Cách đây 60 năm, ngày 22 tháng 07 năm 1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã ký ban hành Nghị định số 379-NĐ về việc thành lập các trường sư phạm trung cấp ở các tỉnh, liên tỉnh đào tạo giáo viên cấp 2, trong đó trường Sư phạm Trung cấp Hải Phòng là một trong sáu trường cấp liên tỉnh. Đồng chí Lê Xuân Phùng đang là Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng được bổ nhiệm kiêm Hiệu trưởng Nhà trường.
Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp 2 cho các tỉnh Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hồng Quảng, Hải Ninh và vùng phụ cận. Sự kiện này đã mở đầu cho lịch sử xây dựng và phát triển của trường Đại học Hải Phòng. Có một điều rất đặc biệt, lịch sử dường như lặp lại nhưng ở một cấp độ cao hơn. Ngay từ khi thành lập, trường Sư phạm Trung cấp Hải Phòng đã mang tính chất của một trường cấp vùng, đến hôm nay, trường Đại học Hải Phòng lại được định hướng phát triển trở thành trường đại học đa ngành trọng điểm vùng Duyên hải Bắc Bộ.
Ngày đầu thành lập, đội ngũ giáo viên của trường Sư phạm Trung cấp Hải Phòng có 19 người, được biên chế thành 2 tổ: Tổ Tự nhiên và Tổ Xã hội. Khoá I, Trường đào tạo khoảng 400 giáo sinh, chia làm 8 lớp, gồm 2 ban: Ban tự nhiên và Ban xã hội. Phần lớn giáo sinh của Trường là người các địa phương Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh và các tỉnh Liên khu Ba. Chương trình đào tạo của Trường theo hệ 7+2. Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra quyết định thành lập thành phố Hải Phòng trên cơ sở hợp nhất thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An, đến năm 1963, trường Sư phạm Trung cấp Hải Phòng và trường Sư phạm Trung cấp Kiến An đã sáp nhập lại thành Trường Sư phạm Trung cấp Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Tình làm Hiệu trưởng, đồng chí Nguyễn Trọng Lô, nguyên Hiệu trưởng trường Sư phạm Trung cấp Kiến An làm phó Hiệu trưởng.
Từ những tháng năm gian khó
Tháng 8 năm 1964, sau “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc với tuyên bố: Đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Hà Nội, Hải Phòng trở thành trọng điểm bị Không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Trong hoàn cảnh đó, được sự chỉ đạo của Thành phố và Sở Giáo dục Hải Phòng, Trường tạm dừng việc tuyển sinh trong năm học 1965-1966 để sơ tán về nông thôn. Trường chia thành 2 trường: Trường Sư phạm cấp II Xã hội sơ tán về xã Cộng Hiền huyện Vĩnh Bảo; Trường Sư phạm cấp II Tự nhiên sơ tán về xã Tiên Minh huyện Tiên Lãng. Trong khói lửa của chiến tranh, thầy và trò Nhà trường đã chuyên chở hàng chục tấn nguyên vật liệu để xây dựng phòng học, đào hàng trăm mét hào giao thông, làm hàng chục căn hầm phòng không, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo đúng kế hoạch và đảm bảo được chất lượng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt ...”.
Ảnh Minh Họa |
Trong những năm tháng cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhiều thầy giáo và giáo sinh Nhà trường đã rời giảng đường, lên đường vào tuyến lửa. Các thầy Phạm Khắc Nhượng, Nguyễn Đức Châu cùng với nhiều thanh niên ưu tú khác, đã nằm lại với đại ngàn Trường Sơn, đã hóa thân vào đất Việt, để đất nước xanh cây độc lập, kết quả tự do. Không có sự hy sinh nào lớn lao bằng sự hy sinh cuộc đời, các thế hệ thầy trò Nhà trường và Tổ quốc mãi mãi ghi công và tri ân các thầy.
Tháng 8 năm 1972, Uỷ ban Hành chính thành phố Hải Phòng quyết định thành lập trường Sư phạm 10+3 Hải Phòng trên cơ sở sáp nhập trường Sư phạm cấp II Xã hội và trường Sư phạm cấp II Tự nhiên. Sau khi Hiệp định Pari được kí kết, thầy và trò hành quân trở lại địa điểm cũ ở thị xã Kiến An, bắt tay xây dựng trường từ đống đổ nát, hoang tàn, lấp những hố bom, nhanh chóng đưa các hoạt động chuyên môn vào nề nếp. Trường mở rộng quy mô tuyển sinh, sẵn sàng chi viện đội ngũ giáo viên cho các tỉnh phía Nam sau ngày giải phóng.
Ngày 21 tháng 3 năm 1978, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 164-QĐ/TTg công nhận 16 trường Cao đẳng Sư phạm trong toàn quốc, trong đó có trường Sư phạm 10+3 Hải Phòng. TS. Trịnh Khắc Tụ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Sự kiện này mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển Nhà trường. Bằng sự nỗ lực của mình, trường Cao đẳng sư phạm Hải Phòng đã nhanh chóng khẳng định uy tín, thương hiệu hàng đầu quốc gia trong hệ thống các trường cao đẳng sư phạm toàn quốc.
Phó Chủ tịch UBND tp Hải Phòng Lê Khắc Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo nhà trường tại Lễ kỉ niệm 60 năm truyền thống xây dựng và phát triển trường Đại học Hải Phòng. |
Vươn mình khẳng định thương hiệu
Ngày 27 tháng 11 năm 1997, theo Quyết định số 2711-QĐ/UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, trường Trung học Sư phạm Hải Phòng sáp nhập vào trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng trở thành trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng (đa cấp, đa hệ), có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng các loại hình giáo viên từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở có trình độ trung cấp, cao đẳng và liên kết đào tạo đại học. TS. Ngô Đăng Duyên được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, các nhà giáo: Nguyễn Viết Cương, Lê Quốc Băng, Phí Thị Hiền, Phạm Trung Tặng được bổ nhiệm làm phó Hiệu trưởng.
Đến năm 1999, sau 40 xây dựng và phát triển, các cơ sở hợp thành của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng (đa cấp, đa hệ) đã đào tạo được 35.037 giáo viên các cấp, đã bồi dưỡng chuẩn hoá trình độ cho 8.532 giáo viên. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên ra trường đã trưởng thành nhanh chóng, giữ những cương vị quan trọng của ngành giáo dục và của Thành phố, tiêu biểu là: đồng chí Nguyễn Thị Bảy, nguyên Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; NGƯT.TS Ngô Đăng Duyên, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng và trường Đại học Sư phạm Hải Phòng; đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng…
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường đứng đầu là NGƯT. TS. Ngô Đăng Duyên là một tập thể trí tuệ, bản lĩnh và đoàn kết, đã thể hiện rõ vừa là người lãnh đạo tâm huyết và tài năng, vừa có tầm nhìn chiến lược và có những bước đi sáng tạo, quyết liệt, phù hợp, nhanh chóng khẳng uy tín, thương hiệu hàng đầu quốc gia của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng trong hệ thống các trường cao đẳng sư phạm toàn quốc. Sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng (đa cấp, đa hệ) cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học là tiền đề rất quan trọng, có vai trò quyết định đối với sự kiện thành lập trường Đại học Sư phạm Hải Phòng vào năm 2000.
Đồng hành cùng với lịch sử các trường sư phạm, các đơn vị tiền thân khác của trường Đại học Hải Phòng cũng có bề dày truyền thống xây dựng và phát triển.
Sinh viên chụp ảnh kỉ yếu tại Cổng chính trường Đại học Hải Phòng. |
Trường Đại học Tại chức Hải Phòng
Trường Đại học Tại chức Hải Phòng được thành lập ngày 23/7/1968 theo Quyết định số 117/CP của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập Trạm Tại chức Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Phân hiệu Tại chức Đại học Bách khoa Hà Nội tại Hải Phòng. Đồng chí Võ Thị Hoàng Mai, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính Hải Phòng được phân công kiêm Hiệu trưởng, đồng chí Hoàng Giao là Phó Hiệu trưởng thường trực, trực tiếp điều hành hoạt động của Trường, đồng chí Nguyễn Văn Ân là Bí thư chi bộ. Khi thành lập, cơ sở của Trường đóng tại thị xã Kiến An, đến năm 1970, Trường chuyển về đóng tại khu vực Số 2 Nguyễn Bình, quận Ngô Quyền.
Năm 1971, UBND Thành phố đã ra quyết định sáp nhập Trạm Đào tạo Tại chức của trường Đại học Nông nghiệp I tại Hải Phòng vào trường Đại học Tại chức Hải Phòng. Đây là sự kiện quan trọng mở ra một thời kỳ phát triển mới, từ đó, trường Đại học Tại chức Hải Phòng đã hình thành và phát triển ổn định 3 khối đào tạo: Kinh tế, Kỹ thuật và Nông nghiệp với 11 ngành học: Cơ khí chế tạo máy, Kĩ sư cơ khí kinh tế, Động lực ô tô máy kéo, Xây dựng dân dụng – công nghiệp, Kinh tế nông nghiệp, Kế hoạch hóa kinh tế quốc dân, Kĩ sư nông nghiệp… Đây là những ngành học rất phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng một phần cho nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố và vùng phụ cận.
Năm 1998, tổng kết 30 năm xây dựng và trưởng thành, trường Đại học Tại chức Hải Phòng đã đào tạo được 944 kỹ sư Cơ khí – Chế tạo máy, 1110 kỹ sư Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, 2369 cử nhân Kinh doanh Công nghiệp, 418 cử nhân Kinh doanh Nông nghiệp, 202 kỹ sư Nông nghiệp, 136 kỹ sư chăn nuôi và thú y, 151 kỹ sư Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Giai đoạn này, TS Hoàng Văn Sánh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp – Sở Giáo dục & Đào tạo Hải Phòng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, TS Đỗ Trọng Hùng và TS Phạm Văn Hữu được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng, ThS. Vũ Hùng Quyết được bầu làm Bí thư chi bộ Nhà trường.
Trường Đại học Tại chức Hải Phòng là đơn vị có trên 30 năm kinh nghiệm đào tạo đại học trước khi trở thành một trong 4 cơ sở thành lập trường Đại học Sư phạm Hải Phòng. Trong suốt 32 năm (1968 – 2000) xây dựng và phát triển, trường Đại học Tại chức Hải Phòng là mô hình trường đại học tại chức duy nhất ở Việt Nam. Trường đã đào tạo và liên kết đào tạo hàng vạn kỹ sư, cử nhân các khối ngành: kinh tế, kỹ thuật và nông nghiệp, đáp ứng một phần nhu cầu học tập của cán bộ, nhân dân thành phố Cảng và vùng phụ cận. Nhiều người trong số đó đã trở thành người lao động giỏi, người cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao của thành phố Hải Phòng và đất nước. Sau khi sáp nhập, Trường là nòng cốt để thành lập khoa Kinh tế, khoa Công nghệ và khoa Nông nghiệp, tạo nên tính chất đa ngành của trường Đại học Sư phạm Hải Phòng ngay từ ngày đầu thành lập.
Trường Cán bộ quản lý giáo dục và Bồi dưỡng giáo viên Hải Phòng
Từ khi thành lập đến trước khi trường được sáp nhập vào Trường Đại học sư phạm Hải Phòng đã trải qua 36 năm xây dựng và phát triển (1964 – 2000). Từ tên gọi đầu tiên là trường Chính trị Hải Phòng, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, năm 1989, Trường lấy tên là Trường Cán bộ quản lý giáo dục và Bồi dưỡng giáo viên Hải Phòng. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các trung tâm dạy nghề và các trường bổ túc văn hóa; bồi dưỡng nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức cho đội ngũ giáo viên các bậc học; đào tạo, bồi dưỡng các nhân viên nghiệp vụ phục vụ trường học; nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm về quản lý giáo dục. Trường liên kết với các trường đại học sư phạm, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học ngoại ngữ Hà Nội, trường Cán bộ Quản lý giáo dục Trung ương, Học viện Hành chính Quốc gia, mở nhiều lớp đại học tại chức từ xa, các lớp chính quy ngành mầm non, tiểu học, văn, toán, lý, hóa, sử, giáo dục chính trị. Đặc biệt giai đoạn 1996 – 2000, năm nào Trường cũng có quy mô trên 1000 sinh viên, hàng trăm cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ. Giai đoạn này, Nhà giáo Nguyễn Duy Tráng là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường. Sau khi sáp nhập, Trường trở thành Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ, trực thuộc trường Đại học Sư phạm Hải Phòng.
Trung tâm Ngoại ngữ Hải Phòng
Từ lúc thành lập tới khi được sáp nhập trở thành một thành viên của trường Đại học Sư phạm Hải Phòng đã trải qua 24 năm xây dựng và phát triển (1976 – 2000). Ngày 13/10/1976, trường Bổ túc Ngoại ngữ được thành lập trên cơ sở bộ phận Ngoại ngữ tách ra từ trường Bổ túc cấp III Dân Chính Hải Phòng. Nhà giáo Phạm Đình Chương được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Trường có nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ quản lý các cấp trong thành phố, đào tạo ngoại ngữ cho học sinh và cấp chứng chỉ theo trình độ A, B, C. Tháng 10/1980, trường Bổ túc Ngoại ngữ đổi tên thành trường Ngoại ngữ Tại chức Hải Phòng. Tháng 11 năm 1986 trường Ngoại ngữ Tại chức Hải Phòng đổi tên thành Trung tâm Ngoại ngữ Hải Phòng, đặt trụ sở tại số 10 Trần Phú, Ngô Quyền, Hải Phòng. Sau khi nhà giáo Phạm Đình Chương nghỉ hưu, nhà giáo Khoa Năng Chính được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và được bầu làm Bí thư Chi bộ. Năm 2000 Trung tâm Ngoại ngữ Hải Phòng cùng với 03 Cơ sở giáo dục đào tạo khác đã sáp nhập thành trường Đại học Sư phạm Hải Phòng. Trải qua nhiều giai đoạn với nhiều tên gọi khác nhau, Trung tâm Ngoại ngữ Hải Phòng luôn khẳng định uy tín và thương hiệu, là trung tâm ngoại ngữ lớn của thành phố Hải Phòng.
Trường Đại học Hải Phòng ngày hôm nay
Ngày 20/04/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 48/2000/QĐ-TTg thành lập trường Đại học Sư phạm Hải Phòng trên cơ sở hợp nhất 4 cơ sở đào tạo: trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng, trường Đại học Tại chức Hải Phòng, Trung tâm Ngoại ngữ Hải Phòng và trường Cán bộ Quản lý giáo dục và Bồi dưỡng giáo viên Hải Phòng, trong đó trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng đóng vai trò nòng cốt. Sự kiện này đã khép lại lịch sử xây dựng và trưởng thành của các cơ sở hợp thành, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Nhà trường, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của thành phố Hải Phòng và khu vực Duyên hải Bắc Bộ. Ngay từ khi thành lập, trường Đại học Sư phạm Hải Phòng đã làm nhiệm vụ của một trường đại học đa ngành. Trường có 4 khối ngành đào tạo: khối sư phạm, khối cử nhân khoa học, khối kinh tế và khối công nghệ – kỹ thuật, các khối ngành này vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển đến ngày nay. Trong lễ công bố thành lập Trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS. TSKH Vũ Ngọc Hải đã phát biểu “Lấy cái mô phạm của trường sư phạm để đào tạo những kỹ sư, những cử nhân của các ngành khác cho Hải Phòng, khu vực và đất nước”.
Toàn cảnh Đại học Hải Phòng ngày hôm nay. (2020) |
Ngay sau khi hoàn thành việc sáp nhập, để thể hiện nguyên tắc tôn trọng và kế thừa các kế hoạch đã có của 4 cơ sở đào tạo trước đây, đồng thời đảm bảo được tính đặc thù của các đơn vị, lãnh đạo Nhà trường đã có sự phân công hợp lý. Đồng chí Ngô Đăng Duyên làm Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy, phụ trách chung. Đồng chí Lê Quốc Băng làm Phó Hiệu trưởng thường trực, Phó Bí thư Đảng uỷ, phụ trách khu vực Kiến An; đồng chí Hoàng Văn Sánh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tại chức làm Phó Hiệu trưởng cùng với đồng chí Đỗ Trọng Hùng làm Phó Hiệu trưởng phụ trách khu vực số 2 Nguyễn Bình; đồng chí Khoa Năng Chính nguyên Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, làm Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, phụ trách khu vực số 10 Trần Phú; đồng chí Nguyễn Duy Tráng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ giáo dục và Bồi dưỡng giáo viên, làm Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ và Bồi dưỡng giáo viên, phụ trách khu vực 246 Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Thị Gái làm Chủ tịch Công đoàn trường. Đồng chí Dương Đức Hùng làm Bí thư Đoàn trường.
Tổ chức bộ máy của trường có 27 đơn vị trực thuộc gồm có 08 phòng ban (Phòng Đào tạo- Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Tổ chức cán bộ và Quản lý sinh viên, Chính trị Tổng hợp, Tài chính Kế toán, Hành chính Quản trị, Bồi dưỡng Tại chức, Thiết bị – Thư viện, Ban Quản lý ký túc xá), 11 khoa chuyên môn (Toán Tin, Ngữ Văn, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Ngoại ngữ, Thể dục Quân sự, Mầm non, Tiểu học, Kinh tế Quản lý, Công nghệ, Nông nghiệp); 02 tổ trực thuộc (Tâm lý Giáo dục, Chính trị); 02 trung tâm (Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ, Trung tâm Ngoại ngữ); 04 trường thực hành (Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông).
Đến năm học 2003 – 2004, sau 4 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học chính quy, Trường đã duy trì và phát triển mô hình đào tạo đa ngành, từ 5 chương trình đào tạo bậc đại học năm 2000, đến năm 2004, Trường có 20 chương trình đào tạo bậc đại học hệ chính quy trên tổng số 32 ngành đào tạo của trường. Trong đó, khối Khoa học Công nghệ và Kinh tế Quản lý là 8 ngành; khối Sư phạm là 7 ngành; bậc cao đẳng sư phạm là 14 ngành; bậc trung học chuyên nghiệp là 3 ngành. Quy mô đào tạo tăng nhanh: năm 2000, năm đầu tiên đào tạo đại học chính quy, Trường chỉ có 223 sinh viên đại học khóa 1, quy mô đào tạo các hệ khoảng 3.000 người. Đến năm 2004, quy mô đào tạo đạt khoảng 10.000 sinh viên trong đó có 4.000 sinh viên chính quy đến từ 21 tỉnh, thành phố phía Bắc. Sinh viên khối Khoa học Công nghệ và Kinh tế Quản lý (tính cả chính quy và không chính quy) chiếm tỷ lệ 2/3 sinh viên toàn trường.
Ngày 5/8/2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW, về việc xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết khẳng định việc thành lập trường Đại học Hải Phòng (trên cơ sở nâng cấp trường Đại học Sư phạm Hải Phòng) theo mô hình đại học đa ngành nhằm phục vụ cho cả vùng Duyên hải Bắc bộ, góp phần giảm tải cho thủ đô Hà Nội.
Ngày 7/8/2003, Hội nghị chuyên đề của Chính phủ về “Tình hình thực hiện kế hoạch năm 2003 và dự kiến kế hoạch năm 2004 của ngành giáo dục và đào tạo” do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chủ trì đã xác định cụ thể định hướng phát triển của một số trường đại học, trong kết luận của hội nghị nêu rõ “Chỉ đạo hai trường đại học sư phạm Quy Nhơn và Hải Phòng xây dựng kế hoạch đào tạo đa ngành”.
Từ tháng 9 năm 2003 đến tháng 12 năm 2003, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, Nhà trường đã trình và xin ý kiến đóng góp của các Sở, Ban, Ngành Thành phố về Đề án xây dựng trường Đại học Hải Phòng trên cơ sở trường Đại học Sư phạm Hải Phòng. Tháng 01 năm 2004, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ và các Vụ, Viện chức năng trong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Quốc phòng đã thẩm định và góp ý kiến đối với Đề án xây dựng trường Đại học Hải Phòng trên cơ sở trường Đại học Sư phạm Hải Phòng.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, ngày 09 tháng 4 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 60/2004/QĐ-TTg, về việc đổi tên trường Đại học Sư phạm Hải Phòng thành trường Đại học Hải Phòng. Sự thật, ngay từ khi thành lập, trường Đại học Sư phạm Hải Phòng đã mang tính chất của một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Việc thành lập trường Đại học Hải Phòng thực chất là việc đổi tên trường Đại học Sư phạm Hải Phòng cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho Nhà trường. Đội ngũ lãnh đạo Trường được kế thừa từ đội ngũ lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hải Phòng. GS.TS Vương Toàn Thuyên là Hiệu trưởng kiêm Phó Bí thư Đảng ủy (từ 8/2009 là Bí thư Đảng ủy). NGƯT. ThS Lê Quốc Băng là Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng. ThS Bùi Văn Khuể là Chủ tịch Công đoàn Trường. ThS Dương Đức Hùng là Bí thư Đoàn Trường (đến 8/2004, ThS Nguyễn Thị Hiên thay ThS Dương Đức Hùng làm Bí thư Đoàn trường). Giai đoạn 2008 – 2012 là giai đoạn phát triển rực rỡ của Trường. Quy mô đào tạo giai đoạn này có lúc lên đến 22.000 sinh viên. Trong giai đoạn này, GS.TS Vương Toàn Thuyên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường được phong tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Nhà giáo Nhân dân. Năm 2013, GS.TS Vương Toàn Thuyên nghỉ hưu, người tiếp quản vị trí Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường là NGƯT.PGS.TS Phạm Văn Cương. Trong bối cảnh chung của các trường đại học địa phương cả nước, trường Đại học Hải Phòng bước vào giai đoạn phát triển khó khăn, quy mô tuyển sinh giảm sút. Trong giai đoạn này, Trường nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, mở thêm 2 chương trình đào tạo thạc sĩ, 2 chương trình đào tạo tiến sĩ. Năm 2016, chuẩn bị cho lộ trình tự chủ, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị đại học, Hội đồng trường được thành lập, TS. Dương Đức Hùng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng trường. Năm 2018, Trường thực hiện đánh giá ngoài và đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cấp chứng nhận đạt chuẩn chất lượng trường đại học giai đoạn 2018-2023. Tháng 6/2018, NGƯT.PGS.TS Phạm Văn Cương nghỉ hưu, PGS.TS Nguyễn Thị Hiên được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng, đánh dấu giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Một lần nữa, lịch sử lại lặp lại, thế hệ lãnh đạo trường Đại học Hải Phòng hôm nay đều phấn đấu, cống hiến và trưởng thành từ chính ngôi trường này, đặc biệt hơn, điều đó lại diễn ra đúng dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống xây dựng và phát triển Nhà trường. Chắc chắn điều đó sẽ mang lại luồng sinh khí mới, đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, giáo chức, viên chức Nhà trường, đó là tiền đề rất quan trọng để Trường tự tin bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn tự chủ, hội nhập và phát triển.
Trường Đại học Hải Phòng là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và trung tâm văn hóa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Hải Phòng, vùng Duyên hải Bắc bộ và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2030, Trường trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng, tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực. Giá trị cốt lõi của Trường là: Chất lượng – Hiệu quả – Đáp ứng nhu cầu xã hội.
Ngày nay, trường đại học không thể đứng vững và phát triển nếu không có khả năng thích nghi với mọi sự biến đổi của môi trường kinh tế – xã hội và đáp ứng được nhu cầu xã hội. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, phải đào tạo đạt chuẩn và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Phát huy truyền thống 60 năm, trường Đại học Hải Phòng chắc chắn sẽ tận dụng được cơ hội, phát huy nội lực, vượt qua thách thức, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ và Nhân dân thành phố Hải Phòng, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người học trong nước và quốc tế.