánh: Các cửa hàng tại TP.HCM, Buôn Ma Thuột và Bản Đôn có số lượng mặt hàng bày bán cao nhất, một số cửa hàng bày bán hơn 150 sản phẩm ngà voi/cửa hàng. Bản Đôn và Lắk có số lượng cửa hàng ngà voi thấp nhưng số lượng mặt hàng ngà voi bày bán cao.
Cho dù các cơ quan chức năng có ra quân truy quét, tình hình buôn bán sản phẩm từ voi vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Không chỉ trên thực địa, buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ voi trên mạng khá công khai và phổ biến. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán ngà voi” sẽ cho 6.860.000 kết quả chỉ trong 0,41 giây; cùng với đó là “ma trận” web rao bán ngà voi với đủ các dịch vụ chế tác sản phẩm đi kèm.
Khảo sát của Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã WildAct cho thấy, trong vòng 6 tháng từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2016, có gần 21.000 sản phẩm từ voi, bao gồm ngà và lông đuôi voi đã bị rao bán trên mạng xã hội. Phổ biến nhất là đồ trang sức trạm khắc từ ngà voi, chiếm 69% sản phẩm từ ngà voi được quảng cáo trên Facebook. Đặc biệt, đuôi voi hoặc lông đuôi voi được quảng cáo trên tất cả những tài khoản Facebook có rao bán ngà voi.
Các chuyến thực địa của Trung tâm Con người và Thiên nhiên trong năm 2019 cũng ghi nhận tình trạng ngang nhiên rao bán ngà voi và sản phẩm từ ngà voi ở một số tỉnh Tây Nguyên. Ngay tại “thủ phủ” voi Việt Nam là tỉnh Đắk Lắk, đồ trang sức ngà voi và các sản phẩm từ voi được bày bán khá công khai tại khu du lịch Buôn Đôn. Một số cửa hàng lưu niệm tại TP. Buôn Mê Thuột, chỉ cần hỏi là người bán sẽ đưa hàng loạt các sản phẩm như vòng, nhẫn, tẩu thuốc, lược bằng ngà và xương voi, ví, trống, thắt lưng bằng da voi cho khách du lịch lựa chọn. Nếu khách có nhu cầu về ngà nguyên khúc, nguyên chiếc, bên bán sẽ liên lạc và chào hàng qua mạng xã hội. Thậm chí, tại sảnh tầng 1 khách sạn 4 sao Sài Gòn - Ban Mê, các sản phẩm từ voi chiếm gần trọn một quầy lưu niệm. Ở Dinh III Bảo Đại (Đà Lạt, Lâm Đồng), sản phẩm nhẫn lông đuôi voi cũng được bày bán ngang nhiên mà chưa được cơ quan chức năng xử lý.
Sản phẩm từ ngà voi vẫn được bán công khai |
Ngậm ngùi số phận loài voi
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trong vòng 6 năm từ 2012 - 2018, tại Đắk Lắk đã có ít nhất 18 voi rừng chết do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có nguyên nhân bị con người sát hại để lấy ngà và các bộ phận. Nghiêm trọng nhất là vụ việc chỉ trong vòng một tuần (26/3 - 31/3/2012) trên địa bàn huyện Ea Súp (Đắk Lắk) 3 con voi hoang dã được phát hiện bị chết và nhiều bộ phận của chúng đã bị lấy đi.
Thậm chí, voi nhà cũng không thoát khỏi số phận bị giết để lấy ngà. Năm 2010, voi nhà Pắc Kú ở bìa rừng khu du lịch Thác Bảy Nhánh, tỉnh Đắk Lắk bị tẩm xăng đốt và bị chém tới hàng trăm nhát dao để lấy ngà. Giữa năm 2015, một vụ cưa trộm ngà voi lại xảy ra khiến một cá thể voi nhà thuộc sở hữu của Vườn Quốc gia Yok Đôn mất một chiếc ngà. Một cá thể voi nhà khác ở huyện Buôn Đôn bị giết chết, gia chủ đem chôn, nhưng ngay sau đó, kẻ xấu đã đào mồ voi lên lấy xương để chế tác đồ lưu niệm. Ông Đàm Năng Long ở huyện Lắk, người sở hữu đàn voi nhà nhiều nhất Tây Nguyên hiện nay cho biết, đã phải bí mật chôn voi xuống hồ nước để kẻ xấu không tìm ra mộ voi.
Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khác, 26/3/2019, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng phát hiện hơn 9,1 tấn hàng hóa nghi là ngà voi được cất giấu, ngụy trang trong các thanh gỗ xẻ. Đây được coi là vụ bắt giữ ngà voi với khối lượng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và trên thế giới.
Dù thực tế là phần lớn ngà voi buôn lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là từ châu Phi, chỉ một phần nhỏ là có nguồn gốc từ voi bản địa. Thế nhưng, khi việc nhập khẩu ngà và xác voi gặp khó khăn do Hải quan Việt Nam và các nước siết chặt trong khi nhu cầu vẫn cao, tất yếu những kẻ buôn bán sẽ nhòm ngó đến đàn voi Tây Nguyên, cả voi hoang dã và voi nhà. Trong tình trạng quần thể voi đang suy giảm, đây sẽ là “giọt nước làm tràn ly”, đẩy voi Tây Nguyên vào cảnh nguy cấp hơn nữa.
Công ước CITES và Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đềunghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại với các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.