Đại học TN&MT Hà Nội: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên

Mai Đan| 16/09/2020 16:55

(TN&MT) - Sáng 16/9, tại Hà Nội, Trường Đại học TN&MT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm phát triển nghiên cứu khoa học sinh viên.

NCKH - chìa khóa thành công của sinh viên

TS. Nguyễn Bá Dũng – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học TN&MT Hà Nội) cho biết: 10 năm qua (2010 – 2020) công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) đã góp phần vào sự phát triển bền vững của Nhà trường. Bên cạnh đó, cũng góp phần đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các đơn vị trong và ngoài Bộ để phục vụ đào tạo, NCKH và hoạch định chính sách phục vụ công tác quản lý của ngành TN&MT.

“Các hoạt động NCKH không chỉ giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn mà còn giúp các em sớm định hình tác phong làm việc khoa học, nâng cao kỹ năng phân tích, kỹ năng làm việc nhóm, rèn luyện phương pháp tư duy, giải quyết vấn đề, phương pháp thuyết trình… từ đó tạo sự hứng thú say mê, sáng tạo hơn trong quá trình học tập tại trường cũng như từng bước hình thành những tố chất và bản lĩnh cần có của người cán bộ khoa học trong tương lai. Chính vì vậy, phương pháp học tập và NCKH chính là chìa khóa thành công của sinh viên trên con đường học tập và nghiên cứu ở trường đại học hiện tại, sẽ là nền tảng cho sự phát triển của mỗi sinh viên”, TS. Nguyễn Bá Dũng nhấn mạnh.

PGS.TS. Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội đánh giá cao vai trò của NCKH

Em Nguyễn Thị Thanh Tâm – Lớp ĐH6M2, ngành Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Khoa Môi trường là một trong 3 thành viên của nhóm nghiên cứu đạt giải Ba cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đồng thời đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka” do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Chia sẻ kinh nghiệm trong NCKH, em Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng điều quan trọng nhất trong NCKH là xây dựng nhóm NCKH trên tinh thần các thành viên luôn sát cánh cùng nhau trong suốt quá trình nghiên cứu.

TS Vũ Thắng Phương – đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội nghị

Trong quá trình NCKH, các thành viên trong nhóm cần chủ động tương tác để nhận sự hướng dẫn, tiếp thu ý tưởng từ các thầy cô. Trên cơ sở đó tổng hợp biến thành kiến thức của chính bản thân mình.

TS. Nguyễn Bá Dũng – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học TN&MT Hà Nội) phát biểu

Theo em Nguyễn Thị Thanh Tâm, điều quan trọng khi làm khoa học là phải có sự đam mê và tinh thần nvượt khó, quyết tâm đi đến cùng. Muốn vậy, ngay từ đầu, bản thân mỗi người cần xác định được phương pháp nghiên cứu đúng đắn, vì đây sẽ là khung xương đảm bảo sự logic trong suốt quá trình thực hiện.

Đào tạo và NCKH: Hai nhiệm vụ quan trọng nhất trong trường đại học

Đánh giá cao vai trò của NCKH, PGS.TS. Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: NCKH có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Bất cứ một trường đại học nào cũng luôn đặt đào tạo và NCKH là 2 nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất. Nhận thức rõ điều này, trong nhiều năm qua Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã dành nhiều sự quan tâm và đầu tư đến hoạt động này, coi đây là một trong những nhiệm vụ cần hoàn thành xuất sắc hàng năm của Nhà trường.

“Hoạt động NCKH hàng năm của sinh viên đã diễn ra với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có tính thực tiễn và ngày càng thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong Nhà trường”, PGS.TS. Phạm Quý Nhân khẳng định.

Lễ công bố và trao giải thưởng cho các nhóm sinh viên NCKH đã tham gia các cuộc thi trong năm học vừa qua

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh – Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường, khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu trên thế giới. Các trường đại học có uy tín trên thế giới đều chú trọng phát triển NCKH và có nhiều giải thưởng lớn về NCKH. Nghiên cứu ở đây không chỉ là NCKH, mà nó còn hình thành tư duy, phương pháp logic cho sinh viên trong học tập, công tác và cuộc sống.

Tại Hội nghị, TS Vũ Thắng Phương – đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) cho biết: Hoạt động NCKH sinh viên là hoạt động trí tuệ dành cho sinh viên và có ý nghĩa thiết thực. Thông qua NCKH, sinh viên biết vận dụng phương pháp luận và phương pháp NCKH trong học tập và trong thực tiễn, giúp sinh viên vừa củng cố kiến thức đã học, vừa có điều kiện phát huy khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, tính năng động, sáng tạo trong tiếp cận các vấn đề khoa học, tìm các giải pháp công nghệ phù hợp để giải quyết những vấn đề từ thực tế cuộc sống.

Các đại biểu tham dự và thầy, cô Trường Đại học TN&MT Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng các nhóm sinh viên NCKH đạt giải thưởng trong các cuộc thi

Theo TS Vũ Thắng Phương, NCKH đã thực sự trở thành nguồn động lực, gây dựng những ước mơ, hoài bão để sinh viên trở thành những cán bộ khoa học trẻ, tạo nên một môi trường học tập, nghiên cứu lành mạnh, góp phần định hướng cho tương lai cuộc sống của sinh viên.

TS Vũ Thắng Phương cho rằng để thúc đẩy hoạt động NCKH trong sinh viên, Nhà trường cần có cơ chế chính sách hợp lý, khuyến khích hỗ trợ sinh viên trong NCKH, có cơ chế cho sinh viên nghiên cứu và tạo ý tưởng.

Tính đến nay, số lượng sinh viên của Đại học TN&MT Hà Nội tham gia NCKH đã đạt tới con số gần 2000 sinh viên, với tổng số 285 đề tài đã được nghiệm thu. Kết quả nghiên cứu của các em sinh viên là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên các khóa, đồng thời là tiền đề cho thế hệ sinh viên nối tiếp nhau nghiên cứu, tạo ra chuỗi giá trị khoa học giúp các em trên con đường học tập và lập nghiệp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học TN&MT Hà Nội: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO