Đại học TN&MT Hà Nội đánh giá chất lượng 3 chương trình đào tạo

Mai Đan| 26/01/2021 23:06

(TN&MT) - Chiều 26/1/2021, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội (KĐCLGD - ĐHQGHN) đã phối hợp với Trường Đại học TN&MT Hà Nội tổ chức bế mạc đợt khảo sát chính thức đánh giá chất lượng 3 chương trình đào tạo gồm: Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế Tài nguyên thiên nhiên và Kỹ thuật Trắc địa – Bản đồ.

11 tiêu chuẩn cần cải tiến

Khảo sát này nhằm mục đích nâng cao chất lượng chương trình đào tạo của Nhà trường và đưa ra một bản báo cáo có thể công khai với xã hội để xã hội tin tưởng. Qua đó, uy tín của nhà trường được nâng cao hơn, chất lượng đào tạo cũng được cải thiện hơn thông qua ý kiến đóng góp.

Tại buổi lễ, GS.TS Trần Trung – Trưởng đoàn chuyên gia đã kiến nghị 11 điểm cần cải tiến gồm: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (CTĐT); bản mô tả CTĐT; cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; phương pháp tiếp cận trong dạy và học; đánh giá kết quả học tập của người học; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; đội ngũ nhân viên; người học và hoạt động hỗ trợ người học; cơ sở vật chất và trang thiết bị; nâng cao chất lượng; kết quả đầu ra.

Đối với mục tiêu và chuẩn đầu ra của CTĐT, các chuyên gia đánh giá, cả 3 ngành trên đều có mục tiêu CTĐT 2019 rõ ràng, về cơ bản thể hiện sự gắn kết với sứ mạng và tầm nhìn của nhà trường, Luật Giáo dục đại học, đồng thời đáp ứng yêu cầu thị trường lao động về lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

GS.TS Trần Trung – Trưởng đoàn chuyên gia đánh giá ngoài phát biểu

Hơn nữa, hiện 3 ngành đều có chuẩn đầu ra được xác định rõ ràng, cơ bản phản ánh được mục tiêu CTĐT, gồm các kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm, các yêu cầu chung và chuyên biệt. Chuẩn đầu ra của 3 ngành được công khai trên website Trường và Khoa, bản mô tả CTĐT (2016, 2017, 2019), sổ tay SV…; được lấy ý kiến của một số bên liên quan trong các lần điều chỉnh 2016, 2017, 2019.

Tuy nhiên, 3 ngành trên cần hoàn thiện các quy định, quy trình xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình dạy học; cần điều chỉnh, cập nhật chuẩn đầu ra và đa dạng các hình thức công khai.

PGS.TS Hoàng Anh Huy – Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu

Khắc phục những hạn chế để tiếp tục khẳng định vị thế

Đại diện cho 3 Khoa có CTĐT được đánh giá trong đợt này, TS. Nguyễn Hoản – Trưởng Khoa Kinh tế tài nguyên và môi trường cho biết: Sự đánh giá công tâm của đoàn chuyên gia là nguồn động viên khích lệ để Nhà trường và 3 khoa phát huy những điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, từ đó xây dựng kế hoạch hành động để khắc phục những tồn tại.

Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Anh Huy – Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội cho rằng, việc đánh giá 3 chương trình này là một bài học kinh nghiệm rất lớn, rất quý báu không chỉ của 3 khoa mà còn đối với cả Nhà trường. Bởi lẽ, trong quá trình phục vụ, đáp ứng các yêu cầu của Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài, từng cá nhân của từng đơn vị đào tạo đã tự chuyển mình, tự điều chỉnh, dần hình thành nên văn hóa chất lượng tại đơn vị.

Những phân tích, nhận định của đoàn về điểm mạnh và điểm tồn tại cần cải tiến của 3 CTĐT, rất khách quan, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Nhà trường tin tưởng tuyệt đối vào tính công minh và phương pháp làm việc chuyên nghiệp của các chuyên gia, giúp Nhà trường hiểu thêm về chính mình và biết mình đang ở đâu.

Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài, TTKĐCLGD – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học TN&MT Hà Nội ký biên bản hoàn thành đợt khảo sát chính thức

"Kết quả của đợt khảo sát này dù thấp hay cao, thì đây là dịp rất ý nghĩa và có giá trị với Nhà trường để Nhà trường phát huy các thế mạnh, khắc phục những điểm còn tồn tại và tìm ra những giải pháp thực tiễn nhất để tiếp tục khẳng định giá trị của mình với xã hội” – Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học TN&MT Hà Nội đánh giá chất lượng 3 chương trình đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO