Đại học TN&MT Hà Nội: Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới mục tiêu trường trọng điểm quốc gia

06/09/2018 15:58

(TN&MT) - Trong 6 tháng đầu năm 2018, với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ các cán bộ viên chức, giảng viên, người lao động cùng toàn thể học viên, sinh viên, Nhà trường tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chương trình hành động của Ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện nhiệm vụ của Bộ TN&MT. Nhiều hoạt động đã được Trường Đại học TN&MT Hà Nội tổ chức triển khai quyết liệt, kết quả có tính đột phá nhằm đẩy mạnh công tác đổi mới quản lý Nhà trường, nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ sinh viên và đã đạt được nhiều thành tích trên mọi lĩnh vực hoạt động, hoàn thành xuất sắc kế hoạch đào tạo học kỳ 2 năm học 2017 - 2018. Qua đó, tạo tiền đề tốt để sớm đưa Nhà trường trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

ảnh
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (bên phải) tặng hoa chúc mừng Trường Đại học TN&MT Hà Nội tại Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục cho Nhà trường ngày 2/4/2018. PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường thay mặt lãnh đạo Trường đón nhận lẵng hoa


Điểm nổi bật trong Học kỳ vừa qua, Nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển Nhà trường đến năm 2025 và tầm nhìn 2035, trong đó công tác tổ chức, bộ máy được nhà trường đánh giá là khâu then chốt.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong nhà trường, việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” đã tạo ra hiệu quả rõ nét: Bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động thông suốt hơn; chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đã có bước chuyển biến mạnh.

Hiện nay, Nhà trường đã thực hiện tinh giảm bộ máy từ 33 đơn vị còn 29 đơn vị, trong đó, có 8 Phòng, 11 Khoa, 3 Bộ môn trực thuộc, 5 Trung tâm, 1 Viện nghiên cứu và 1 Trạm Y tế (Theo Quyết định số 456/QĐ-BTNMT ngày 8/2/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đại học TN&MT Hà Nội).

Đồng thời, ngày 16/1/2018 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học TN&MT Hà Nội tại tỉnh Thanh Hóa. Việc thành lập Phân hiệu của Nhà trường tại tỉnh Thanh Hóa không những đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Bắc Trung Bộ, mà còn là điều kiện để thực hiện mục tiêu phát triển hoạt động đào tạo của Trường Đại học TN&MT Hà Nội theo Chiến lược phát triển đến năm 2035 đã được Bộ TN&MT phê duyệt.

Mặt khác, thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Nhà trường cũng có điều kiện để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo. 

Về số lượng, tính đến ngày 31/5/2018, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong trường là 630. Trong đó, Trường Đại học TN&MT Hà Nội là 537 người và Phân hiệu là 93 người. Về chất lượng, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động của trường ngày càng được nâng cao về trình độ và chuyên môn nghiệp vụ.

Cụ thể, trường hiện có 16 PGS, 70 TS, 395 ThS, 133 người có trình độ đại học và 16 người có trình độ từ cao đẳng trở xuống. Nhà trường đã xây dựng xong Đề án vị trí việc làm cho Nhà trường và phân hiệu, và đã trình Bộ TN&MT xem xét phê duyệt.

Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục tập trung kiện toàn công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ, tăng cường bồi dưỡng phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, tiếp nhận, luân chuyển và tuyển dụng mới nguồn cán bộ, viêc chức đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của Nhà trường.

Công tác đào tạo của Nhà trường có rất nhiều cố gắng để đổi mới và phát triển. Đặc biệt vừa qua, Nhà trường đã mở thêm 2 mã ngành đào tạo ở bậc đại học (Luật, Quản trị kinh doanh) và 1 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ kế toán, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành tài nguyên và môi trường, phù hợp với thực tiễn xã hội.

Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo trình độ thạc sĩ là 7 chuyên ngành, đại học là 18 ngành, các chương trình đào tạo của trường ngày càng phát triển và từng bước khẳng định được chất lượng, vị thế. Điều này được minh chứng rõ ràng nhất qua kết quả tuyển sinh đại học năm 2018.

Tính đến thời điểm này (31/8/2018), số lượng sinh viên trúng tuyển đến nhập học của trường đạt gần 80% tổng số chỉ tiêu, nhiều ngành đã tuyển đủ sinh viên (Kế toán, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Luật…) và nhà trường vẫn đang tiếp tục tuyển sinh theo kế hoạch nhằm đảm bảo chỉ tiêu đã đề ra. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát triển cho những năm tới, nhà trường tiếp tục hoàn thiện đề án mở mới trình độ tiến sĩ chuyên ngành Khoa học môi trường, trình độ đại học ngành Kinh tế, Ngôn ngữ Anh để trình Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT xem xét, phê duyệt.

Học kỳ 2, năm học 2017 - 2018 vừa qua, công tác quản lý sinh viên của Nhà trường đã có nhiều biến chuyển tích cực. Công tác quản lý sinh viên tiếp tục được thực hiện tốt, đúng quy định, nhất là về hồ sơ, thủ tục và công tác cố vấn học tập; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong Trường và trong sinh viên được đảm bảo; các chế độ, chính sách của sinh viên được giải quyết tốt; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong sinh viên được đẩy mạnh. 

Chất lượng giáo dục được Nhà trường đặc biệt coi trọng, vì vậy, việc đảm bảo chất lượng giáo dục trong toàn hệ thống hoạt động của Nhà trường đã được quan tâm hàng đầu.

Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã được Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (Theo Quyết định số 136/QĐ-KĐCL ngày 30/3/2018).

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo tại Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã dần đi vào nền nếp, các đơn vị giảng dạy tích cực đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá nhằm đánh giá đúng năng lực, phẩm chất, sự cố gắng của người học trong quá trình học tập, rèn luyện. Việc triển khai lấy ý kiến phản hồi của người học đảm bảo quy chế dân chủ trong quá trình đào tạo; thiết lập được kênh thông tin trao đổi giữa “cơ sở đào tạo - người được đào tạo - người sử dụng sản phẩm đào tạo”.

Tuy vậy, trước xu thế hội nhập quốc tế; đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; sự đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đại học trong nước và quốc tế, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo tại trường trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Ban hành các bản pháp quy về công tác bảo đảm chất lượng giáo dục tại trường. Tiếp tục tổ chức lấy ý kiến phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động về chất lượng học viện sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp, cũng như ý kiến phản hồi của sinh viên đã tốt nghiệp về chương trình và chất lượng đào tạo của Nhà trường, để từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Cùng với đó, trong 6 tháng vừa qua Nhà trường cũng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu KH&CN cũng như mở rộng hợp tác quốc tế.

Hiện nay, Nhà trường đang tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ chuyển tiếp và mở mới năm 2018, trong đó có 4 đề tài cấp quốc gia, 38 đề tài cấp Bộ, 32 đề tài cấp Cơ sở.

Nhà trường đã tích cực triển khai các hoạt động Hợp tác Quốc tế bằng cách tiếp tục xúc tiến hợp tác với các đối tác Lào trong việc cung cấp thông tin về việc tuyển sinh học sinh Lào năm học 2018 - 2019 theo diện học bổng và tự túc; tiếp đón Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và đoàn chuyên gia cấp cao Thụy Điển đến tọa đàm, trao đổi với cán bộ giảng viên và sinh viên Nhà trường; tiếp đón và tọa đàm khoa học với chuyên gia bang Oregan, Mỹ lĩnh vực sức khỏe với không khí.

Trường gặp gỡ và làm việc với Trường Đại học Herfordshire, Anh Quốc về việc hợp tác phát triển các chương trình dự án nghiên cứu, hướng tới ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 trường. Thông qua các hoạt động này, uy tín và thương hiệu của Trường ngày càng được nâng cao. Số lượng các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế từ các trường đại học uy tín, các tổ chức nước ngoài đến làm việc, trao đổi, giảng dạy, hướng dẫn cho giảng viên và sinh viên cũng tăng dần.

Một trong những công tác khác được Nhà trường chú trọng trong 6 tháng đầu năm 2018 là tài chính và đầu tư cơ sở vật chất. Công tác tài chính được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, góp phần duy trì tốt các mặt hoạt động của Nhà trường; việc thu - chi đảm bảo đúng luật định, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; cơ sở vật chất được đẩy mạnh đầu tư, góp phần quan trọng xây dựng Nhà trường ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới. Dự án đầu tư mở rộng trường tại Thị xã Từ Sơn đã được các Bộ, ban, ngành cho ý kiến và đang chờ Thủ tường Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, các phòng máy, phòng thí nghiệm và các thiết bị khác được sử dụng có hiệu quả trong đào tạo và bảo quản tốt. Thư viện có phòng đọc, giáo trình, tài liệu đáp ứng được nhu cầu đọc, tra cứu của giảng viên và sinh viên. Công tác quản lý trang thiết bị ngày càng đi vào nề nếp và có chất lượng.

Bước vào năm học 2018 - 2019, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT Hà Nội nhận định: dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ TN&MT, của Bộ GD&ĐT, các Bộ, ban, ngành Trung ương, sự giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của các tỉnh, thành, của các đối tác, Nhà trường cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới. Nhiệm vụ trọng tâm của Trường trong năm học mới là: tiếp tục phát triển đỗi ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao và đạo đức nghề nghiệp; hoàn thiện công tác quản lý đào tạo theo học chế tỉn chỉ, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, tăng cường cơ sở vật chất của Trường… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước hướng tới mục tiêu trở thành trường Đại học trọng điểm Quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên môi trường theo chiến lược phát triển Trường đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học TN&MT Hà Nội: Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới mục tiêu trường trọng điểm quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO