Sớm tham gia bảo vệ môi trường vùng bờ
Đại hội Biển Đông Á do Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các Biển Đông Á (PEMSEA) và các quốc gia thành viên tổ chức là Hội nghị quốc tế hàng đầu về phát triển bền vững và quản lý các khu vực vùng bờ, đại dương, tập trung vào các biển Đông Á, là nơi trao đổi thông tin tương tác, trung tâm xây dựng và phát triển các quan hệ đối tác và là cơ chế giám sát và lập kế hoạch cho sự phát triển bền vững của khu vực các biển Đông Á.
Việt Nam đã tham gia Tổ chức từ rất sớm, vào tháng 12/2003. Tại Ma-lay-xi-a, Việt Nam cùng với 11 quốc gia khác (Cam-pu-chia, Trung Quốc, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Lào, Phi-lip-pin, Triều Tiên, Xinh-ga-po, Ti-mo Lex-te, và Thái Lan) đã ký Tuyên bố Pu-tra-jay-a cam kết thực hiện SDS-SEA. Ngày 15/12/2006, 11 quốc gia đã ký Thỏa thuận Đối tác Hải Khẩu về việc chính thức thành lập PEMSEA là Cơ chế hợp tác vùng cho việc thực hiện SDS-SEA. Ngày 16/12/2006, 12 tổ chức phi chính phủ cũng đã ký kết thỏa thuận đối tác và chính thức được công nhận là thành viên của PEMSEA để thực hiện SDS-SEA.
Kể từ khi gia nhập Tổ chức, Việt Nam đang từng bước thực hiện phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo theo cách tiếp cận hệ sinh thái cũng như hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, đồng thời, các mục tiêu phát triển kinh tế biển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa, khắc phục các tác động xấu của thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo vệ, khôi phục đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển Việt Nam; đóng góp vào việc cải thiện môi trường các Biển Đông Á, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Trong thời gian vừa qua, bằng cách thể chế hóa và lồng ghép các chương trình quản lý tổng hợp biển và hải đảo vào hệ thống các chính sách, chiến lược đã giúp cho Việt Nam trở thành một trong những nước trong khu vực thực hiện tích cực nhất Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA).
Có thể kể đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai Chương trình quản lý tổng hợp đới bờ cho dải ven biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2011 – 2013. Sau Chương trình này, 17 tỉnh, thành ven biển trong Dự án đã được tập huấn, truyền thông để nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường vùng bờ; được hướng dẫn kỹ thuật trong việc lồng ghép chương trình bảo vệ vùng bờ biển vào Chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương. Hầu hết các tỉnh thuộc dự án cũng đã phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của địa phương mình như Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi… Trong đó, nổi bật là thành phố Đà Nẵng đã xây dựng thành công mô hình điểm trình diễn về hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ, giúp Đà Nẵng trở thành một thành phố biển xanh, có môi trường đáng sống.
Thành công của Dự án nói trên cũng là tiền đề để cuối năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để thực thi hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ trên 24 tỉnh, thành có biển.
Tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng nền kinh tế biển xanh
Đại hội lần này được xem là nền tảng để đánh giá những bài học kinh nghiệm và tiến bộ đạt được, mở rộng các hoạt động hiệu quả, hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, xác định mục tiêu và kế hoạch mới cho khu vực Đông Á theo các cam kết toàn cầu về mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, chủ đề của Đại hội lần thứ 5 đã được các quốc gia thành viên và PEMSEA thống nhất lựa chọn là “Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương - Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các Biển Đông Á sau năm 2015”.
Chính phủ Việt Nam, thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường, cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững vùng bờ biển thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp biển và hải đảo, trong đó có quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB). Chính vì vậy, trong Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhiệm vụ quan trọng đã được Chính phủ đưa ra là xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp đới bờ; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tổn thất do thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đào tạo tăng cường năng lực quản lý tổng hợp đới bờ cấp quốc gia và tỉnh.
Để thực hiện Chiến lược, có 6 giải pháp cụ thể được đề cập, đó là: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tăng cường năng lực thực thi pháp luật về quản lý tổng hợp đới bờ; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong quản lý tổng hợp đới bờ; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quản lý tổng hợp đới bờ; tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho quản lý tổng hợp đới bờ; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong quản lý tổng hợp đới bờ; đồng thời thúc đẩy hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế.
Thông qua Đại hội lần thứ 5 này, với những kết quả của sự nỗ lực mà Việt Nam trong tư cách là thành viên của Tổ chức đã đạt được, chúng ta tiếp tục khẳng định cùng với các nước trong khu vực xây dựng và duy trì Biển Đông Á thành một môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo luật pháp quốc tế, phát triển bền vững theo tiêu chí nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Qua đây, Việt Nam mong muốn chuyển tới bạn bè quốc tế thông điệp “Hãy hợp tác bảo vệ tài nguyên, môi trường các Biển Đông Á vì lợi ích của chúng ta”.
Kim Liên