Khó duy trì lực lượng tuần tra, giám sát
Hơn chục năm nay, tình trạng khai thác vàng trái phép ở các địa phương miền núi trong tỉnh Quảng Nam diễn ra phức tạp. Rất nhiều văn bản chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh về vấn đề này và ngân sách Nhà nước bỏ ra trong các chiến dịch truy quét, đẩy đuổi đối tượng khai thác bất hợp pháp ra khỏi rừng, song tình hình chưa mấy cải thiện.
Theo ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Quảng Nam), nguyên nhân là do địa hình những nơi xảy ra khai thác trái phép thường trong rừng núi hiểm trở, các lực lượng kiểm tra mỏng, thiếu kinh phí nên chưa kiểm tra sát sao. Khi có đợt kiểm tra truy quét đã lắng xuống, khi đoàn trở về lại tái phát trở lại. Do đó, chưa kiểm soát triệt để, chỉ hạn chế đến mức tối đa. Hiện việc tuần tra, truy quét chủ yếu do cấp huyện, do đơn vị trên địa bàn tổ chức.
Vàng đi, hố sâu để lại. Ảnh: minh họa |
Chỉ riêng trên địa bàn huyện Bắc Trà My đã cho thấy, số lượng ra quân rất lớn của các cơ quan chức năng của huyện nhưng tình hình vẫn chưa mấy khả quan. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng Phòng TN&MT huyện cho biết, trong năm 2015, các xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức 9 đợt kiểm tra, truy quét khai thác quặng thiếc trái phép và 79 đợt kiểm tra, truy quét khai thác vàng trái phép. Qua đó, đã phá hủy 41 lán trại khoảng 1.900 m2 bạt xanh; hơn 13.500m dây dẫn nước, 11 máy nổ và hiều phương tiện khác. Đối với lực lượng cơ động của huyện (gồm phòng TN&MT, Công an huyện, dân quân xã…) cũng đã tiến hành truy quét 48 đươn phá hủy nhiều phương tiện, đẩy đuổi trên 200 đối tượng….
Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức lực lượng chốt giữ bảo vệ khoáng sản tại 4 khu vực nóng là Nước Oa (Trà Tân); Dương Hòa (Trà Sơn); Nước Vin (Trà Giác) và Cốn Ba Bi (Trà Nú) theo chỉ đạo của UBND huyện. Theo đó, đã huy động 120 lượt cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lương UBND 13 xã, thị trấn và Phòng TN&MT và Công an huyện do đó tình hình khai thác trái phép trên địa bàn có giảm đáng kể.
Tuy vậy, việc này tương đối tốn kém với một huyện nằm trong diện 30a như Bắc Trà My bởi kinh phí cho việc này tương đối lớn, trong khi nguồn thu trên địa bàn rất thấp, cả huyện chỉ có 1 đơn vị được cấp phép khai thác đá. “Năm 2015, Phòng đã đề xuất UBND chi 1,2 tỷ cho công tác này, năm nay, đã đề xuất kinh phí tương tự. Nếu việc này vẫn luôn phải tiếp tục, không biết huyện có thể gánh nổi đến bao giờ?!”, ông Xuân trăn trở.
Tương tự với huyện Bắc Trà My, tại huyện Phước Sơn, từ đầu năm đến nay, đã tuần tra, truy quét 4 đợt vàng trái phép. Phát hiện trên 10 tổ làm vàng trái phép, đã phá hủy nhiều vật tư máy móc như: máy bơm nước, máy phát điện. Huyện thường xuyên tổ chức truy quét vào những thời điểm nóng, và ngay khi người dân báo cáo. Tuy vậy, kinh phí phòng chống khai thác khoáng sản trái phép rất khó khăn. Điểm khai thác thường xa, cơ quan chức năng không đủ người để làm hết các điểm, làm được dứt điểm điểm này thì lại phát sinh điểm khác.
Ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, với việc khai thác vàng trái phép, huyện yêu cầu ở địa bàn nào địa bàn đó, phải tổ chức truy quét, huyện cũng tổ chức truy quét ghép.
Không chỉ bỏ kinh phí lớn, nhiều khi truy quét các đối tượng khai thác trái phép, lực lượng chức năng còn gặp rất nhiều nguy hiểm khi tham gia bị các đối tượng tấn công bằng cách lăn đá, đe dọa chém, giết, gặp nguy hiểm khi thiêu hủy tang vật (không vận chuyển được do địa hình phức tạp). Anh Nguyễn Hữu Nhân, dân quân xã Trà Sơn, thuộc lực lượng cơ động huyện Bắc Trà My cho biết, năm 2013, khi cùng lực lượng cơ động huyện khi tham gia thiêu hủy tang vật, bình xăng (dùng để chạy máy phát điện) nổ anh cùng một đồng chí Phòng TN&MT đã bị bỏng nặng. Anh cũng cho biết, từ khi đi làm đến nay, anh nhiều lần bị đe dọa.
Anh Nhân cũng cho biết, khi nhận được phản ánh người dân lực lượng cơ động các anh phải lên kế hoạch xuống hiện trường, thường khi tới nơi các đối tượng đã bỏ chạy vào rừng, nếu bắt được lập biên bản đuổi về và thiêu hủy lán trại, tang vật.
Còn xem nhẹ công tác quản lý
Theo ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bắc Trà My, nguyên nhân của việc này là do khoáng sản phần lớn nằm trong các xã có địa hình hẹp, khó khăn cho công tác quản lý nên các đối tượng có cơ hội hoạt động. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn còn xem nhẹ công tác này nên không chủ động kiểm tra, truy quét.
Hệ lụy từ khai thác vàng đến đời sống người dân bao giờ mới hết. Ảnh: Minh họa |
Đồng quan điểm với ông Xuân, ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, khó khăn trong việc này vì nhiều người dân địa phương không có công ăn, việc làm khai thác vàng sa khoáng. Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản trái phép quy mô không lớn, chủ yếu tận dụng các mỏ công ty lớn đã bỏ, thi thoảng có người vào nhặt đá rồi vận chuyển đi nghiền, khó quản lý. Do đó, cần phải chỉ đạo một cách liên tục và phân cấp quản lý, giao cho xã truy quét, nếu có xảy vụ việc trên địa bàn nào Chủ tịch xã đó phải chịu trách nhiệm.
Tuy vậy, những vụ việc lớn xảy ra tại các mỏ như sập hầm, nổ mìn phá núi, chết người, tệ nạn xã hội… lại không mấy liên quan đến những vụ việc “lẻ tẻ” như người dân không có việc làm vào rừng nhặt đá nghiền, hay xuống suối đãi mót vàng ở những mỏ cũ. Vậy nguyên nhân chính từ đâu?
Để giải quyết dứt điểm về vấn đề này, ông Xuân kiến nghị, các cơ quan chức năng tỉnh báo cáo Bộ TN&MT tổ chức khoanh định, công bố khu vực mỏ nhỏ, lẻ để địa phương có thể kêu gọi đầu tư thăm dò trữ lượng giao doanh nghiệp quản lý, khai thác. Qua đó, Nhà nước vừa thu được thuế mà địa phương lại đỡ khó khăn hơn trong việc quản lý công tác này. Mặt khác, cần tăng cường năng lực giám sát và có biện pháp mạnh đối với người đứng đầu địa bàn có khu vực để xảy ra khai thác trái phép.
Trường Giang